• Sóc Trăng tiềm năng và phát triển

Đẩy mạnh phát triển du lịch Sóc Trăng

04/03/2023 04:17 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 04/03/2023 | 04:17

STO - Năm 2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển du lịch Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Qua quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, hoạt động du lịch của tỉnh có những bước khởi sắc và chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xác định hướng đi cho ngành du lịch

Trước đây, du lịch Sóc Trăng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư đúng mức và thiếu đồng bộ; tiến độ triển khai thực hiện các dự án còn chậm; các sản phẩm du lịch đặc thù ít và chưa phong phú, thiếu các khu vui chơi giải trí để thu hút khách nghỉ đêm tại Sóc Trăng; hệ thống cơ sở lưu trú còn ít, thiếu các nhà hàng chuyên phục vụ những món ăn đặc sản của các dân tộc; chưa khai thác tốt các loại hình di sản văn hóa và di tích lịch sử phục vụ khách tham quan du lịch; nguồn nhân lực du lịch trong tỉnh còn thiếu, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch còn hạn chế; công tác xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch của tỉnh còn bị động, mô hình, phương thức có đổi mới nhưng hiệu quả chưa cao; mức độ tham gia đầu tư của người dân vào hoạt động du lịch còn thấp; công tác triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn chậm.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khảo sát Dự án Xây dựng khu phố du lịch Maspero. Ảnh: THẠCH PÍCH

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Văn Đâu cho biết: “Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Sóc Trăng và là một trong những trung tâm du lịch về lễ hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ngày 29/4/2022, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 1156/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” với những định hướng về quy hoạch, đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ, dự án du lịch nhằm đưa du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế quan trọng với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển”.

Sẽ đầu tư phát triển các sản phẩm

Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng từ nay đến năm 2030 sẽ tập trung quy hoạch phát triển 10 sản phẩm du lịch chủ lực, 6 sản phẩm du lịch bổ sung và 4 không gian du lịch cùng với các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư từng giai đoạn theo cụm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phải kể đến các sản phẩm du lịch chủ lực như: du lịch văn hóa tâm linh thành phố Sóc Trăng; du lịch văn hóa lễ hội - ẩm thực thành phố Sóc Trăng; du lịch văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên (huyện Châu Thành); du lịch sinh thái biển Mỏ Ó (huyện Trần Đề); du lịch sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách); du lịch sinh thái biển Cù Lao Dung; du lịch sinh thái biển Hồ Bể (thị xã Vĩnh Châu); điểm du lịch Tân Huê Viên (huyện Châu Thành); du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp văn hóa về nguồn tại Khu Căn cứ Tỉnh ủy (huyện Mỹ Tú); du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm…

Là địa phương có điều kiện thuận lợi về tự nhiên, khí hậu và sự ưu đãi từ thiên nhiên, Cù Lao Dung - nơi hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Theo Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin Cù Lao Dung Mạch Ngọc Tú, việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn cho Cù Lao Dung là công việc vô cùng quan trọng và cấp thiết; cần chú trọng phát triển đa dạng các hoạt động du lịch; tập trung đầu tư, xây dựng các điểm trọng tâm về du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch sông nước miệt vườn... phát triển loại hình du lịch trải nghiệm homestay với những cái riêng độc đáo của địa phương để thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan; hứa hẹn trong thời gian không xa, Cù Lao Dung sẽ là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Hỗ trợ phát triển du lịch

Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, ngày 7/7/2020 của HĐND tỉnh được triển khai, áp dụng dành cho các đối tượng là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp kinh doanh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, với nội dung hỗ trợ phong phú và định mức hỗ trợ tương đối khá. Tổng dự toán kinh phí hỗ trợ là hơn 76,8 tỷ đồng, được phân kỳ thực hiện trong giai đoạn 5 năm (2020 - 2025), tập trung vào 10 nội dung hỗ trợ như: xây dựng mới nhà hàng kết hợp bán hàng đặc sản, sản phẩm OCOP, quà tặng du lịch, quà lưu niệm của tỉnh Sóc Trăng; lãi suất vốn vay xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên; đầu tư mua hoặc đóng mới phương tiện vận tải khách du lịch đường thủy nội địa; kinh doanh loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; đầu tư xây dựng, nâng cấp điểm du lịch; đầu tư xây dựng, nâng cấp phát triển thành khu du lịch cấp tỉnh; đầu tư cho các di tích lịch sử, văn hóa thu hút khách du lịch; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng nhà vệ sinh công cộng và lãi suất vốn vay cho các dự án vui chơi, giải trí.

Đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và các doanh nghiệp, các chuyên gia ngành du lịch khảo sát Dự án Bảo tồn chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh: THẠCH PÍCH

Trong năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp cùng với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch, hỗ trợ cho các hộ kinh doanh homestay tại các cụm du lịch xây dựng cơ sở lưu trú phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Để triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Phạm Văn Đâu cho biết thêm: “Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp cùng với các sở, các ngành, đơn vị có liên quan tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về phát triển du lịch và hỗ trợ phát triển du lịch. Đồng thời, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các cơ sở kinh doanh du lịch về vị trí, vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đẩy mạnh cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân. Qua đó, tăng cường đầu tư mới các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng, khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch trọng điểm. Tăng cường các nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, đầu tư mới hệ thống cơ sở lưu trú, trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, trung tâm giải trí về đêm, khu phố đi bộ gắn với đặc trưng văn hóa 3 dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa để thu hút khách du lịch tham quan trải nghiệm. Xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch, cụ thể hóa thành các kế hoạch hàng năm, các chương trình xuyên suốt. Xác định rõ thông điệp truyền thông, đối tượng truyền thông, mục tiêu truyền thông; ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch…”.

Với việc ban hành đề án về phát triển du lịch, nghị quyết về chính sách hỗ trợ đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đây là tiền đề, đòn bẩy quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được tham gia vào hoạt động phát triển du lịch, từng bước đưa ngành du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế quan trọng, vươn lên sánh cùng với các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

THẠCH PÍCH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: