• Pháp luật - Bạn đọc

Phiên tòa trực tuyến - bước đột phá trong cải cách tư pháp, hướng đến tòa án điện tử

01/06/2023 04:26 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Song Lê
  • Thứ Năm, 01/06/2023 | 04:26

STO - Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, sử dụng các thiết bị điện tử kết nối qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do tòa án quyết định. Phiên tòa trực tuyến vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Theo Nghị quyết số 33/2021/QH15, ngày 12/11/2021 của Quốc hội, từ ngày 1/1/2022, tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng (trừ các vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự). Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

Ngày 19/11/2021, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành các quyết định, kế hoạch về triển khai tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đồng thời, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP, ngày 15/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Thông tư quy định khi tham gia phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ quy định nội quy phòng xử án; luôn để thiết bị điện tử ở trạng thái mở camera và bật âm thanh micro; khi được yêu cầu thì mới phát biểu; không được tạo các tạp âm khác trong khi thiết bị điện tử đang để chế độ mở tiếng, gây ảnh hưởng đến phiên tòa; người tham gia phiên tòa phải mặc trang phục nghiêm chỉnh; không đứng dậy hay rời đi trong thời gian xét xử khi chưa được chủ tọa phiên tòa cho phép; không chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh, phát tán tài liệu hoặc phát tán thông tin tài khoản đăng nhập vào hệ thống xét xử trực tuyến, phát trực tiếp phiên tòa trên không gian mạng…

Sau khi các văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến được ban hành, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với cơ quan có liên quan tổ chức phiên tòa trực tuyến, góp phần nâng cao tỷ lệ, chất lượng giải quyết án. Từ ngày 1/10/2022 đến nay, các đơn vị tòa án trong tỉnh đã tổ chức thành công 54 phiên tòa trực tuyến. Cụ thể, Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức được 17 phiên tòa trực tuyến (án hình sự 16 phiên tòa; án hành chính 1 phiên tòa), trong đó có 2 phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm án hình sự, án hành chính theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh; tòa án nhân dân cấp huyện tổ chức được 37 phiên tòa trực tuyến xét xử án hình sự. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tỉnh đã phối hợp thực hiện là điểm cầu thành phần đối với 10 phiên tòa xét xử trực tuyến do Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

 Phiên tòa trực tuyến được xem là một trong những hoạt động cải cách tư pháp hiệu quả, tạo cơ chế thuận lợi để bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa. Ảnh: TRỌNG HỮU

Đồng chí Lê Thanh Vũ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đánh giá, qua các phiên tòa trực tuyến cho thấy sự quyết tâm của tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Sóc Trăng, khắc phục khó khăn trước mắt để đưa nghị quyết của Quốc hội thực thi trên thực tiễn. Từ đó đảm bảo tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, tạo cơ chế thuận lợi để bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa; giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa; đặc biệt là tiết kiệm chi phí cho xã hội và người dân. Điển hình là phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án “Cố ý gây thương tích và hành hạ người khác” xảy ra tại thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) có rất nhiều người tham gia tố tụng, trong đó có 14 bị hại là người dưới 18 tuổi; vụ án “Tổ chức đánh bạc và đánh bạc” xảy ra tại thành phố Sóc Trăng có rất nhiều người tham gia tố tụng, trong đó có 19 bị cáo; vụ án “Giết người và cướp tài sản” xảy ra tại huyện Long Phú (Sóc Trăng) có tính chất rất phức tạp, mâu thuẫn rất gay gắt, căng thẳng giữa bị cáo với gia đình nạn nhân và có khả năng xảy ra mất trật tự tại phiên tòa nếu xét xử trực tiếp…

Bên cạnh đó, việc xét xử trực tuyến các vụ án hành chính còn tạo thuận lợi cho việc tổ chức phiên tòa, hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần hoặc xét xử vắng mặt người bị kiện, giảm bức xúc cho người khởi kiện. Tòa án nhân dân tỉnh đã tổ chức thành công phiên tòa xét xử trực tuyến và rút kinh nghiệm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đối với vụ án hành chính “Khiếu kiện hành vi hành chính không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Phiên tòa diễn ra có sự tham dự đầy đủ của các bên đương sự (người khởi kiện, người bị kiện) và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa rất tích cực theo tinh thần cải cách tư pháp.

Tuy nhiên, các đơn vị tòa án trong tỉnh hiện nay còn gặp khó khăn trong công tác tổ chức xét xử trực tuyến đó là các trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến của các tòa án, phần lớn thiết bị được tận dụng từ phòng họp trực tuyến hiện có và mượn của đơn vị bạn, chuyển đổi công năng để tổ chức xét xử nên đôi lúc chất lượng đường truyền, âm thanh, hình ảnh tại phiên tòa xét xử trực tuyến còn hạn chế. Do đó, trong thời gian tới để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả xét xử trực tuyến, các đơn vị tòa án trong tỉnh cần được cấp có thẩm quyền đầu tư nguồn kinh phí để trang bị trang thiết bị chuyên dùng cho công tác tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến.

AN BÌNH - SONG LÊ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: