• Thị xã Ngã Năm

Gìn giữ và phát huy các nghề truyền thống

22/02/2023 06:38 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Xuân Nguyên
  • Thứ Tư, 22/02/2023 | 06:38

STO - Ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) nghề dệt chiếu và đan đát từ lâu được gìn giữ và phát huy, mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều người dân. Theo đó, nghề đan đát lục bình ngày càng phát triển, mở rộng đến các xã, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Giữ nghề dệt chiếu

Hàng tháng, anh Bùi Văn Liệt ở ấp Mỹ Thọ, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm phải dệt hơn trăm chiếc chiếu, giao cho khách ở các chợ đầu mối. Từ khi ra Giêng cho đến nay, khách vẫn đặt hàng đều đặn, có khi đòi hỏi số lượng nhiều hơn nên cả nhà anh Liệt luôn tất bật từ sáng đến tối với công việc phơi, chẻ lác, nhuộm màu, miệt mài bên máy dệt chiếu…

Chị Trương Thị Loan ở xã Mỹ Quới đã có gần 30 năm gắn bó với nghề dệt chiếu. Ảnh: XUÂN THANH

Anh Liệt là một trong số ít những người dân ở ấp Mỹ Thọ, xã Mỹ Quới chịu khó với nghề dệt chiếu. “Để có được một tấm chiếu phải trải qua nhiều công đoạn. Sau khi nhổ lác, phải tranh thủ chẻ rồi phơi khô, xong thì đem đi nhuộm màu mới đưa vào dệt. Chiếu dệt xong lại mang đi hong nắng rồi mới may bìa hoàn chỉnh. Hồi xưa, để có được một tấm chiếu cần đến 2 người, 1 người đẩy lác vào khung dệt, người kia cầm khung thực hiện thao tác dập, bỏ công cả ngày cũng chỉ được chừng 2 cặp chiếu. Từ khi có máy dệt, chỉ cần 1 người làm, mỗi ngày có thể dệt được 5 đôi chiếu, không phải nhọc công” - anh Liệt kể về quá trình làm nghề dệt chiếu của gia đình.

Nghề dệt chiếu của anh Liệt được truyền từ đời ông bà nội cho đến nay, các thế hệ cứ nối tiếp nhau gìn giữ cái nghề của gia đình và mấy chục năm qua, cả bốn anh chị em của anh Liệt đều sống với nghề dệt chiếu. Trước đây, mọi người đều dệt chiếu thủ công, nhưng khoảng 10 năm nay từ khi sắm được máy dệt, máy may bìa, máy chẻ lác, công việc dệt chiếu trở nên nhẹ nhàng, cho nhiều sản phẩm hơn.

Hiện tại, anh Liệt trồng được hơn 1 công lác, thu hoạch 2 vụ/năm, nhờ vậy mà giảm được chi phí đầu vào nguyên liệu. Chỉ khi đến tháng 9 âm lịch, nhu cầu khách hàng tăng cao, nguồn lác dự trữ không đủ, mới phải nhập thêm nguyên liệu. “Hiện nay, giá chiếu dao động từ 80.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/chiếc, tùy loại dày, mỏng. Mấy năm nay, do giá lác tăng nên đồng lời ít. Mà dù lời nhiều hay ít thì chúng tôi vẫn phải tiếp tục làm, bởi đây là nghề truyền thống của gia đình” - chị Trương Thị Loan, vợ anh Liệt tâm sự.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Toản - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Quới, trên địa bàn xã, số thợ dệt chiếu không còn nhiều, những người còn làm nghề đều có hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghề dệt chiếu, hoặc tiếp nối truyền thống của gia đình. Ngoài gia đình anh Liệt, ở địa phương còn có bà Bùi Thị Cẩm đã gần 70 tuổi mà vẫn còn dệt chiếu, hay ông Nguyễn Văn Sơn đã dành cả cuộc đời cho công việc này. “Hầu hết các hộ dệt chiếu đều tự trồng lác để làm nguyên liệu và tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, chiếu cói phải cạnh tranh với chiếu nhựa, chiếu tre, chiếu trúc nên nghề dệt chiếu có phần mai một. Tuy nhiên, một số bà con ở Mỹ Quới vẫn duy trì, gìn giữ nghề của gia đình, đó là tinh thần đáng quý trọng”.

Đan lục bình tạo sinh kế bền vững

Vào thứ Tư hàng tuần, tại Hợp tác xã Hương Liên ở xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm có hàng trăm lao động tập trung xếp hàng để chờ đến lượt bàn giao sản phẩm. Chị Nguyễn Kim Liên - Giám đốc Hợp tác xã Hương Liên cho biết, hiện có hơn 300 lao động nhận làm sản phẩm tấm xếp xoắn lục bình. Mỗi ngày, bà con sẽ đến nhận bộ khung và nguyên liệu mang về nhà làm, sau khi thành phẩm thì mang đến hợp tác xã nhận tiền công. Các tấm xếp tùy theo kích cỡ lớn nhỏ sẽ được tính công từ 7.000 - 20.000 đồng cho một sản phẩm. Có nhiều lao động mỗi tuần thu nhập từ 800.000 - 900.000 đồng từ công việc đan đát này.

Nghề đan lục bình đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân ở Ngã Năm. Ảnh: XUÂN THANH

Ở thị xã Ngã Năm, nghề đan lục bình đã có hơn 20 năm, xuất phát từ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới. Đến nay, địa phương này vẫn còn duy trì nghề truyền thống này, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Hiện nay, nghề đan lục bình lan tỏa ở xã Mỹ Bình, nhất là 2 năm trở lại đây, thu hút hàng trăm lao động lành nghề không chỉ trong xã mà còn ở các xã lân cận. Nhiều người dân đã tìm đến hợp tác xã học nghề, rồi nhận gia công sản phẩm. Như vợ chồng của anh Nguyễn Văn Giàu và chị Phạm Thị Giang ở ấp Mỹ Phước đã có hơn 6 năm gắn bó với nghề đan lục bình. Sau khi học nghề đan đát và thành thạo cho đến nay, thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng hơn 8 triệu đồng. Hay bà Trần Thị Đan, hơn 70 tuổi, nhà ở xã Long Bình cũng có nhiều năm gắn bó với nghề đan đát. “Nghề đan đát lục bình không khó, chỉ cần chịu khó học 1 buổi là có thể bắt tay vào làm các mẫu đơn giản. Đối với các mẫu khó hơn chỉ cần thực hiện nhiều lần sẽ quen tay. Mấy năm nay, nhờ đan lục bình mà tôi có tiền nuôi 2 đứa cháu ngoại ăn học, không phải đi làm thuê làm mướn vất vả” - bà Đan chia sẻ.

Hiện nay, dọc theo tuyến kinh Ba Mươi Thước, đoạn chảy qua địa bàn xã Mỹ Bình, nhiều hộ dân còn tận dụng nguồn lục bình trên sông sẵn có, khoanh vùng nuôi trồng lục bình vừa dùng làm nguyên liệu đan sản phẩm bán lẻ, vừa thu hoạch phơi khô bán cho các cơ sở đan đát. Hiện tại, lục bình khô có giá 12.000 đồng/kg, mang lại thu nhập không nhỏ cho các hộ dân.

Trên tinh thần bảo tồn, phát triển ngành nghề nông thôn, phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa gắn với giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển sản xuất cho các sản phẩm nghề truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững, cuối năm 2022, tỉnh Sóc Trăng đề ra kế hoạch phát triển các ngành nghề nông thôn giai đoạn 2023 - 2025. Dự kiến kế hoạch thực hiện việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, hỗ trợ phát triển các ngành nghề nông thôn, phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới, đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở ngành nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào phát triển các ngành nghề nông thôn… Có thể nói, các nghề truyền thống được gìn giữ và phát huy sẽ giúp cho người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, diện mạo các vùng quê cũng từ đó đổi mới từng ngày, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

XUÂN THANH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: