• Pháp luật - Bạn đọc

Tạo chuyển biến về nhận thức, nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại tại tòa án

21/11/2022 04:24 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 21/11/2022 | 04:24

STO - Chưa đầy 2 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án nhưng công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực, giải quyết được một lượng án lớn trong hai cấp. Đồng thời, thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức, kinh nghiệm, tâm huyết trong xã hội tham gia phối hợp “xóa” triệt để các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, góp phần đảm bảo tình hình trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Lâm - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, năm 2022, hai cấp tòa án đã tiếp nhận 6.973 đơn yêu cầu, khởi kiện của đương sự và các đơn vị tòa án đã chuyển cho hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại đối với 3.077 đơn (hòa giải thành 1.955 vụ việc). Như vậy, tỷ lệ các vụ việc tòa án chuyển sang hòa giải, đối thoại so với số lượng vụ việc nhận được đạt 46,2% và thực hiện hòa giải thành đạt 63,5%. Dù cả hai tỷ lệ trên đều chưa đạt theo Chỉ thị số 02/2022/CT-TA, ngày 14/3/2022 của Tòa án nhân dân Tối cao nhưng so với cùng kỳ năm 2021 là một sự chuyển biến vượt bậc, rõ nét. Bởi năm đầu triển khai thực hiện, số vụ việc chuyển qua hòa giải đạt không quá 1% (chuyển sang hòa giải, đối thoại 48 vụ việc và hòa giải, đối thoại thành 28 vụ việc) và người dân thì khá “mù mờ”, công chức trong ngành không “thông suốt” đối với công tác này.

Trước tỷ lệ của năm đầu triển khai thực hiện, Tòa án nhân dân tỉnh đã khẩn trương tổ chức hội nghị sơ kết để tìm ra nguyên nhân, sự vướng mắc của vấn đề từ đâu. Qua đó, lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh nhận thấy tỷ lệ vụ việc chuyển qua hòa giải hầu như bằng con số 0 là do công tác tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn; tâm lý cán bộ tòa án sợ mất chỉ tiêu về hòa giải trong tố tụng; lực lượng hòa giải viên còn quá ít (17 hòa giải viên) và chưa hiểu hết quyền lợi có được của mình; cơ sở vật chất chưa được đầu tư...

Khi xác định được “khúc mắc” của vấn đề, lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa ra nhiều phương án, giải pháp và khẩn trương bắt tay triển khai thực hiện. Trước hết, đơn vị thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh với vai trò trưởng ban và thành viên là trưởng các phòng nghiệp vụ, chánh án tòa án cấp huyện. Có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong việc tiến hành “khai thông” tư tưởng cho công chức của đơn vị và tìm nguồn hòa giải viên đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh bổ nhiệm. Mặt khác, Tòa án nhân dân tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Yêu cầu công chức hai cấp phải tuyên truyền để người dân nắm rõ các quy định, quyền lợi của công tác hòa giải, đối thoại tại tòa khi tiếp nhận đơn yêu cầu, khởi kiện. Đặc biệt, nhờ có sự phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan chuyên môn đã đẩy mạnh tuyên truyền để Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án đến gần người dân.

Một buổi hòa giải, đối thoại tại tòa án. Ảnh: SỚM MAI

Hai cấp luôn chú trọng cân nhắc và lựa chọn, tuyển chọn hòa giải viên. Bởi đây là lực lượng chủ yếu, quyết định đến sự thành công của cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án. Ngoài các điều kiện theo quy định của luật thì người được chọn làm hòa giải viên cần phải có năng lực, tâm huyết với công việc, có khả năng lắng nghe, thấu hiểu và thuyết phục các bên đang có tranh chấp, mâu thuẫn, xóa bỏ các bất đồng đi đến đồng thuận. Hiện hai cấp đã có 44 hòa giải viên và phần lớn nguyên là công chức tòa án, viện kiểm sát nhân dân, công an, luật sư. Khi hòa giải, đối thoại, các hòa giải viên đã thể hiện tốt vai trò của mình là người trung gian, hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt giữa các bên tranh chấp và hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận giải quyết một cách ổn thỏa. Từ đó, chấm dứt mâu thuẫn, xung đột, tăng cường sự đoàn kết trong nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Vấn đề về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa được bảo đảm. Tòa án nhân dân Tối cao quan tâm trang bị đầy đủ từ máy tính, máy in đến bàn ghế làm việc và mỗi đơn vị tòa án đều bố trí phòng riêng đảm bảo cho hòa giải viên thực hiện tốt công việc. Thực tế, đương sự ngày càng hướng về lựa chọn con đường hòa giải tại tòa thay vì con đường tố tụng. Bởi các đương sự cho rằng, lựa chọn hòa giải, đối thoại tại tòa giúp giải quyết triệt để, có hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử nên sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan. Kết quả hòa giải, đối thoại thành thì được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của luật tố tụng dân sự, hành chính nên vụ việc không phải kéo dài căng thẳng và quan trọng vẫn giữ được “cái tình”.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, việc đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là một trong những giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp. Khi đó, thẩm phán sẽ có nhiều thời gian hơn trong việc nghiên cứu hồ sơ và nâng cao chất lượng giải quyết án. Chính vì vậy, lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả đối với Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa, nhất là việc tăng cường, kiểm tra đôn đốc.

Hòa giải, đối thoại tại tòa là một chính sách quan trọng, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, trên thực tế, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai. Đồng thời, tạo sự đồng thuận cao, xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

SỚM MAI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: