• Thương mại - Dịch vụ

Cung ứng đủ nguồn nhân lực khi doanh nghiệp đầu tư tại Sóc Trăng

12/03/2022 03:44 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 12/03/2022 | 03:44

STO - Nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (tháng 4-1992 - 4-2022), tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thông qua công tác kêu gọi đầu tư, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu và đầu tư phát triển tại tỉnh. Bên cạnh ưu đãi về cơ chế, chính sách thì một trong những vấn đề doanh nghiệp quan tâm chính là “nguồn nhân lực” tại chỗ. Để tìm hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Võ Thanh Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Sóc Trăng.

Phóng viên: Để góp phần thu hút doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh, ngành đã có bước chuẩn bị như thế nào về nguồn nhân lực thưa đồng chí?

Đồng chí Võ Thanh Quang: Để góp phần thu hút doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh, Sở LĐ-TBXH phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2021- 2025. Đồng thời, thực hiện các chính sách của tỉnh về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, sở cũng chủ động liên hệ, đề nghị doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đăng ký số lượng, trình độ tay nghề của người lao động để làm cơ sở cho công tác đào tạo, cung ứng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương tổ chức rà soát và thống kê nhu cầu việc làm của người lao động. Từ đó, phân loại nhóm lao động nhằm đảm bảo khi doanh nghiệp vào đầu tư tại tỉnh sẽ được cung ứng lao động theo nhu cầu.

Phóng viên: Đồng chí có thể đánh giá chung về tình hình nguồn lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Đồng chí Võ Thanh Quang: Theo số liệu thống kê, dân số toàn tỉnh trong độ tuổi từ 15 - 24 tuổi khoảng 144.171 người (tỷ lệ 12,06% dân số); từ 25 - 49 tuổi khoảng 457.982 người (tỷ lệ 38,30% dân số); từ 50 tuổi trở lên khoảng 307.613 người (tỷ lệ 25,73% dân số). Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 641.900 người (tỷ lệ 53,69% dân số), số lao động nữ khoảng 262.500 người (tỷ lệ 40,89% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên). Số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc khoảng 629.600 người phân theo lĩnh vực: nông, lâm, thủy sản là 263.700 người; sản xuất chế biến là 76.200 người; xây dựng là 66.600 người; còn lại các ngành khác là 223.100 người.

Nhìn chung, đa số lao động tỉnh Sóc Trăng là lao động còn tương đối trẻ, tuy nhiên tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao. Theo số liệu thống kê, số lao động đã qua đào tạo trên địa bàn tỉnh là 379.878 người (chiếm tỷ lệ 60,20% tổng số lao động trong độ tuổi tham gia hoạt động kinh tế), trong đó, số lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ là 174.463 người (tỷ lệ 28,11% tổng số lao động trong độ tuổi tham gia hoạt động kinh tế).

Phóng viên: Như vậy, Sóc Trăng hiện có nguồn lao động dồi dào nhưng hạn chế về trình độ, tay nghề. Vậy ngành có những giải pháp đào tạo nghề ra sao nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động?

Đồng chí Võ Thanh Quang: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm, Sở LĐ-TBXH sẽ phối hợp với các sở, ngành, cơ quan có liên quan triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Đẩy mạnh thực hiện công tác truyền thông về ý nghĩa, tầm quan trọng, các chính sách về giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho người lao động và công tác định hướng phân luồng học sinh, định hướng việc làm cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông… Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên… Đặc biệt là chính sách hỗ trợ đào tạo lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách hỗ trợ đào tạo lao động để duy trì việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục rà soát ngành, nghề đào tạo, hoàn thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như: đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo đảm bảo chuẩn đầu ra theo quy định và theo yêu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động...

Tiếp tục đầu tư phát triển ngành, nghề trọng điểm cấp khu vực ASEAN, cấp quốc gia; tập trung đầu tư Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng trở thành trường cao đẳng chất lượng cao.

Tổ chức tuyển sinh, đào tạo các ngành, nghề gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong tỉnh; xây dựng và thực hiện mô hình doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác vừa sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ vừa tổ chức đào tạo nghề nghiệp, trong đó, ưu tiên tuyển sinh, đào tạo các lĩnh vực thuộc tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: nông nghiệp, thủy sản… Đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh… mang lại hiệu quả thiết thực, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh, huyện để hỗ trợ vốn vay cho hộ gia đình có người học nghề có vốn để phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Phóng viên: Dự báo trong thời gian tới, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần số lượng lớn lao động, vậy Sóc Trăng có đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp không, thưa đồng chí?

Đồng chí Võ Thanh Quang: Qua thống kê sơ bộ, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển thêm 12.143 lao động. Theo định hướng phát triển của tỉnh, trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh thì nhu cầu lao động là rất lớn. Theo dự báo, nguồn lao động tỉnh khoảng 93.148 người, bao gồm số người đang học sẽ hoàn thành khóa học có nhu cầu việc làm (nhóm tuổi từ 20 - 24 tuổi): 83.091 người; số người bước vào độ tuổi lao động (vào 15 tuổi): 5.000 người; số người đang thất nghiệp chưa tìm được việc làm là 2.002 người; số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, không tiếp tục học có nhu cầu tìm việc làm là 3.055 người.

Có thể thấy với nguồn cung dồi dào, tỉnh Sóc Trăng đủ khả năng cung ứng nguồn nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp khi xúc tiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, doanh nghiệp có thể hoàn toàn yên tâm, chọn Sóc Trăng là điểm đến tiềm năng để đầu tư, hợp tác để cùng phát triển bền vững.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

H.LAN (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: