• Chuyển đổi số

Cơ hội trở thành cửa ngõ giao thương

02/05/2022 05:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 02/05/2022 | 05:00

STO - Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, một khi các công trình hạ tầng liên vùng, như: tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các tuyến quốc lộ, cầu Đại Ngãi, đặc biệt là Cảng biển Trần Đề được hình thành, Sóc Trăng sẽ có cơ hội trở thành cửa ngõ giao thương kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các nước tiểu vùng sông Mêkong. Và để nắm bắt cơ hội đó, Sóc Trăng đang tích cực thu hút đầu tư để tạo bứt phá và phát triển xứng với tiềm năng và lợi thế của mình.

Vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TW về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó, đặt nhiệm vụ đến năm 2030 “Hoàn chỉnh hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và đóng vai trò cảng cửa ngõ của vùng”. Đồng thời, để khắc phục điểm nghẽn trong phát triển vùng ĐBSCL, Trung ương đã, đang và sẽ triển khai nhiều công trình hạ tầng liên vùng như: tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các tuyến quốc lộ, cầu Đại Ngãi. Do đó, trong tương lai, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn lạc quan, Sóc Trăng sẽ có cơ hội là cửa ngõ giao thương, kết nối vùng ĐBSCL, các nước tiểu vùng sông Mêkong qua hành lang kinh tế Đông - Tây với tuyến hàng hải quốc tế; đồng thời, tỉnh Sóc Trăng sẽ khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển, để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, các dự án năng lượng, logistics,… tạo động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Vùng biển sau dãy rừng phòng hộ Cù Lao Dung là nơi dự kiến xây dựng cảng biển Trần Đề. Ảnh: TÍCH CHU

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn, với đặc điểm tự nhiên có 3 vùng sinh thái, Sóc Trăng có điều kiện thuận lợi trong việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã khai thác hiệu quả ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu và đã xây dựng được thương hiệu quốc gia một số mặt hàng nông, thủy sản của tỉnh. Vì vậy, tỉnh Sóc Trăng mong muốn giới thiệu đến doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, cũng như thông tin về định hướng phát triển và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp và năng lượng tái tạo, thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics và kinh tế biển.

Đồng tình với nhận định của Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, khi có cảng biển quốc tế Trần Đề và các tuyến đường cao tốc đi qua, Sóc Trăng là tỉnh có nhiều cơ hội nhất để trở thành cửa ngõ giao thương kinh tế trong vùng và quốc tế. Đánh giá về triển vọng của cảng biển quốc tế Trần Đề, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Nếu so sánh với các địa điểm khác trong vùng thì không có cảng nào của ĐBSCL có thể so sánh được với cảng biển quốc tế Trần Đề. Đây sẽ là cảng trung chuyển hàng hóa, mở rộng không gian phát triển các tỉnh lân cận khu vực ĐBSCL vì từ cảng Trần Đề đến trung tâm của vùng là TP. Cần Thơ chỉ có 60km. Đây cũng chính là lý do mà cảng Trần Đề đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm”. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, khu vực xung quanh cảng Trần Đề cũng sẽ hình thành các khu, cụm công nghiệp lớn, tạo thêm việc làm cho người dân Sóc Trăng và ĐBSCL, hạn chế tình trạng ly hương như hiện nay.

Liên quan đến hệ thống giao thông kết nối Sóc Trăng nói chung và cảng Trần Đề nói riêng với các tỉnh trong vùng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin thêm: “Trong số 150.000 tỉ đồng để thực hiện các công trình trọng điểm, liên vùng, có sức lan tỏa cao mà Trung ương đã thống nhất đầu tư cho ĐBSCL có tuyến cao tốc, đặc biệt quan trọng là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đây là 2 trục đường quan trọng nhất của vùng ĐBSCL”. Giải thích thêm tầm quan trọng của các tuyến giao thông này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là do điểm cuối tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm ngay cảng nước sâu Trần Đề nên có thể nói, hệ thống giao thông đường bộ sắp tới sẽ hỗ trợ đặc biệt cho cảng Trần Đề vì khi đó, hàng hóa có thể sử dụng các tuyến cao tốc để kết nối với cảng Trần Đề.

Không chỉ có các tuyến cao tốc, một công trình giao thông khác vốn được người dân Sóc Trăng và các tỉnh chờ đợi bấy lâu nay là cầu Đại Ngãi cũng được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cung cấp tin vui: “Trung ương cũng đã bố trí ngân sách 8.000 tỉ đồng để đầu tư cầu Đại Ngãi, cây cầu lớn nhất ĐBSCL và là cây cầu cuối cùng nằm trên Quốc lộ 60 kết nối Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh. Với cây cầu này, người dân ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh khi đi TP. Hồ Chí Minh không còn ùn tắc ở cầu Rạch Miễu, rút ngắn quãng đường từ Sóc Trăng đi TP. Hồ Chí Minh khoảng 70km”. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, hiện Trung ương đã bố trí 1.200 tỉ đồng để trong vòng 1 - 2 năm nữa sẽ nâng cấp Quốc lộ 1 từ Cần Thơ đến Sóc Trăng lên 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Với hạ tầng giao thông đường bộ như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định rằng, trong 4 - 5 năm tới, điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của Sóc Trăng là vô cùng lớn, giúp Sóc Trăng tạo nên sự đột phá trong thu hút đầu tư nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: