• Sóc Trăng tiềm năng và phát triển

Góc nhìn kinh tế

Gạo ST nhìn về thị trường 20 triệu dân

26/11/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 26/11/2019 | 06:00

STO - Câu chuyện gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự giành giải nhất Hội thi gạo ngon thế giới năm 2019 đến nay vẫn chưa thể khép lại, mà tâm điểm của những tranh luận, đề xuất gần đây chủ yếu xoay quanh câu chuyện thị trường và thương hiệu. Với tầm hiểu biết hạn hẹp của mình, người viết chỉ muốn góp thêm tiếng nói cho câu chuyện trên ở phân khúc thị trường nội địa, mà trọng tâm là các thành phố lớn trong cả nước.

Giống lúa thơm ST22 rất thích nghi vùng tôm – lúa huyện An Biên (Kiên Giang) nhờ khả năng chống chịu mặn cao.

Cho đến bây giờ, giống lúa ST5 vẫn được nông dân vùng tôm – lúa tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh rất ưa chuộng không chỉ ở tính thích nghi cao, chất lượng thơm ngon, mà còn rất dễ đạt năng suất cao. Người viết đã không ít lần tiếp xúc với nông dân vùng tôm – lúa của 4 huyện thuộc vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) và cái tên ST5 vẫn luôn được họ chọn lựa đến trước mỗi mùa vụ sản xuất, mặc dù đã có sự xuất hiện của một số giống lúa ST khác trên vùng này, như: ST20, ST22, ST24… Còn tại những vùng tôm – lúa của tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu trong những năm gần đây, lúa ST vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của nông dân và cả ngành nông nghiệp địa phương.

Như vậy có thể thấy, khả năng nhân rộng, phát triển diện tích lúa ST tại các tỉnh duyên hải đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn và vấn đề còn lại là làm sao quy hoạch, tổ chức lại sản xuất một cách hợp lý và đặc biệt là làm tốt hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến thị trường tiêu thụ. Để gạo thơm ST đi vào phân khúc thị trường trung và cao cấp. Từ lâu, Sóc Trăng và một số tỉnh ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức sản xuất theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và đã được cấp chứng nhận. Kỹ sư Hồ Quang Cua phân tích: “Với giống lúa thơm, hạt gạo càng thơm, càng thể hiện độ an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, phải hạn chế tối đa tác động của hóa chất từ thuốc hóa học bảo vệ thực vật, để ổn định quá trình tổng hợp, kết tinh mùi thơm trong hạt gạo từ lá lúa”.

Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo rất chuộng loại gạo ST nhờ đặc tính thơm, ngon và có thể sản xuất, kinh doanh được quanh năm.

PGS.TS Phạm Văn Dư – nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn) trước đây đã từng nhận định: “Chỉ cần làm tốt công tác thị trường tại một số thành phố lớn trên cả nước, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… với dân số khoảng 20 triệu dân cũng đủ tạo nên một kênh tiêu thụ gạo ST khá lớn”. Tôi nhẩm tính, 20 triệu người, mỗi người sử dụng 24kg gạo ST/năm (tức mỗi tháng chỉ 2kg) thì lượng gạo ST được tiêu thụ hàng năm cũng gần 500.000 tấn, tương đương với 1 triệu tấn lúa ST. Đây là một con số không hề nhỏ chút nào trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn, nhưng cũng không hề dễ dàng tiếp cận với con số theo lý thuyết trên trong một sớm, một chiều.

Vấn đề sản xuất lúa gạo hiện nay không phải là đạt sản lượng bao nhiêu, mà cái chính là giá trị sản xuất cũng như thu nhập của người trồng lúa, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tăng thêm được bao nhiêu. Vì vậy, việc tổ chức sản xuất cần chuyển sang chuỗi giá trị, gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ. Hiện nay, năng lực sản xuất giống lúa ST của Sóc Trăng về cơ bản là đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất của các vùng duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, nên vấn đề còn lại là tổ chức liên kết nông dân theo các mô hình tổ hợp tác hay hợp tác xã để hình thành nên vùng nguyên liệu tập trung, đồng nhất, vừa có số lượng, vừa đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần có cơ chế, chính sách thiết thực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Việc quản lý tốt thị trường để bảo vệ nhà đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu là rất quan trọng, đòi hỏi các địa phương có biện pháp kiểm tra chất lượng giống lúa, sản phẩm gạo đúng theo quy định mới có thể giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư mở rộng vùng sản xuất, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại cho gạo thơm ST.

Những thành tựu nghiên cứu đã có. Tín hiệu thị trường đang tốt dần lên. Thời hậu “ngon nhất thế giới”, tất cả đã và đang tạo nên thuận lợi ngày một lớn hơn cho gạo thơm Sóc Trăng càng vươn xa hơn. Và ở đó, phân khúc thị trường cao cấp nội địa đang rất cần được tập trung đầu tư khai thác song song với việc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đó cũng là cách để nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến và sử dụng nhiều hơn loại gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Điều này cũng phù hợp với chủ trương giảm dần diện tích đất lúa kém hiệu quả, nhưng đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao giá trị hạt gạo.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: