• Sức khỏe và Đời sống

Sốt xuất huyết dengue có chiều hướng tăng nhanh

20/05/2022 03:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 20/05/2022 | 03:00

STO - Tại Sóc Trăng, từ đầu năm đến ngày 18-5-2022, toàn tỉnh Sóc Trăng đã ghi nhận trên 165 ca mắc sốt xuất huyết dengue, trong đó có 13 trường hợp sốt xuất huyết dengue nặng và 1 trường hợp tử vong; ghi nhận hơn 96 ổ dịch. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã ghi nhận 340 ca tay - chân - miệng, có 28 ổ dịch. Để hiểu rõ hơn tình hình dịch bệnh, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Điền - Trưởng Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng) xoay quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Điền, thạc sĩ có nhận định, đánh giá gì về tình hình dịch sốt xuất huyết dengue và tay - chân - miệng xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Điền: Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2022 có chiều hướng tăng nhanh, nhất là đầu mùa mưa đến nay (18-5-2022), toàn tỉnh đã ghi nhận trên 165 ca mắc sốt xuất huyết dengue, tăng 38% so cùng kỳ và ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại TX. Vĩnh Châu; ghi nhận hơn 96 ổ dịch, tăng 109% so cùng kỳ năm 2021. Các địa phương có số ca mắc cao là TX. Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, huyện Long Phú.

Tuy nhiên, so với số ca mắc trung bình 5 năm gần nhất (2016 - 2020) thì số ca mắc trong năm hiện tại giảm 64%. Điều đó cho thấy trong nhiều năm qua, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết dengue trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt với các hoạt động phòng, chống dịch được triển khai chủ động, tích cực. Tuy vậy, đây lại là một trong những nguy cơ, bởi vì qua nhiều năm không ghi nhận dịch lớn, miễn dịch cộng đồng giảm, từ đó, nguy cơ bùng phát dịch là rất cao. Tình hình côn trùng đang biến động mạnh.

Bên cạnh đó, năm 2021, sự bùng phát của dịch Covid-19 làm cho các hoạt động phòng, chống dịch khác, trong đó, có phòng chống dịch sốt xuất huyết dengue bị đứt quãng, không thực hiện được; do giãn cách xã hội nên người dân không đến được hoặc ngại đến cơ sở y tế do lo ngại dịch Covid-19, tự mua thuốc điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà (đa số nhẹ nên tự hết) nên không ghi nhận, phát hiện ca bệnh, ổ dịch năm 2021 nên số liệu không cập nhật được; lăng quăng, muỗi nhiễm bệnh không phát hiện được. Do vậy, năm 2022 sẽ có nguy cơ bùng phát dịch.

Một số địa phương còn tập trung cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 nên việc điều phối nguồn lực cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết dengue còn hạn chế. Theo số liệu của nhiều năm trước, đến thời điểm tháng 5 đã có trên 50% số huyện ra quân chiến dịch lăng quăng đầu mùa mưa, trong khi hiện nay chỉ có TX. Vĩnh Châu đang ra quân vòng 1.

Với những nhận định trên cộng với tình hình côn trùng đang biến động mạnh và số ca bệnh ghi nhận tăng nhanh như hiện nay, dự báo dịch sốt xuất huyết dengue sẽ bùng phát mạnh trong thời gian tới nếu như không quyết liệt hơn nữa trong các hoạt động can thiệp làm giảm mật độ côn trùng trên diện rộng bằng các chiến dịch diệt lăng quăng, kết hợp xử lý ổ dịch chủ động bằng hóa chất ở các khu vực nguy cơ cao.

Mặt khác, tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng năm 2022 bùng phát trở lại, đến ngày 18-5-2022 đã ghi nhận 340 ca mắc tay - chân - miệng, giảm 46,7% so cùng kỳ năm 2021, có 28 ổ dịch, giảm 71% so cùng kỳ năm 2021. Các địa phương có số ca mắc cao gồm TX. Ngã Năm, huyện Mỹ Tú, TP. Sóc Trăng. So với số ca mắc trung bình 5 năm gần nhất (2016 - 2020) thì số ca mắc trong năm hiện tại tăng. Cũng giống như dịch sốt xuất huyết dengue, do trong một thời gian dài trên địa bàn kiểm soát tốt dịch bệnh tay - chân - miệng, số ca giảm trong nhiều năm, không xảy ra dịch lớn nên miễn dịch cộng đồng giảm, từ đó, nguy cơ bùng phát dịch là rất cao; các giải pháp phòng, chống dịch bị gián đoạn do dịch Covid-19. Dự báo dịch tay - chân - miệng sẽ bùng phát mạnh trong thời gian tới nếu như không triển khai quyết liệt hơn nữa các hoạt động phòng, chống.

Phóng viên: Trước tình hình đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có giải pháp ra sao trong can thiệp, xử lý dịch?

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Điền: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch ngay từ đầu năm. Thực hiện công tác quản lý chuyên môn, tham mưu, chỉ đạo tuyến; các hoạt động đào tạo, tập huấn. Dự trù các trang thiết bị, hóa chất cho các hoạt động phòng, chống dịch. Thực hiện xử lý 100% ổ dịch, xử lý dịch chủ động diện rộng; triển khai chiến dịch diệt lăng quăng; giám sát côn trùng; giám sát xét nghiệm. Cử các đoàn giám sát, xử lý các ổ dịch đang xảy ra ngoài cộng đồng; duy trì các hoạt động giám sát thường xuyên (chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, điều tra côn trùng…). Tăng cường các hoạt động truyền thông - giáo dục sức khỏe. Xây dựng kế hoạch tham mưu cho Sở Y tế về tăng cường các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết 15-6-2022. Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp các địa phương, ngành giáo dục và đào tạo giám sát các ổ dịch xảy ra trong nhà trường, cộng đồng về phòng, chống tay - chân - miệng; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao ý thức người dân.

Phóng viên: Các hoạt động phòng, chống dịch được ngành Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai thực hiện rất quyết liệt. Về phía người dân, thạc sĩ có khuyến cáo gì để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch?

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Điền: Diệt sạch lăng quăng, kiểm soát tốt lăng quăng nơi ở, nơi làm việc thì sẽ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, phòng chống tốt dịch bệnh sốt xuất huyết. Đối với các khu vực người dân có thói quen trữ nước mưa thì phải có tấm bạt bịt kín dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng được; súc rửa các dụng cụ chứa nước thường xuyên, thả cá diệt lăng quăng trong các bể nước. Thu gom, xử lý, tiêu hủy các vật dụng phế thải, chai lọ, lật úp vỏ trái dừa để không chứa nước, muỗi không vào đẻ trứng được… Sắp xếp quần áo gọn gàng, ngăn nắp, cho vào tủ hoặc sử dụng tấm bạt phủ kín sào quần áo treo trong nhà. Nhà cửa phải thông thoáng, thường xuyên mở cửa để gió lùa vào; sử dụng nhang xua muỗi, các vợt bắt muỗi hoặc các chai hóa chất được bán trên thị trường có kiểm định; trẻ em mặc quần áo dài khi chơi đùa vào sáng sớm hoặc chiều tối, ngủ mùng; không có muỗi, không có lăng quăng sẽ không có sốt xuất huyết.

Luôn rửa tay trước khi cho trẻ ăn, ăn uống hợp sinh, ăn chín uống chín, khử khuẩn, lau chùi bề mặt thường xuyên… để phòng, chống bệnh tay - chân - miệng.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn thạc sĩ!

KGT (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: