• Pháp luật - Bạn đọc

Phát huy vai trò của tổ hòa giải trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn

16/03/2023 05:11 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 16/03/2023 | 05:11

STO - Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng. Song nhờ biết phát huy vai trò của tổ hòa giải cơ sở nên tình hình tranh chấp, mâu thuẫn, đơn thư khiếu nại ngày một giảm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.

Thời gian qua, tổ hòa giải ở cơ sở luôn đóng vai trò quan trọng trong tổ chức và phối hợp tham gia thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

Chông Nô là một ấp của xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Trong những năm qua, ấp luôn thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở. Minh chứng là Tổ hòa giải ấp Chông Nô luôn tìm giải pháp để hạn chế tối đa các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu nại trên địa bàn ấp. Theo đó, Tổ hòa giải ấp Chông Nô đã phân công từng thành viên trong tổ phụ trách nắm tình hình trong nhân dân, khi có vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn thì các tổ viên kịp thời báo cáo Bí thư Chi bộ, Ban Nhân nhân dân ấp, Tổ trưởng Tổ hòa giải cùng nhau đến tuyên truyền, vận động, giải thích để không xảy ra mâu thuẫn kéo dài, làm phức tạp tình hình ở địa phương.

Đã ngoài 60 tuổi, nhiều người đã chọn nghỉ ngơi bên con cháu nhưng ông Thạch Ua - Phó Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Chông Nô vẫn miệt mài với công tác hòa giải ở cơ sở. Ông Thạch Ua chia sẻ: “Tổ hòa giải vừa mới hòa giải thành một vụ tranh chấp đất giữa ông D.Q. và ông D.E. Trước đây, phần đất này không có giá trị về mặt kinh tế, nhưng từ khi Nhà nước đầu tư nâng cấp mở rộng đường, giá đất ở đây bắt đầu tăng, hai anh em ruột phát sinh tranh chấp, khiếu nại. Khi nhận được đơn của ông Q và ông E, thành viên của tổ hòa giải tiến hành xác minh làm rõ. Sau đó, Tổ hòa giải ấp mời các bên đến trụ sở ấp để hòa giải theo quy định. Tại buổi hòa giải, các thành viên trong tổ hòa giải tích cực phân tích, giải thích cặn kẽ giữa tình và lý, cuối cùng hai anh em ông Q.và ông E. đều đồng ý rút đơn khiếu nại”.

Tổ hòa giải ấp Chông Nô, xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) hòa giải tốt các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng. Ảnh: KIM NGỌC

Trò chuyện với chúng tôi, cô Sơn Thị Thanh, ngụ ấp Chông Nô, xã An Ninh chia sẻ: “Đã nhiều năm qua, Tổ hòa giải ấp luôn làm tốt công tác hòa giải, góp phần quan trọng trong việc đoàn kết trong xóm, ấp. Tổ hòa giải đã kịp thời phát hiện, hỗ trợ tư vấn và hòa giải tốt nhiều việc nảy sinh ở cơ sở, qua đó bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương, giúp bà con yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”.

Như vậy có thể thấy rằng, tổ hòa giải, trong đó đội ngũ hòa giải viên cơ sở thường xuyên gần gũi, gắn bó với nhân dân nên dễ dàng động viên bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ hòa giải cùng với các thành viên còn là yếu tố rất quan trọng để giúp hóa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong các mối quan hệ tại cộng đồng dân cư, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp, kéo dài.

Tính đến thời điểm này, huyện Châu Thành đã củng cố được 56 tổ/56 ấp, với 315 hòa giải viên, cơ cấu mỗi tổ hòa giải từ 3 đến 7 thành viên, số lượng tổ hòa giải phù hợp với từng địa bàn dân cư. "Nhờ có các tổ hòa giải hoạt động hiệu quả mà số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện hạn chế rất nhiều. Riêng đối với công tác hòa giải ở ấp Chông Nô đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy, UBND xã An Ninh trong thời gian qua, vì thế, hàng năm, các vụ việc tranh chấp trên địa bàn ấp rất thấp, tỷ lệ hòa giải thành cao. Để đạt được kết quả đó, tổ hòa giải trên địa bàn huyện Châu Thành nói chung, Tổ hòa giải ấp Chông Nô nói riêng đã dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán, tâm tư, tình cảm của các bên và quy định của pháp luật để giải thích, hướng dẫn, giúp họ hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình để hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn một cách ổn thỏa" - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Châu Thành Cao Thùy Thiên Phương cho biết.

Hiện nay, toàn tỉnh có 784 tổ hòa giải/775 ấp, khóm với 4.272 hòa giải viên, trong đó, nữ 909 người; dân tộc thiểu số 1.088 người; bí thư chi bộ, trưởng ban nhân dân khóm, ấp 330 người. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ cơ bản tham mưu UBND xã thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương. Các tổ hòa giải đều lựa chọn các hòa giải viên theo đúng tiêu chuẩn quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh cơ bản có đầy đủ các thành phần tham gia. Bên cạnh cán bộ có năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm về thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, công tác phối hợp của các cơ quan có liên quan như: cơ quan tư pháp, mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tại địa phương có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ liên quan lĩnh vực hòa giải ở cơ sở. Nhờ vậy, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn tỉnh đạt 85%.

Đồng chí Lê Thị Thúy Vi - Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp cho biết: “Năm 2022, công tác hòa giải ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ các vụ việc hòa giải thành đạt cao. Từ đó giảm số vụ việc và người vi phạm pháp luật, các mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp, tạo môi trường thuận lợi, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong năm 2023, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Hòa giải cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 23/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc củng cố, kiện toàn để nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở sẽ tiếp tục được quan tâm thực hiện…”.

KIM NGỌC

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: