• Thị xã Ngã Năm

An cư lạc nghiệp ở quê nhà

02/10/2022 04:22 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Xuân Nguyên
  • Chủ Nhật, 02/10/2022 | 04:22

STO - Nặng lòng với nơi sinh ra và lớn lên, 2 thanh niên Trần Văn Được và Nguyễn Chí Nguyện ở xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã khăn gói về lại quê nhà, chí thú lo làm kinh tế, xây dựng cuộc sống “an cư lạc nghiệp”.

Gìn giữ và phát triển nghề làm bún của gia đình

Từ 3 giờ sáng, lò bún Tư Ân ở ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Bình đã sáng đèn. Trên chiếc sạp tre, những bịch bún tươi được xếp gọn gàng trong các sọt nhựa, chuẩn bị cho chuyến giao hàng buổi chợ sớm. Anh Trần Văn Được - chủ lò bún Tư Ân cho biết, bún được giao đến các chợ ở xã Mỹ Bình, xã Mỹ Quới (thị xã Ngã Năm) và chợ xã Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị). Công việc giao bún thường kết thúc vào khoảng 11 giờ trưa, sau khi nghỉ ngơi chừng 3 tiếng, anh Được lại bắt tay vào làm mẻ bún mới. Dù phải thức dậy từ rất sớm và tất bật làm bún cho đến khi trời tối mịt nhưng anh Được vẫn thấy vui vì đã nối nghiệp của gia đình. Lò bún hơn 20 năm này cũng là cơ sở để anh ổn định cuộc sống.

Máy trộn bột giúp cho việc làm bún của anh Trần Văn Được, xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) nhanh, đỡ tốn công hơn. Ảnh: XUÂN THANH

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học ngành Tài chính - Ngân hàng, trong khi nhiều bạn bè chọn lập nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn thì anh Được trở về quê phụ giúp ba mẹ tiếp quản lò bún. Anh Được tâm sự: “Tốt nghiệp ra trường, chưa được trải nghiệm công việc theo ngành học thì tôi đã phải về nhà. Ban đầu, mỗi ngày cứ loay hoay xay bột, bắt bún, giao hàng, cả người lúc nào cũng toàn mùi bún, đôi lúc cũng chạnh lòng. Nhưng khi nghĩ đến ba mẹ lớn tuổi, sớm hôm vất vả duy trì lò bún tâm huyết mấy mươi năm, tôi nhủ với lòng phải tiếp nối nghề nghiệp của gia đình. Chỉ cần tập trung làm tốt thì vẫn có thể phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.

Theo anh Được, mặc dù được thừa hưởng kỹ thuật làm bún từ gia đình, nhưng cứ theo phương thức thủ công thì nhọc công mà năng suất không nhiều. Đến năm 2018, anh Được bàn với gia đình mua máy trộn bột và lò hơi. Sau khi sắm máy móc, thiết bị mới, việc làm bún đỡ vất vả hơn. Từ việc chỉ sản xuất khoảng 300kg bún nay đã tăng lên hơn 500kg bún mỗi ngày. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi ngày lò bún thu lợi nhuận khoảng 800.000 đồng. Bình thường, lò bún cung cấp khoảng 500kg, nhưng khi vào dịp lễ, Tết, mỗi ngày phải sản xuất cả tấn bún mới đủ giao cho khách.

Anh Được cho biết thêm, để có được mẻ bún sạch, ngon, dẻo dai tự nhiên, anh chọn gạo Hàm Châu nguyên hạt, không bị mối mọt, không lẫn tạp chất. Gạo được ngâm ủ trong bồn 24 giờ cho lên men rồi mới đem nghiền mịn, chắt bỏ nước chua để thu tinh bột. Bột gạo sẽ được trộn với bột lọc, bột mì và muối, không thêm bất kỳ chất phụ gia nào và đặc biệt là nói “không” với hàn the. Bên cạnh việc làm ra bún sạch, anh Được cũng quan tâm tới việc xử lý nước thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Anh cẩn thận trong khâu tách lọc tinh bột trước khi thải nước ra ngoài, sử dụng chế phẩm sinh học để khử mùi hôi. Do đó, khu vực xung quanh lò bún luôn sạch sẽ, không có mùi hôi. Lò bún của anh Được có giấy phép đăng ký kinh doanh và được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Tôi luôn quan niệm rằng, việc chế biến thực phẩm phải chú trọng sức khỏe người tiêu dùng, không vì lợi nhuận mà sử dụng các loại hóa chất độc hại. Khi sản phẩm chất lượng thì mới có được niềm tin nơi khách hàng. Tôi cũng từng nghĩ đến việc sản xuất bún khô, đưa sản phẩm vào các chợ, cửa hàng thực phẩm tiện lợi. Mong muốn đó còn ở tương lai phía trước, hiện tại quy mô lò bún nhỏ, ít nhân công nên tạm thời chỉ sản xuất bán trong phạm vi nhỏ lẻ” - anh Được tâm sự.

Khởi nghiệp từ những mô hình nhỏ

Nguyễn Chí Nguyện - Bí thư Chi đoàn ấp Mỹ Lộc 2, xã Mỹ Bình cũng từng trăn trở khi lựa chọn trở về sinh sống tại quê nhà. Trước năm 2018, Nguyện đi làm công nhân ở Bình Dương với thu nhập hàng tháng hơn 10 triệu đồng. Trong những lần về thăm quê, thấy cảnh nhà đơn chiếc, ba mẹ lại vất vả lo toan cho các cháu nên Nguyện quyết tâm khăn gói trở lại quê nhà.

Nuôi bò sinh sản hiệu quả đã đem lại thu nhập đáng kể cho Nguyễn Chí Nguyện, xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh: XUÂN THANH

Thời điểm đó, tại địa phương, nhiều người dân trồng cây năn hiệu quả. Sau khi tìm hiểu, Nguyện quyết định chuyển 2,5 công ruộng trồng lúa của gia đình sang trồng năn. Theo Nguyện, cây năn sau khi cấy khoảng 2 tháng thì đã có thể thu hoạch, khai thác mỗi ngày, thời gian kéo dài từ 6 - 7 tháng. Hiện tại, 2,5 công năn mỗi ngày thu hoạch hơn 50kg, thu về gần 400.000 đồng.

Nguyện cũng tìm hiểu về cách chăm sóc, nuôi bò sinh sản rồi mạnh dạn vay vốn mua một con bò cái về làm giống, tận dụng năn và cắt cỏ mọc ở ruộng nhà cho bò ăn. Trong 3 năm qua, con bò đã 3 lần sinh sản, sau khi bê con được tầm 4 - 6 tháng thì xuất chuồng bán mang lại lợi nhuận đáng kể.

Để tăng thu nhập, Nguyện còn nuôi vịt chạy đồng theo mùa vụ. Khi vụ lúa Hè - Thu, Đông - Xuân kết thúc, Nguyện mua đàn vịt đẻ trứng, rồi đến các ruộng lúa đã thu hoạch “mua đồng” cho vịt ăn. “Nguồn thức ăn của vịt trên các cánh đồng rất phong phú, gồm lúa còn sót lại, ốc, trứng ốc và cá... Mỗi ngày, đàn vịt sẽ cho gần 300 trứng, đều giao hết cho các mối. Thời gian nuôi vịt đẻ kéo dài đến khi các ruộng bắt đầu gieo sạ, không còn nguồn thức ăn cũng là lúc “thanh lý” đàn vịt. Quanh năm, công việc cứ vậy mà xoay vòng nên thu nhập của em khá ổn định” - Nguyện chia sẻ.

Trong vai trò là Bí thứ Chi đoàn ấp Mỹ Lộc 2, dù bận rộn làm kinh tế nhưng Nguyện vẫn tích cực tham gia công tác, các hoạt động của đoàn thanh niên ở địa phương. Nguyện còn phục vụ tại trạm bơm nông nghiệp của ấp, là một trong những gương mặt điển hình của phong trào hiến máu nhân đạo ở địa phương.

Đồng chí Lê Chí Hổ - Phó Bí thư Đoàn xã Mỹ Bình nhận xét: “Quá trình về sinh sống tại địa phương, Được và Nguyện luôn tích cực với các phong trào, hoạt động. Chúng tôi luôn đồng hành, khuyến khích các bạn thanh niên khởi nghiệp làm giàu trên mảnh đất quê nhà. Được và Nguyện chính là những điển hình tiêu biểu của thanh niên xã Mỹ Bình về tinh thần tự thân lập nghiệp”.

XUÂN THANH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: