• Thị xã Vĩnh Châu

Nhà bia lưu niệm Chi bộ Lạc Hòa - ghi dấu thời hào hùng của Đảng bộ thị xã Vĩnh Châu

03/02/2023 05:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 03/02/2023 | 05:01

STO - Với ý nghĩa lịch sử là địa điểm thành lập chi bộ đầu tiên, năm 1998, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã xây dựng Nhà bia lưu niệm Chi bộ Lạc Hòa tại ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải. Năm 2019, nơi đây được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, gắn liền với truyền thống yêu nước đấu tranh kiên cường trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong thời Pháp thuộc, cũng như trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, nhân dân Vĩnh Châu sống vô cùng cơ cực vì đất đai, tài nguyên bị địa chủ và thực dân chiếm hữu. Dù vậy, cơ sở cách mạng, cán bộ, đảng viên vẫn kiên trì tìm cách bám địa bàn, bám quần chúng, dựa vào dân để hoạt động, gây dựng phong trào, tiêu biểu như đồng chí Trần Thạnh Mậu, Ngô Hòa Hện, Kim Phẹn… Nhiều cán bộ, đảng viên bị địch vây ráp nhiều ngày, phải nằm hầm, ngủ bụi, nhưng vẫn kiên cường chiến đấu, tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập tại chỗ; nhiều chiến sĩ cách mạng luôn kiên cường chịu đựng gian khổ, chấp nhận hy sinh.

Một sự kiện chính trị có ý nghĩa quyết định cho cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc đến thắng lợi là việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930, đáp ứng đòi hỏi của phong trào cách mạng ở Việt Nam. Đầu năm 1931, đồng chí Trần Thạnh Mậu, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã đến xóm Mỹ Thanh, làng Lạc Hòa, quận Vĩnh Châu (nay là xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu) để hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng. Quá trình vận động ngày càng sâu rộng, nhiều thanh niên ở địa bàn đã trở thành nhân tố tích cực trong hoạt động, trong đó có đồng chí Ngô Hòa Hện và đồng chí Kim Phẹn. Ngày 1/6/1931, tại xóm Mỹ Thanh, Chi bộ Lạc Hòa được thành lập. Ban đầu chỉ có 3 đảng viên, do đồng chí Trần Thạnh Mậu làm Bí thư Chi bộ, đã tập hợp, đoàn kết nhân dân 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, được nhân dân tin yêu, che chở.

Nhà bia lưu niệm Chi bộ Lạc Hòa, tại ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Chi bộ Đảng làng Lạc Hòa ra đời đã tạo ra một bước ngoặt mới cho phong trào cách mạng ở làng Lạc Hòa và cả quận Vĩnh Châu. Để làm được vai trò tiên phong đó, chi bộ đã luôn coi trọng công tác xây dựng, củng cố chi bộ, không ngừng chăm lo xây dựng, phát triển các tổ chức, các lực lượng cách mạng từ nhân dân; tổ chức các phong trào cách mạng của quần chúng. Phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên làm nội dung cơ bản trong công tác xây dựng chi bộ vững mạnh, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân sôi nổi, rộng khắp. Mảnh đất này đã sản sinh, nuôi giấu những chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng, những người con anh dũng chiến đấu vì quê hương, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chi bộ đã bố trí các mũi đấu tranh chính trị kết hợp với lực lượng vũ trang, dân quân chiến đấu, binh vận từ các hướng như xã Vĩnh Châu (nay là phường 2), xã Khánh Hòa (nay là phường Khánh Hòa), xã Vĩnh Phước (nay là phường Vĩnh Phước) và trong nội ô thị trấn (nay là phường 1) phối hợp đồng loạt tấn công vào quận lỵ. Với khí thế cách mạng sôi sục, lực lượng ta gây áp đảo quân địch cả về quân sự lẫn chính trị, làm suy sụp tinh thần chiến đấu, từng bước làm tan rã hàng ngũ của địch. Nhiều cuộc cách mạng diễn ra làm nên những chiến công đi vào lịch sử, như: chiến thắng Xẻo Me năm 1951; đồng khởi Trà Teo năm 1960; trận Giầy Lăng năm 1965; tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968... Cuộc chiến quyết liệt với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, cuối cùng là đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Với thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, quân và dân Vĩnh Châu vinh dự được Nhà nước phong tặng 5 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; có 151 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng; nhiều tổ chức, cá nhân được tặng thưởng hàng ngàn huân chương, huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đồng chí Nguyễn Thanh Liêm - Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, chặng đường lịch sử vẻ vang ấy, vùng đất và người Vĩnh Châu đã sản sinh biết bao kỳ tích và biết bao tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Châu đã vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ để xây dựng thị xã ngày càng phát triển, đặc biệt là thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa. Riêng năm 2022, đã thực hiện chi trợ cấp thường xuyên cho gia đình chính sách trên địa bàn thị xã với tổng số tiền 11.501 triệu đồng; chi trợ cấp một lần đối với thân nhân của người có công với cách mạng từ trần, người có công giúp đỡ cách mạng với số tiền 1.201 triệu đồng; chi điều dưỡng tại gia đình cho 261 người có công với số tiền 382 triệu đồng; tặng 2.975 phần quà cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công, cán bộ hưu trí, gia đình có con em tại ngũ với tổng số tiền 830 triệu đồng; chi tiền thờ cúng liệt sĩ cho 880 đối tượng với tổng số tiền 1.232 triệu đồng.

Hiện nay, địa điểm thành lập Chi bộ Lạc Hòa - tiền thân của Đảng bộ thị xã Vĩnh Châu đã được các cấp chính quyền và nhân dân ở thị xã Vĩnh Châu quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo để bảo vệ di tích. Với sự quan tâm đó, địa điểm này trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương cho thế hệ trẻ, là nơi giới thiệu cho du khách tham quan, nghiên cứu.

PHƯỚC LIÊU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: