• Thương mại - Dịch vụ

“Cháy hàng” trang thiết bị điện tử phục vụ học online

07/10/2021 06:07 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 07/10/2021 | 06:07

STO - Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, năm học 2021 - 2022, học sinh THPT (bắt đầu học từ ngày 15-9), THCS trên địa bàn tỉnh phải chuyển hình thức học online. Do đó, nhu cầu sử dụng các trang thiết bị điện tử, chủ yếu là máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh… tăng mạnh trong thời gian qua.

Thiết bị điện tử “cháy hàng”

Qua khảo sát của phóng viên tại các cửa hàng chuyên kinh doanh máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại… trên địa bàn TP. Sóc Trăng, nhiều mặt hàng đã được người dân mua sạch. Ghi nhận tại cửa hàng FPT shop, các dòng máy tính bảng giá vừa phải hầu như không còn hàng.

Hiện rất cần nguồn hỗ trợ thiết bị học online cho học sinh khó khăn. Ảnh: H.LAN

Theo anh Huỳnh Thái Dương - Cửa hàng trưởng FPT shop, vào thời điểm đầu tháng 9 đến nay, cửa hàng bán các trang thiết bị điện tử phục vụ học online tăng gấp 3 lần so với thời điểm năm học trước. Phần lớn người dân lựa chọn các thiết bị có giá dao động từ 9 - 15 triệu đồng (đối với điện thoại) và từ 20 triệu - 25 triệu đồng (đối với máy tính xách tay)… đặc biệt, một số dòng máy tính bảng giá rẻ hầu như không còn hàng. Hiện tại, dòng máy tính xách tay cửa hàng chỉ còn tầm 4 - 5 máy/thương hiệu, nếu người dân muốn mua máy theo yêu cầu thì phải đặt hàng khoảng 5 - 7 ngày mới nhận. Để đảm bảo an toàn, cửa hàng nhận giao tận nhà miễn phí cho người dân với mức giá ưu đãi giảm từ 15 - 25% tùy sản phẩm cho đối tượng sinh viên và học sinh kèm bảo hành thêm 1 năm của hệ thống cửa hàng cộng với bảo hành của hãng, giúp phụ huynh có nhiều lựa chọn hơn.

Tại các cửa hàng lớn chuyên kinh doanh các trang thiết bị điện tử cũng rơi vào tình trạng “thiếu” hàng, nhất là các dòng sản phẩm cấu hình thấp, giá rẻ để phục vụ việc học online của học sinh. Ghi nhận tại nhiều cửa hàng được biết, do dịch bệnh kéo dài, nhiều người dân thu nhập giảm nên họ lựa chọn mua các dòng máy tính bảng, điện thoại giá rẻ nên dẫn đến tình trạng “cháy hàng”, nguồn hàng tại các kho cũng không còn vì nhiều tỉnh cũng cho học sinh học online. Vì vậy, nhiều người đành tìm mua máy cũ, liên hệ sửa lại máy bàn và đầu tư mua thêm webcam, micro để các em xài tạm, chờ ngày các em đến trường học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát, đẩy lùi. Anh Sáu, Phường 2, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) bộc bạch, thời gian qua, do thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, gia đình hầu như không buôn bán được gì, thu nhập không có nên gia đình đành sửa máy tính cũ lại để con trai học online nhằm tiết kiệm chi phí.

Khoảng 25.000 học sinh khó khăn cần hỗ trợ

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng, do dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tại các tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có Sóc Trăng, nhiều người dân lao động phải giãn việc, mất việc, thu nhập bằng không đã tác động rất lớn đến con em họ. Anh T.V.T cho biết, anh là lao động tự do, khi dịch bệnh bùng phát, anh cũng nghỉ việc, không còn thu nhập. Khi Sóc Trăng chuyển sang trạng thái bình thường mới, vợ chồng anh lại tiếp tục chạy đôn chạy đáo tìm việc kiếm tiền đầu tư sách vở, quần áo cho con lên cấp 2 nhưng do dịch bệnh còn tiềm ẩn nên cháu không thể đến trường mà phải học online. Anh lo lắng không biết tìm đâu vài triệu đồng để mua máy tính hoặc điện thoại cho con học online.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 25.000 học sinh phổ thông có hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện để mua máy tính, điện thoại… phục vụ việc học online nên rất cần được hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 50 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện tại tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn trong vận động nguồn tài trợ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Do đó, để giải quyết vấn đề này, trước mắt Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị trường học tìm cách hỗ trợ cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn (hỗ trợ giúp các em mượn trang thiết bị); vận động phụ huynh, các em học sinh có điều kiện (máy tính, điện thoại) cho phép các em học sinh khó khăn có nhà ở gần nhau để cùng tham gia học online hoặc mượn điện thoại của cha mẹ để học tạm…

Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, diễn biến phức tạp thì khả năng học trực tiếp sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy cần có giải pháp cụ thể hơn, nhất là trong triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để kịp thời hỗ trợ các em học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn sớm có trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu học trực tuyến.

H.LAN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: