• Thương mại - Dịch vụ

Hỗ trợ nâng tầm các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh Sóc Trăng

22/09/2022 04:09 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 22/09/2022 | 04:09

STO - Xác định phát triển công nghiệp nông thôn là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, thời gian qua, ngành Công Thương tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình khuyến công, nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm… góp phần nâng tầm các sản phẩm công nghiệp nông thôn đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất

Trong giai đoạn 2014 - 2021, được sự quan tâm của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Sóc Trăng, Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh tổ chức thực hiện hoàn thành 33 đề án hỗ trợ 67 cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu với tổng kinh phí hỗ trợ là trên 4,3 tỷ đồng. Theo đó, đã thực hiện 26 đề án hỗ trợ cho 28 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ trên 3,8 tỷ đồng từ nguồn khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương.

Theo đồng chí Phạm Xuân Nhiệm - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Là một trong những đơn vị được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ong Xanh, ấp Trường An, xã Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) có điều kiện đầu tư 1 máy hạ thủy phần mật ong và 1 máy chiết rót mật ong, với tổng trị giá là 195 triệu đồng. Qua đó, đã giúp công ty nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường mật ong với các doanh nghiệp khác.

Anh Nguyễn Minh Tùng - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ong Xanh cho biết, chính nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2021 đã giúp cho công ty có cơ hội chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang bán tự động, nâng sản lượng từ 300 lít mật/tháng lên gấp đôi như hiện tại, không chỉ giúp công ty tăng lợi nhuận mà việc ứng dụng máy móc vào sản xuất còn cho ra sản phẩm chất lượng, tạo điều kiện cho công ty xây dựng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 hoặc 5 sao, giúp công ty mở rộng thị trường, hướng đến phát triển bền vững.

Chương trình khuyến công đã giúp Công ty Trách nhiệm hữu hạn bánh pía - lạp xưởng Tân Lộc Phát, ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đổi mới công nghệ sản xuất. Ảnh: MỸ LINH

Tranh thủ được nguồn vốn khuyến công quốc gia năm 2022 hỗ trợ 300 triệu đồng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bánh pía - lạp xưởng Tân Lộc Phát, ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã có nguồn vốn để đầu tư 1 lò nướng bánh pía băng chuyền với công suất 50 - 100 cái/phút và 1 máy gói bánh, bao nhân tự động với công suất 50 - 100 cái/phút. Đại diện công ty, anh Từ Nghiêm Toản cho biết, hệ thống máy móc mới đã giúp công ty nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận cho đơn vị.

Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất bún” đã giúp cơ sở bún khô Thanh Đại, ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành tăng công suất, cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm đẹp hơn, thu hút được người tiêu dùng quan tâm, chọn mua sản phẩm nhờ đầu tư nhà xưởng và thiết bị, dây chuyền sản xuất bằng hệ thống cân đóng bao tự động và hệ thống băng tải cấp nui vào lò sấy. Hiện cơ sở phấn đấu nâng sao OCOP cho thương hiệu bún khô Thanh Đại.

Bình chọn, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu

Nhằm tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện 3 lượt bình chọn và cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh vào năm 2014, 2017 và năm 2021. Qua đó, có 106 lượt cơ sở đăng ký 131 sản phẩm tham gia bình chọn, kết quả có 63 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục lựa chọn các sản phẩm để tham gia bình chọn cấp khu vực và quốc gia, kết quả có 15 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia. Đây chính là động lực cho các cơ sở mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. 

Hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tạo động lực để doanh nghiệp cải tiến, nâng chất sản phẩm. Ảnh: MỸ LINH

Bên cạnh đó, nhằm liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất hàng hóa, nhà phân phối sản phẩm và người tiêu dùng, Sở Công Thương còn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là sản phẩm OCOP của các địa phương, thông qua các kênh hội chợ triển lãm, hội thảo, hội nghị, các sự kiện giao thương, xúc tiến thương mại. 

Theo anh Hà Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại bánh kẹo Ba Xuyên (thành phố Sóc Trăng), được tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại… đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có dịp gặp gỡ, tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm hướng đến sản xuất hiệu quả, an toàn, góp phần xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Đồng thời, đây còn là một hoạt động vừa mang lại hiệu quả kinh doanh, vừa giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã tìm kiếm kênh phân phối ổn định, đưa những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh đến tay người tiêu dùng trong cả nước. 

Đồng chí Phạm Xuân Nhiệm khẳng định, thông qua hoạt động hỗ trợ từ chương trình khuyến công đã giúp cho các cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đổi mới công nghệ sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ (một số cơ sở đã có sản phẩm được đưa vào các hệ thống siêu thị, thông qua hoạt động tham dự hội chợ giúp cho các cơ sở liên kết với các nhà phân phối tại các tỉnh để đưa sản phẩm vào kinh doanh), doanh thu bình quân của các cơ sở hàng năm tăng khoảng 10%, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh. 

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án nhóm, đề án điểm hỗ trợ việc đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương kết nối, quảng bá, giới thiệu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt, đẩy mạnh hỗ trợ các sản phẩm công nghiệp đăng ký tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh… góp phần nâng tầm, đưa sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh ngày càng vươn xa.

MỸ LINH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: