• Sóc Trăng tiềm năng và phát triển

“Vị thế” thị trường khi sản phẩm đạt sao OCOP

02/05/2022 04:31 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 02/05/2022 | 04:31

STO - Sóc Trăng là tỉnh có nhiều tiềm năng về sản phẩm nông nghiệp dựa trên các lợi thế tài nguyên nông nghiệp của các địa phương. Qua đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, định hướng của Chương trình OCOP, đến năm 2025 tỉnh có ít nhất 30 sản phẩm đạt sao OCOP. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2021, có 156 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó 128 sản phẩm đạt 3 sao OCOP, 27 sản phẩm đạt 4 sao OCOP và 1 sản phẩm đạt 5 sao OCOP, của 85 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Những sản phẩm đạt sao OCOP đã góp phần nâng cấp uy tín, giá trị các sản phẩm trên thị trường, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản đặc trưng của tỉnh Sóc Trăng đến người tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

"Thương hiệu" OCOP

Thực tế ghi nhận tại nhiều chủ thể OCOP, khi sản phẩm được tỉnh đánh giá, xếp hạng đạt sao OCOP thì tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP nhận được đơn đặt hàng cung cấp cho các siêu thị, đại lý trong và ngoài tỉnh tăng lên từ 10 - 40%. Qua đó, mở ra hướng phát triển cho các vùng sản xuất nguyên liệu cũng như tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu, uy tín, chất lượng và mở rộng thị trường cho các chủ thể OCOP.

Để duy trì nâng chất sản phẩm OCOP, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã tổ chức khảo sát tại các cơ sở sản xuất nhằm tiếp tục hỗ trợ chủ thể OCOP. Ảnh: TL

Ông Dương Cẩm Phiêu - chủ cơ sở lạp xưởng Vĩnh Tân, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) chia sẻ: “Tôi sản xuất lạp xưởng tiếp nối từ truyền thống gia đình hơn 50 năm qua, xưa kia, chủ yếu làm lạp xưởng bằng thủ công và đến thời điểm hiện tại, nhiều công đoạn sản xuất lạp xưởng sử dụng máy. Sản phẩm làm ra tiêu thụ phần lớn ở TP. Hồ Chí Minh. Năm 2020, khi biết đến Chương trình OCOP, đưa lạp xưởng tham gia và đạt chứng nhận 3 sao OCOP thì sản phẩm được người tiêu dùng tại địa phương và các địa phương trong tỉnh biết đến nhiều hơn, kể cả các tỉnh bạn nên sản lượng sản xuất ra lạp xưởng ngày càng nhiều hơn. Theo tính toán, sản lượng lạp xưởng tiêu thụ trên thị trường khi đạt 3 sao OCOP tăng lên khoảng 30%. Để tiếp tục nâng chất sản phẩm, tôi đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí theo quy định của ngành chuyên môn, nhằm tham gia thi xếp hạng sản phẩm lạp xưởng đạt chứng nhận 4 sao OCOP.

Theo anh Hà Minh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại bánh kẹo Ba Xuyên, Phường 3, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng), trước đây sản phẩm của công ty chỉ tiêu thụ tại TP. Sóc Trăng và một số khu vực lân cận. Khi sản phẩm bánh kẹo của công ty được xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh, số lượng hợp đồng liên kết tăng thêm 10 đại lý và mở rộng thêm thị trường sang các tỉnh như: Vĩnh Long, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, TP. Cần Thơ… giúp doanh thu của công ty tăng 30% so với khi sản phẩm chưa có chứng nhận sao OCOP.

"Đánh thức" tiềm năng

Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và truyền thống văn hóa để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP như: nghề trồng và sơ chế củ cải muối, nghề trồng hành tím ở TX. Vĩnh Châu, nghề đan đát ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên... Nhiều sản phẩm khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu của địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của tỉnh như: gạo các loại, các sản phẩm cây ăn trái xuất khẩu, bánh pía, lạp xưởng, trà mãng cầu...

Đồng chí Lê Văn Đáng - Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP thông tin: “Để Chương trình OCOP đảm bảo thực hiện hiệu quả trong thời gian tới, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sẽ thực hiện việc ban hành các cơ chế, chính sách về hỗ trợ ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp điều kiện của địa phương; lồng ghép chặt chẽ Chương trình OCOP với Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh. Hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như xác lập và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tập trung phát triển, nâng chất các sản phẩm đã được đánh giá; hỗ trợ thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, tạo sức hấp dẫn cho các sản phẩm. Thực hiện xúc tiến thương mại điện tử để bán sản phẩm OCOP. Phát triển thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường đối với các sản phẩm OCOP Sóc Trăng”.

Đồng thời, Chương trình OCOP về mặt kinh tế làm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm đặc trưng địa phương, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế của người dân. Nguồn lực tại chỗ được khai thác tốt nhất và tái đầu tư trong khu vực nông nghiệp nơi bắt nguồn và tạo ra sản phẩm OCOP, giúp tăng cường tích lũy nội bộ, tích lũy tại chỗ cho địa phương. Giá trị sản phẩm làm ra được gia tăng nhiều hơn, góp phần tăng giá trị sản xuất trong khu vực nông nghiệp và thương mại - dịch vụ. Về mặt xã hội, thúc đẩy hình thức liên kết, kết nối cộng đồng trong sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất liên kết hợp tác, phát triển khu vực kinh tế ngoài nhà nước gắn với cộng đồng; về môi trường, tham gia Chương trình OCOP thông qua thực hiện các quy trình, quy chuẩn về sản xuất sạch, sản xuất an toàn, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn tốt hơn.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: