• Sóc Trăng tiềm năng và phát triển

Du lịch Sóc Trăng phục hồi và phát triển

23/01/2023 04:38 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 23/01/2023 | 04:38

STO - Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bước sang những tháng đầu năm 2022 đến nay, ngành Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực thích ứng nhanh với trạng thái “bình thường mới”, tiến tới phục hồi và phát triển bền vững. Bởi Sóc Trăng là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn với các điểm du lịch tâm linh, ngôi chùa Khmer, lễ hội của đồng bào Khmer, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái...

Ngành du lịch hồi sinh trở lại

Thực tế cho thấy, những tác động mạnh mẽ và kéo dài của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen chi tiêu của người dân trên mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Thời gian qua, ngành Du lịch Sóc Trăng đã tích cực hợp tác, liên kết với các địa phương, các doanh nghiệp du lịch trong nước tổ chức hoạt động “kích cầu” du lịch và lên kế hoạch đón khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Ở Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa nổi tiếng, trong đó phải kể đến chùa Som Rong, phường 5, thành phố Sóc Trăng, nơi có tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam, hay chùa Mahatup (chùa Dơi), chùa Kh’leang, chùa Sro Lôn (Chén Kiểu), Quan Âm Linh Ứng (Phật Học 2)… không chỉ là điểm du lịch tâm linh, bởi nó có kiến trúc độc đáo, ấn tượng đến du khách gần xa. Bạn Lê Thị Kim Ngân - du khách đến từ Cần Thơ cho biết: “Em đến Sóc Trăng tham quan và thấy các công trình kiến trúc chùa Khmer có một nét đẹp đặc trưng riêng. Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, đến đây tham quan nhiều nơi, em cảm thấy rất vui”.

Du khách trải nghiệm tại điểm du lịch sinh thái xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh: THẠCH PÍCH

Trong những năm gần đây, du lịch Sóc Trăng ngày càng có thêm nhiều điểm đến, các tour, tuyến được kết nối đa dạng, mở rộng không gian du lịch trong và ngoài tỉnh. Chính vì vậy, trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022, Ban Tổ chức đăng cai ngày hội tổ chức đoàn famtrip khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của 30 công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành ở các địa phương cùng đến tham quan và trải nghiệm.

Chúng tôi có dịp theo đoàn khảo sát du lịch của các đơn vị lữ hành trong chương trình kết nối du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Hữu Ân - Phó trưởng Phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Đây là một trong những chuyến famtrip mà Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh miền Tây thực hiện để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với cây lúa, cây ăn quả, thủy sản…”.

Tại Cụm du lịch cộng đồng xã An Thạnh Nam và xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, đoàn đã trải nghiệm dịch vụ đi cầu tre xuyên rừng, bắt ốc len, vọp, câu cua, bơi xuồng ra bãi bồi, khu ẩm thực sinh thái đặc sắc của xứ cù lao, Apsara, farmstay Sân Tiên; hay tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện Châu Thành... Nhiều đại diện của các đơn vị lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng cho rằng, nhu cầu vui chơi của người dân rất lớn, khách du lịch cần những địa điểm giải trí mới lạ, mang nét riêng của văn hóa bản địa. Các địa phương cần tự biết được điểm mạnh của mình để cùng các công ty du lịch xây dựng, thiết kế những sản phẩm du lịch độc đáo.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền du lịch

Trong bối cảnh thích ứng với dịch Covid-19, ngành Du lịch Sóc Trăng đã nỗ lực xúc tiến, quảng bá du lịch có nhiều đổi mới, tạo được hiệu ứng tích cực, sức lan tỏa mạnh, góp phần vào việc tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về hình ảnh vùng đất và con người Sóc Trăng đến bạn bè khắp cả nước thông qua các kênh truyền thông báo, đài, trang điện tử du lịch Sóc Trăng và các trang mạng xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch của địa phương.

Đồng chí Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho biết: “Hiện nay, tỉnh đã đưa ra nhiều ưu đãi thu hút đầu tư vào phát triển du lịch, để không còn tình trạng nhiều đoàn khảo sát đến rồi lại đi. Tỉnh đang rất cần đầu tư để phát triển bài bản các sản phẩm du lịch, hấp dẫn du khách. Trong năm 2022, ngành đã phối hợp với các huyện: Cù Lao Dung, Mỹ Tú và thành phố Sóc Trăng tổ chức khảo sát, hướng dẫn thực hiện hoàn thiện các điều kiện để làm hồ sơ đề nghị, như: hỗ trợ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê của các hộ dân tại xã An Thạnh 1 (huyện Cù Lao Dung) và Homestay chợ nổi Ngã Năm; hỗ trợ nhà vệ sinh công cộng tại điểm chùa Som Rong, phường 5 (thành phố Sóc Trăng) và cổ miếu Thiên Hậu Thánh Mẫu (thị xã Vĩnh Châu); hỗ trợ phương tiện vận chuyển khách du lịch và nhà hàng kết hợp bán hàng đặc sản, sản phẩm OCOP tại xã An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung)”.

Là một trong những doanh nghiệp tham gia khảo sát, anh Vũ Nguyễn Minh Trí - Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn DMC Mekong Image Travel and Events cho rằng, các cơ sở lưu trú ở Sóc Trăng hiện tại không thiếu, nhưng cần làm mới lại các hoạt động sau dịch Covid-19. Bởi du khách đến đây muốn cảm nhận một sự khác biệt so với các nơi khác, đó là được hòa vào không gian sống của người Khmer tại Sóc Trăng.

Khởi sắc của ngành du lịch

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Du lịch Sóc Trăng đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức thành công Liên hoan ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng” chào mừng Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng và Hội nghị xúc tiến đầu tư; tham gia sự kiện không gian giao thương, kết nối doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu; các hành trình tour mang tính kết nối như Cần Thơ - Sóc Trăng - Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cần Thơ - Cù Lao Dung (Sóc Trăng) - Côn Đảo… với các điểm đến giàu bản sắc văn hóa của vùng đất, con người, đa dạng không gian trải nghiệm vùng sông nước miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long đều đã trở thành những sản phẩm du lịch nổi bật của du lịch Sóc Trăng, kết nối với các địa phương trong và ngoài vùng.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sóc Trăng Trịnh Công Lý cho biết: “Trong thời gian tới, tỉnh sẽ duy trì khu chợ đêm hai bên bờ sông Maspero (trung tâm thành phố Sóc Trăng); thứ Bảy hàng tuần sẽ có biểu diễn nghệ thuật của người Khmer tại các điểm đến là các nhà hàng ẩm thực… phục vụ khách đến tham quan. Đồng thời, du lịch trải nghiệm sẽ là một điểm nhấn của Sóc Trăng khi văn hóa Khmer là nét riêng độc đáo của tỉnh và sẽ được khai thác sâu để mang đến những thú vị cho du khách khi đến đây”.

Với những tín hiệu tăng trưởng khởi sắc sau giai đoạn phục hồi, mở cửa lại hoạt động du lịch cùng với những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chính. Điều đó đã khẳng định, những giải pháp mà chương trình “kích cầu” du lịch Sóc Trăng đề ra mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, với sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc trưng, có sức cạnh tranh, mang tính cạnh tranh. Tin tưởng ngành Du lịch Sóc Trăng sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển tích cực trong thời gian tới.

THẠCH PÍCH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: