• Thị xã Vĩnh Châu

Thanh niên thị xã Vĩnh Châu với phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”

27/09/2022 05:35 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 27/09/2022 | 05:35

STO - Những năm qua, phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” luôn được Thị đoàn Vĩnh Châu (Sóc Trăng) quan tâm triển khai thực hiện, đặc biệt là giúp đỡ, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên tiếp cận các nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng các mô hình để phát triển kinh tế gia đình.

Chúng tôi có dịp ghé thăm hộ đoàn viên Trần Dĩ Khang, ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, phía sau nhà là một đàn dê đang tranh nhau ăn lá me. Đang cho đàn dê ăn, anh Khang bộc bạch: “Mô hình nuôi dê dù có cực, nhưng ít tốn chi phí. Hôm nào không có mưa thì cho đàn dê đi ra ngoài ăn cỏ hoặc lá cây. Thức ăn của dê là cỏ, lá cây các loại và phụ phẩm nông nghiệp dễ tìm. Gia đình cũng tận dụng bờ ao nuôi tôm để trồng thêm nhiều cây so đũa làm nguồn thức ăn cho dê. Từ đó, tiết kiệm được một phần chi phí chăn nuôi. Hiện một số đoàn viên, thanh niên trong xã muốn khởi nghiệp cũng đến tham quan, tìm hiểu mô hình nuôi dê của gia đình để phát triển kinh tế”.

 Anh Trần Dĩ Khang, ngụ ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho đàn dê ăn. Ảnh: THẠCH PÍCH

Theo anh Dĩ Khang, lúc đầu gia đình nuôi vài con dê mẹ và gặp không ít khó khăn. Sau khi tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi dê trên báo, đài, mạng internet, tham gia các lớp tập huấn tại địa phương, anh đã nuôi dê thành công và đến nay, đàn dê của gia đình anh phát triển gần 30 con lớn, nhỏ, trong đó, có 19 dê mẹ.

Ông Trần Văn Đẹt (cha của anh Dĩ Khang) chia sẻ: “Được sự hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi nên gia đình tôi đã nuôi có hiệu quả, góp phần tăng thêm thu nhập từ 50 triệu - 60 triệu đồng/năm dê giống và dê thương phẩm. Tùy theo thời điểm mà giá bán khác nhau, nếu như mấy năm trước dê thịt chỉ có 60.000 đồng/kg thì hiện nay đã lên dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, còn dê giống thì 140.000 đồng/kg”.

Tham quan mô hình nuôi heo rừng lai có hiệu quả kinh tế cao của anh Trần Thép, ngụ ấp Đặng Văn Đông, xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu với hơn 30 con, anh Thép chia sẻ: “Gia đình tôi mua được 5 con heo rừng lai giống (1 con heo đực giống, 1 con heo nái và 3 heo con) về nuôi thử nghiệm. Sau 2 năm thả nuôi, tôi thấy mô hình này có hiệu quả nên tiếp tục đầu tư và phát triển đàn heo. Đến nay, gia đình đã nuôi được gần 10 con heo nái, heo thịt và hơn 20 heo con. Nuôi heo rừng nái lai không quá khó lại không mất nhiều công chăm sóc. Heo con sau khi sinh ra chỉ cần tách ra chuồng riêng, bổ sung thức ăn cám tập ăn dành cho heo con trong vòng hơn 10 ngày để kích thích tăng trưởng, tiêu hóa tốt; sau đó, chuyển qua ăn cám thường và các loại rau có tại địa phương, như: cây - trái chuối, rau muống, khoai lang...”.

Theo anh Thép, nuôi heo rừng lai nó chậm lớn, nhưng ngược lại giá cao hơn, trung bình mỗi lứa heo thịt nuôi khoảng 7 - 8 tháng, mỗi con nặng 25 - 40kg là xuất bán với giá từ 110.000 - 120.000 đồng/kg; còn heo giống được người dân đến tận trang trại mua mỗi con nặng từ 7 - 10kg với giá 200.000 đồng/kg. Anh Thép dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô tăng tổng đàn heo khoảng 10 con nái và mở rộng diện tích chăn nuôi. 

Đồng chí Lai Ngọc Mi - Bí thư Xã đoàn Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, cho biết: “Qua phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, trên địa bàn xã đã có nhiều thanh niên mạnh dạn phát triển các mô hình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống. Xã đoàn đang triển khai thành lập Tổ nuôi heo rừng lai làm kinh tế phụ, với 22 thành viên tham gia. Mục đích nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đinh, ổn định cuộc sống cho thanh niên. Từ mô hình này thanh niên có thể tạo được việc làm tại chỗ, không phải đi làm ăn xa, sẽ có mức thu nhập ổn định”.

Thời gian qua, Thị đoàn đã chú trọng phối hợp với các ngành có liên làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp, tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia các lớp học nghề ngắn hạn; giới thiệu việc làm cho thanh niên; tổ chức mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 760 đoàn viên, thanh niên ở các xã, phường về kỹ thuật trồng màu, mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi cá, nuôi bò và dê, nuôi lươn không bùn... Thị đoàn cũng đã tranh thủ nguồn vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã hỗ trợ cho hơn 100 đoàn viên, thanh niên vay vốn, với số tiền trên 2 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng hỗ trợ cho 65 thanh niên khởi nghiệp, với số tiền 500 triệu đồng, giúp thanh niên có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Lê Quang Nhật - Bí thư Thị đoàn Vĩnh Châu cho biết: “Thời gian tới, Thị đoàn sẽ phối hợp các ngành chuyên môn định hướng cho thanh niên sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó, nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm hành tím, cây ăn trái trên địa bàn; tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, cây, con giống trong sản xuất nông nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, đầu tư các mô hình thí điểm để rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng…”.

THẠCH PÍCH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: