Châu Á - Thái Bình Dương: Lạm phát qua đỉnh

04/02/2023 15:31 GMT +7
  • Nguồn: Báo SGGP Online
  • Thứ Bảy, 04/02/2023 | 15:31

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s nhận định, lạm phát đã vượt đỉnh ở hầu hết các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, khi mà xu hướng tăng giá đang có chiều hướng giảm tại Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.

Người dân mua hàng tại một siêu thị ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Áp lực đã qua

Trong báo cáo công bố ngày 3-2, Moody’s lưu ý, áp lực giá cả đang đè nặng lên các hộ gia đình, doanh nghiệp ở khắp nơi trên toàn thế giới. Ứớc tính lạm phát đã tăng lên 8,7% trong suốt năm 2022.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, giá cả tăng khoảng hơn 3,6%. Phần lớn áp lực về giá của khu vực này khởi phát từ việc các chuỗi cung ứng bị hạn chế. Trong năm 2020 và 2021, nguồn cung khan hiếm đã ảnh hưởng đến sản xuất toàn cầu và làm gián đoạn quá trình vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, phần lớn những áp lực này đã qua.

Báo cáo cho biết: “Nhờ sức ép đối với chuỗi cung ứng toàn cầu được nới lỏng, giá nhiều mặt hàng toàn cầu (năng lượng và lương thực) đều giảm từ những mức cao nhất. Giá nguyên liệu thô, bao gồm cả gỗ, hiện đang ở mức thấp hơn thời điểm trước đại dịch Covid-19”.

Khi các vấn đề về nguồn cung giảm dần, giá cả vẫn chưa thể hạ nhiệt khi các nền kinh tế phục hồi trở lại vào năm 2022. Đáp lại, các ngân hàng trung ương đã đẩy chi phí đi vay lên cao nhằm kiềm chế nhu cầu trong nước.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Dự trữ New Zealand đã dẫn đầu về việc tăng lãi suất với tổng cộng tăng 400 điểm cơ bản (4%) kể từ tháng 10-2021.

Lãi suất của Ngân hàng Trung ương Philippines cũng tăng thêm 350 điểm cơ bản (3,5%), trong khi Ngân hàng Dự trữ Australia đã đẩy lãi suất lên cao hơn 300 điểm cơ bản (3%) kể từ tháng 5-2022.

Moody’s cho rằng, tác động kết hợp của việc các hạn chế về nguồn cung được nới lỏng và chi phí vay giảm bớt sẽ giúp giảm lạm phát xuống thấp hơn ở khu vực này trong năm 2023. Tuy nhiên, đây sẽ là một quy trình từng bước một và dự báo lạm phát sẽ ở mức trung bình khoảng 2,8% trong năm nay và 2,5% trong năm sau.

Với việc cầu vẫn cao hơn cung ở nhiều nơi trên thế giới, lãi suất sẽ tăng cao hơn trong những tháng tới, đặc biệt là ở những nền kinh tế mà lạm phát vẫn chưa ổn định.

Đặt niềm tin ở Trung Quốc, Ấn Độ

Cũng theo báo cáo của Moody’s, sự phục hồi của Trung Quốc sẽ giúp tăng trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vượt trội so với hầu hết các khu vực khác trong 1-2 năm tới. Dù vậy, hãng đánh giá tín dụng vẫn cảnh báo lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn ở Trung Quốc, nhu cầu toàn cầu vẫn ở mức thấp cùng với khả năng xảy ra các cú sốc địa chính trị tiếp theo có thể gây ra rủi ro với tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trước bản báo cáo của Moody’s, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh mạnh triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2023, theo đó GDP Trung Quốc sẽ tăng từ mức dự báo 4,4% hồi tháng 10 năm ngoái lên 5,2%. Tuy nhiên, theo IMF, trong năm 2024, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm xuống 4,5% trước khi ổn định ở mức dưới 4% trong trung hạn trong bối cảnh hoạt động kinh doanh suy giảm và quá trình cải cách cơ cấu chậm lại.

IMF cho biết thêm, triển vọng kinh tế Ấn Độ vẫn mạnh mẽ, với các dự báo không thay đổi về mức tăng trưởng năm 2023 giảm xuống 6,1%, nhưng sẽ phục hồi lên mức 6,8% vào năm 2024, tương tự như năm 2022. Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho rằng, 2 nền kinh tế lớn của châu Á này sẽ đóng góp hơn 50% tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023.

Về kinh tế thế giới, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ giảm từ mức 3,4% năm 2022 xuống 2,9% năm 2023. Tuy nhiên, mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới nhất này đã cao hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 10-2022 là 2,7% với cảnh báo thế giới có nguy cơ dễ rơi vào suy thoái.

MINH CHÂU/BÁO SGGP

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: