• Trong tỉnh

Ngược dòng ký ức

22/04/2023 04:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 22/04/2023 | 04:00

STO - Chiến tranh đã lùi xa, mái tóc những người lính đã phai màu theo năm tháng. Được chứng kiến ngày thống nhất đất nước, trở về với gia đình là niềm hạnh phúc vô giá đối với những người lính đã trải qua những năm tháng chiến đấu kiên cường.

Nhắc đến thời kháng chiến, ngoài ký ức về những trận đánh, ông Nguyễn Hùng Minh - nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kế Sách (Sóc Trăng) không thể nào quên những đồng chí, đồng đội của mình. Với ông Minh, hình ảnh về liệt sĩ Nguyễn Văn Cải (Ba Cải), sinh năm 1939, đã để lại nhiều ấn tượng bởi tinh thần dũng cảm, kiên trung đến hơi thở cuối cùng.

Đồng chí Ba Cải tham gia cách mạng từ sớm, với vai trò là Xã đội trưởng xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách kiêm Phó đội trưởng Trạm đường dây liên lạc của Khu ủy. Đồng chí Ba Cải đã luôn bám trụ, bám dân, chiến đấu rất gan dạ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Xuyên suốt trong những năm chiến tranh ác liệt, từ năm 1961 đến năm 1969, đồng chí Nguyễn Văn Cải đã kiên cường đánh địch, giữ vững đường dây giao liên của Khu ủy đi qua địa bàn của xã và xây dựng được thế trận ''Chiến tranh nhân dân'', góp phần đánh bại kế hoạch “bình định” và chiến thuật ''Hạm đội nhỏ trên sông'' của địch trên địa bàn xã Phong Nẫm. Đồng chí Ba Cải đã trực tiếp chỉ huy du kích xã và đường dây 32 đánh tổng cộng 129 trận lớn nhỏ, diệt tổng cộng 120 tên địch, bắt sống 29 tên, thu khoảng 80 súng các loại, 5 máy thông tin, bắn cháy 2 tàu sắt, 1 ca nô, bắn cháy và làm bị thương 2 máy bay lên thẳng của địch.

Ông Nguyễn Hùng Minh - nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kế Sách (Sóc Trăng) kể về thời kháng chiến, về đồng đội. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Ông Nguyễn Hùng Minh nhớ lại, vào những ngày cuối năm 1969, trong một chuyến công tác đưa đoàn cán bộ của Khu ủy về Hội nghị ở Trung ương Cục (tại Tây Ninh), Xã đội trưởng Ba Cải cùng các đồng đội trong đường dây liên lạc 32 của mình nhận nhiệm vụ vô cùng quan trọng là phải đưa rước đoàn cán bộ cấp cao thì đụng ngay phải 1 trung đội biệt kích nằm phục kích trên đường. Để bảo vệ an toàn cho đoàn cán bộ, đồng chí Nguyễn Văn Cải đã nổ súng thu hút địch về phía mình để đồng đội kịp thời dẫn đường đoàn cán bộ về phía sau an toàn. Đồng chí Ba Cải đã đánh bật nhiều đợt xung phong của địch, diệt và làm bị thương 7 tên biệt kích ác ôn. Đồng chí đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng.

“Tiếp bước tinh thần bất khuất của đồng chí Ba Cải, chúng tôi tiếp tục kiên cường chiến đấu, dồn sức, dồn lực, quyết tâm đập tan mọi sự kháng cự của địch để giành toàn thắng. Sau này, những người sát cánh cùng anh may mắn còn sống, mỗi khi ngồi cùng nhau lúc “trà dư tửu hậu” lại kể nhau nghe về hình ảnh anh hy sinh thân mình để cứu cả đoàn cán bộ” - ông Hùng Minh nói.

Cuộc sống bình dị trong thời bình của thương binh Nguyễn Thanh Ngân (Sáu Tây). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Còn đối với thương binh Nguyễn Thanh Ngân (Sáu Tây) ở phường 8, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), xem những vết thương hằn trên cơ thể mình là giá trị của hòa bình. Ông kể rằng, năm 15 tuổi đã là chiến sĩ cách mạng đánh trận trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Năm 1969, ông là một trong 30 người trong "Đại đội quyết tử" tham gia đánh sân bay Bạc Liêu làm quân địch thiệt hại nặng nề. "Trong những lần trực tiếp chiến đấu tấn công vào cơ quan đầu não của địch và chống địch càn quét, 5 lần tôi bị thương, trong đó có 3 lần bị thương nặng. Không thể cầm súng, tôi được đưa về công tác tại Tỉnh đội Sóc Trăng vào năm 1970" - ông Sáu Tây nhớ lại.

Nhắc về thời kháng chiến, ông kể rất hăng say, bởi với người lính, đó là giai đoạn gian khổ nhưng hào hùng, bất tử. Khi thời gian tổng tiến công được xác định, ông được yêu cầu vẽ bản đồ thị xã Sóc Trăng (nay là thành phố Sóc Trăng). Nhớ lại những nơi đi qua, những trận đánh từng tham gia và tài liệu sẵn có, ông một mình mày mò, hình dung rồi vẽ đi, vẽ lại, chỉnh sửa không ít lần. Do yêu cầu cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, ông thường xuyên thức đêm, có lúc mệt mỏi ngủ gục lên gục xuống nhưng vẫn phải cố gắng hoàn thành. Cuộc tổng tấn công đã diễn ra quyết liệt ở khắp nơi trong tỉnh, thị xã Sóc Trăng và các huyện trong tỉnh được hoàn toàn giải phóng. “Ngày 30/4/1975 lịch sử, người người đổ ra đường, cờ đỏ sao vàng tung bay mừng quê hương, đất nước hòa bình, thống nhất” - ông Sáu Tây hào hứng kể.

Hòa bình lập lại, ông Sáu Tây được đồng đội mình nhắc đến nhiều qua vai trò là người vẽ bản đồ thị xã Sóc Trăng để quân giải phóng đánh vào cơ quan đầu não địch, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử.

Theo thời gian, chiến tranh không chỉ là nỗi đau, mà nhìn vào đó để lan tỏa lòng yêu nước, viết tiếp những trang sử hào hùng, truyền cảm hứng vượt qua khó khăn, thách thức.

PHƯỚC LIÊU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: