• Văn hóa - Thể thao

Để những giá trị văn hóa truyền thống của Tết được tiếp nối và lan tỏa

22/01/2023 05:45 GMT +7
  • Nguồn: Báo QĐND Online
  • Chủ Nhật, 22/01/2023 | 05:45

Hằng năm, người Việt tổ chức rất nhiều tết cổ truyền như: Tết Thanh minh, Tết Đoan ngọ, Tết Trung nguyên, Tết Trung thu, Tết cơm mới… nhưng có lẽ không có Tết nào được sửa soạn chu đáo và nhiều lo lắng, bận rộn như Tết Nguyên đán. Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền lớn nhất của người Việt.

Theo PGS, TS Lê Trung Vũ, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, Tết Nguyên đán là Tết mở đầu của một năm mới hay còn gọi là Tết cả. Tết cả được hiểu với nhiều nghĩa: Tết quan trọng hàng đầu, Tết lớn nhất, Tết có mục đích sâu xa, toàn diện và có nhiều ý nghĩa với đời sống con người cá thể và cộng đồng.

“Tết Nguyên đán giải quyết những vấn đề lớn vào thời điểm trọng đại tiêu biểu nhất đối với một chu trình vận hành của vũ trụ, vận động của vạn vật, lấy đơn vị năm mở đầu và kết thúc bằng một chu trình khép kín, có khóa và mở”, PGS, TS Lê Trung Vũ cho hay.

Tết cả đến vào khoảnh khắc năm cũ và năm mới gặp nhau. Theo tiến trình, Tết cả bắt đầu từ mồng 1, tới mồng 3 là lễ hóa vàng, hoặc tới mồng 7 là lễ khai hạ. Lễ khai hạ là nghi lễ kết thúc Tết, mọi người trở lại công việc bình thường.

Đoàn viên phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội gói bánh chưng Tết 2023.

Xưa, cứ vào cuối tháng Một, đầu tháng Chạp ở khắp mọi miền, mọi người đã náo nức chuẩn bị Tết nào lo sửa sang bàn thờ, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, sắm Tết. Mọi sản vật, nhất là nông sản nhà nông đều tính toán sao cho Tết đến thì có thức ngon để chưng cúng và thết đãi.

Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Ngọc Khuê cho hay, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhà nhà, người người lại nhộn nhịp sắm Tết và loại hình văn hóa không thể thiếu của mọi nhà, đó là tranh Tết hay còn gọi là tranh dân gian. “Tết xưa, các phiên chợ Tết có bán tới hàng vạn bức tranh Tết, đủ các thể loại: Tranh thờ cúng, tranh chơi, tranh thế sự, tranh chuyện… Có thứ tranh đơn, có thứ tranh bộ. Tranh đơn thường vẽ gọn một câu chuyện, một đề tài, còn tranh bộ thì gồm có tranh nhị bình, tranh tứ bình thể hiện trọn vẹn một chủ đề”, họa sĩ Phan Ngọc Khuê chia sẻ.

Bên cạnh thú chơi tranh, chơi câu đối, chơi hoa… trong những ngày Tết Nguyên đán còn có nhiều tục lệ mà đến nay vẫn được duy trì như tục cúng ông Công, ông Táo, tục dựng và hạ cây nêu, tục xông đất đầu năm, tục xin lộc, xin chữ, tục chúc Tết và lì xì...

Đáng chú ý, ở một số địa phương xưa còn có những tục lệ, nghi lễ hết sức độc đáo. Có thể kể tới tục gọi gạo đêm 30 của dân làng Phù Lễ (xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Ninh); tục gánh nước đêm Giao thừa của người dân Tạ Xá (nay là xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) hay nghi lễ trảm tự (chém chữ) trong lễ hội vật võ ở làng Liêu Đôi (xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam); tục ăn Tết lại của người dân xã Mỹ Tho (huyện Bình Lục, Hà Nam), xã Đông Thanh (Đông Thiệu, Thanh Hóa), xã Đại Bái (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh)…

Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Yên Giang cho rằng, nghi lễ trang trọng trên hết trong mấy ngày Tết là thờ cúng tổ tiên. Lễ vật dâng cúng, ngoài các vật phẩm như bánh chưng, trầu cau thì việc bày sắm mâm ngũ quả là việc làm hàng đầu của mọi nhà, bất kể giàu nghèo.

Đặc biệt, vào dịp Tết người ta thường chọn giờ, chọn ngày để tạo một động tác một hành động biểu trưng mở đầu cho mọi việc của năm mới. Nhà nông làm lễ khai canh (lễ động thổ hay hạ điền), nho sĩ làm lễ khai bút, thợ rừng làm lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng), dân chài có lễ cầu ngư, quan lại có lễ khai ấn, nghề thủ công có lễ khai nghiệp…

Trong tâm thức của người Việt, Tết Nguyên đán chứa đựng những giá trị văn hóa và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vào dịp này, mỗi người lại được sống trong lễ thức tôn nghiêm của cộng đồng, được hòa mình trong các cuộc vui, trò chơi, màn thi tài trong các lễ hội đầu xuân, được đón nhận những lời chúc tốt lành. Tết cũng là dịp để người đi xa trở về, người thân được đoàn tụ, từ đó nuôi dưỡng, vun xới tình cảm trong gia đình. Đây cũng chính là sợi dây gắn kết cộng đồng, để những giá trị văn hóa truyền thống vẫn tiếp nối và lan tỏa…

KHÁNH THƯ/Báo QĐND

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: