• Sức khỏe và Đời sống

Dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế, Sóc Trăng là một trong những tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin cao nhất

05/06/2023 06:04 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Trọng Nhân
  • Thứ Hai, 05/06/2023 | 06:04

STO - Ngày 2/6/2023, Bộ Y tế đã ban hành báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Về tình hình dịch COVID-19, theo thông tin của WHO, tính đến ngày 29/5/2023, thế giới đã ghi nhận trên 689 triệu ca mắc, hơn 6,8 triệu ca tử vong. WHO công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu. Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu một lần nữa nếu có sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm hoặc tử vong trong tương lai.

Trên thế giới mỗi tuần vẫn ghi nhận hàng triệu ca nhiễm hoặc tái nhiễm. Hàng trăm nghìn ca nhiễm phải nhập viện, hàng nghìn người tử vong. Ngoài ra, ước tính cứ 10 ca nhiễm thì có 1 ca dẫn đến tình trạng hậu COVID-19. Vẫn còn nhiều câu hỏi về khả năng xuất hiện các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 có thể gây ra những đợt dịch bùng phát mới.

Ngày 5/5/2023, WHO công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu (PHEIC), nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. WHO khuyến nghị, các quốc gia chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.

7 khuyến nghị đối với Việt Nam

Theo báo cáo, kể từ đầu dịch đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu ca khỏi bệnh (92,1%) và hơn 43.100 ca tử vong (0,37%), trong đó 99,9% số ca mắc được ghi nhận trong năm 2020 đến 2022. Số ca mắc trung bình hàng tháng trong năm 2021 là 144.000 ca, năm 2022 là 816.000 ca. Tỷ lệ tử vong (chết/mắc) năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%. Từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5/2023, ghi nhận 85.493 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc (giảm 8,5 lần so với năm 2021, giảm 48 lần so với năm 2022). Cả nước ghi nhận 20 ca tử vong do COVID-19, tỷ lệ tử vong (chết/mắc) giảm mạnh xuống còn 0,02%. Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19. Trong tuần qua (từ ngày 23 đến 29/5/2023), số ca nặng giảm 27,4% so với tuần trước, hiện còn 1.898 ca đang theo dõi và điều trị, trong đó có 35 ca bệnh nặng đang được quản lý, điều trị tại bệnh viện các tuyến. Hiện nay, tỷ lệ người bệnh COVID-19 nhập viện thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B và tỷ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B như: sốt xuất huyết, tay - chân - miệng.

Ngày 6/5/2023, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã đưa ra 7 khuyến nghị đối với Việt Nam gồm: Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục duy trì năng lực quốc gia, các thành tựu đã đạt được và chuẩn bị cho những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai, tránh việc có thể bị quá tải hệ thống y tế. Đưa tiêm chủng vắc xin COVID-19 vào tiêm chủng quốc gia (tiêm chủng suốt đời); tăng cường việc tiêm các mũi tăng cường, nhất là cho nhóm nguy cơ cao. Cùng với việc tiêm chủng vắc xin cần tập trung giám sát trọng tâm, trọng điểm để phát hiện sớm các biến thể mới; nâng cao năng lực điều trị để giảm số ca tử vong, giám sát chặt chẽ thay đổi trong mức độ lây truyền, mức độ nặng của ca bệnh. Bên cạnh đó, phải chuẩn bị sẵn sàng vắc xin, các phương tiện chẩn đoán, điều trị, đảm bảo các chuỗi cung ứng về lâu dài và luôn sẵn có. Phải tiếp tục truyền thông, huy động sự tham gia của cộng đồng. Kế đến là phải tiếp tục rà soát, cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia, sẵn sàng, linh hoạt, nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội, dựa trên tình hình dịch và đánh giá nguy cơ. Điều quan trọng đó là phải tiếp tục các nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vắc xin và tìm hiểu các tình trạng liên quan hậu COVID-19, cần giám sát chặt chẽ trong bối cảnh ca nhiễm tăng lên, sẵn sàng nâng cao năng lực chăm sóc đặc biệt để đảm bảo khi số ca tăng lên, hệ thống y tế không bị quá tải.

Sóc Trăng là một trong các tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cao nhất

Đến ngày 29/5/2023, tổng số vắc xin phòng COVID-19 đã tiếp nhận là 262.238.474 liều (tương đương với 190 đợt phân bổ vắc xin), riêng trong tháng 5/2023 phân bổ 11.980 liều vắc xin AstraZeneca, hiện số vắc xin đã phân bổ nhưng chưa sử dụng là 2.623.939 liều. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, tổng số liều vắc xin đã tiêm là 266.406.399 liều và tỷ lệ bao phủ cho các nhóm đối tượng cụ thể như sau: tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 82%; tỷ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên nguy cơ cao đạt 89%. Đối với Sóc Trăng, tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên (liều nhắc lại) là 1 trong 3 tỉnh đạt tỷ lệ 100%, 2 tỉnh còn lại là Lâm Đồng và Nghệ An.

Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 4 cho người nguy cơ cao đối với Sóc Trăng đều cao hơn so với trung bình toàn quốc. Đồ họa: Trọng Nhân (nguồn Bộ Y tế)

Đối với tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 69,4%; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 92% và 76,6%. Như vậy, Việt Nam đã hoàn thành tiêm chủng mũi 1, 2, 3, 4 cho các nhóm đối tượng với tỷ lệ cao, chỉ còn tỷ lệ tiêm chủng mũi 3 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt dưới 80%. Đối với Sóc Trăng, tỷ lệ tiêm này cũng được thực hiện đạt 100%.

Tỷ lệ tiêm mũi 1, 2 và 3 cho người từ 5 đến dưới 18 tuổi Sóc Trăng đều cao hơn so với trung bình toàn quốc. Đồ họa: Trọng Nhân (nguồn Bộ Y tế)­­­

Báo cáo cũng nêu rõ về kết quả công tác phòng, chống dịch từ việc chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo Quốc gia đến công tác y tế; đảm bảo an sinh xã hội; an ninh trật tự xã hội; việc sản xuất và giao lưu hàng hóa; vận động, huy động nguồn lực xã hội; công tác dân vận, truyền thông, được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đánh giá những khó khăn, tồn tại như: Dịch COVID-19 vẫn còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Vi rút SARS-CoV-2 chưa biến mất hay bớt nguy hiểm, mà vẫn đang biến đổi và có nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, gây ra các đợt gia tăng mới về số ca mắc và tử vong. Vì vậy, các quốc gia phải luôn cảnh giác và duy trì các biện pháp phòng, chống dịch.

Trong hơn 3 năm qua để phòng, chống dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động phòng, chống dịch, trong đó, có quy định nhiều biện pháp đặc thù chưa có tiền lệ nên khi chuyển nhóm bệnh COVID-19 sẽ kéo theo việc phải điều chỉnh đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch hiện đang được áp dụng cũng như các quy định liên quan đến chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống dịch, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19,... COVID-19 là bệnh truyền nhiễm lây truyền nhanh, đã lưu hành tại cộng đồng, biến thể mới liên tục xuất hiện, mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cao, nhưng sẽ không thể loại trừ được hoàn toàn việc ghi nhận ít nhất 1 ca nhiễm mới trong cộng đồng.

5 bài học kinh nghiệm và một số giải pháp trọng tâm

Từ thực tế diễn biến tình hình dịch bệnh và việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, báo cáo cũng nêu một số kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch đó là: Sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của Trung ương; huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân. Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, địa phương, tạo sự đồng bộ, nhất quán trong tổ chức triển khai, vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống của người dân. Bên cạnh đó cũng phải bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo; thích ứng linh hoạt trên cơ sở diễn biến thực tế và căn cứ dữ liệu khoa học; chủ động, toàn diện, đồng bộ các kịch bản, phương án từ sớm, từ xa, ở mức cao nhất có thể. Đồng thời cần cụ thể, trọng tâm khi tham mưu, đề xuất chính sách với tính khả thi cao; thường xuyên, liên tục kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện, phát hiện kịp thời, giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc. Điều quan trọng là phải làm tốt công tác truyền thông, phải chủ động, đi trước một bước, tạo đồng thuận xã hội và niềm tin cho người dân.

Tại báo cáo này, Bộ Y tế cũng đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục duy trì, kiểm soát hiệu quả, quản lý bền vững dịch COVID-19 trong thời gian tới. Cụ thể, hoàn thiện kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025 và ban hành theo thẩm quyền. Trình Ban Chỉ đạo Quốc gia bãi bỏ một số văn bản của Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch không còn phù hợp. Tiếp tục tổng hợp báo cáo của các tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia để hoàn thiện báo cáo đánh giá 3 năm công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia gửi báo cáo tổng kết 3 năm phòng, chống dịch COVID-19 cho Bộ Y tế trước ngày 10/6/2023 để tổng hợp báo cáo Chính phủ. Các bộ, ngành phối hợp với Bộ Y tế rà soát các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 để đề xuất hoặc sửa đổi, bãi bỏ theo thẩm quyền trước ngày 15/6/2023. UBND các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát tình hình dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành; rà soát các văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương để bãi bỏ, sửa đổi theo thẩm quyền.

TRỌNG NHÂN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: