• Trong nước

Bộ đội Biên phòng và các cơ quan, tổ chức đã và đang phối hợp rất hiệu quả

22/10/2020 04:54 GMT +7
  • Nguồn: Báo QĐND
  • Thứ Năm, 22/10/2020 | 04:54

Chiều 21-10, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.

Qua thảo luận, các đại biểu đều bày tỏ sự tán thành với các quy định của luật, cho rằng đã cơ bản phù hợp và thể chế đầy đủ các quan điểm của Đảng, Nhà nước về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG), đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 về Chiến lược bảo vệ BGQG…  

Các đại biểu khẳng định: Trải qua hơn 61 năm chiến đấu và trưởng thành, do tính chất nhiệm vụ, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) có 28 năm trực thuộc Bộ Công an và hơn 33 năm trực thuộc Bộ Quốc phòng. Dù trực thuộc bộ nào thì chức năng, nhiệm vụ của BĐBP luôn được xác định là nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu. Những kết quả công tác của BĐBP đã được nhân dân tin yêu, tô thắm thêm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" và củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, với Quân đội.

Tại phiên họp, quyền hạn, nhiệm vụ của lực lượng BĐBP là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận. Tán thành với quyền hạn của BĐBP quy định tại Điều 14 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) nhấn mạnh, quy định này này đã bảo đảm tính thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan và không có sự trùng lặp, xung đột với các văn bản pháp luật khác trong Luật Hải quan năm 2014. Theo đó, Hải quan có quyền kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải, phòng, chống buôn lậu các loại hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế trong xuất nhập khẩu… Còn BĐBP có quyền “kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. 

"Như vậy, phạm vi kiểm tra, kiểm soát của lực lượng BĐBP và Hải quan là khác nhau, BĐBP chỉ kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu. Quy định như vậy là phù hợp và không có sự chồng chéo nhiệm vụ với lực lượng Hải quan”, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải nhấn mạnh thêm.  

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Đồng quan điểm này, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phân tích, theo quy định của pháp luật, cả hai lực lượng BĐBP và Hải quan đều có thẩm quyền điều tra ban đầu đối với tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. 

Tuy nhiên, theo đại biểu, việc luật hóa thẩm quyền của BĐBP trong việc kiểm tra phương tiện, hàng hóa ở cửa khẩu chỉ là phương thức bảo đảm để cơ quan này thực hiện nhiệm vụ quan trọng là phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm của tội buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, mà không vô hiệu hóa thẩm quyền của Hải quan. Ngoài ra, cùng với lực lượng trinh sát, việc cho phép BĐBP trong việc kiểm tra phương tiện ở cửa khẩu sẽ là một chính sách hữu hiệu để xử lý hành vi buôn lậu hoặc vận chuyển vũ khí, ma túy qua biên giới...

“Xét về mục đích kiểm tra, kiểm soát giữa BĐBP và Hải quan cho thấy là hoàn toàn khác nhau. Hải quan kiểm tra, kiểm soát về hàng hóa xuất nhập cảnh xem có đầy đủ giấy tờ theo đăng ký hay không; còn BĐBP kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn về an ninh đối với hàng hóa, phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cũng theo đại biểu, việc kiểm tra, kiểm soát phương tiện ở cửa khẩu khác với việc thu thuế ở cửa khẩu; việc thu thuế ở cửa khẩu vẫn do lực lượng Hải quan thực hiện...

Quan tâm đến quy định BĐBP chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đồng tình với quy định này và cho rằng, việc thực thi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, hải đảo khác rất “căn bản” so với thực tế triển khai hai nhiệm vụ này trong thực địa. Đây là hai nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không tách rời nhau vì việc duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới có thể xuất phát từ bên kia biên giới, nếu không xử lý tốt có thể biến thành tình huống quân sự, quốc phòng. Do vậy, cần có sự thống nhất trong thực hiện hai nhiệm vụ này.

Xuất phát từ lý do trên, rất cần thiết có một lực lượng chủ trì thực hiện hai nhiệm vụ. Tuy nhiên, địa bàn các xã biên giới thường rất rộng và hiểm trở, mặc dù hiện nay đã có công an xã chính quy nhưng với lực lượng mỏng (chỉ khoảng 3-5 người) thì rất khó kiểm soát được toàn bộ khu vực rộng lớn ở đây. “Trong khi đó, lực lượng biên phòng có số cán bộ, chiến sĩ nhiều hơn, đồng thời là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, là lực lượng chủ trì trong việc quản lý, bảo vệ BGQG, đã được xác định trong các điều ước quốc tế, các văn bản của Đảng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật”, đại biểu nhấn mạnh. Mặt khác, cũng theo đại biểu, việc BĐBP chủ trì, phối hợp thực hiện hai nhiệm vụ không đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa nhiệm vụ, chức năng của lực lượng Công an nhân dân. 

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt khẳng định, hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG là một thể thống nhất, bao gồm BGQG trên bộ, trên biển, trên không và trong lòng đất. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG phải liên hoàn, mang tính tổng thể, gắn liền giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tại KVBG, có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ, do đó, cần thiết phải quy định một lực lượng làm nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách, chủ trì đảm đương nhiệm vụ. 

Theo đó, dự thảo Luật quy định BĐBP chỉ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. BĐBP thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên từng lĩnh vực, phạm vi ở địa bàn xã, phường, thị trấn tiếp giáp với đường BGQG trên đất liền, trên biển và cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý đã được xác định trong các điều ước quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam, không chồng chéo với nhiệm vụ của lực lượng khác hoạt động ở KVBG và cửa khẩu. 

"Thực tế cho thấy, giữa BĐBP và các cơ quan, tổ chức đã và đang phối hợp có hiệu quả, không có khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ này. Để tiếp tục phát huy cơ chế này, dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết việc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng tại Điều 10", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh.

THẢO NGUYỄN/ Báo QĐND

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: