• Văn hóa - Thể thao

Giữ nét đẹp trong điệu múa dân gian, múa truyền thống của đồng bào Khmer

22/06/2022 04:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 22/06/2022 | 04:30

STO - Trong bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hóa, một số nét văn hóa truyền thống của người Khmer đang có nguy cơ mai một, thất truyền, song các thể loại múa, hát vẫn đang được một bộ phận không nhỏ người Khmer gìn giữ và phát huy hiệu quả, đặc biệt là thế hệ trẻ. Điển hình như chùa Mahatup (chùa Dơi), Phường 3, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) đã và đang duy trì mở lớp dạy múa truyền thống cho con em phật tử, nhằm tạo sân chơi văn nghệ cho trẻ em tham gia tập luyện các điệu múa dân gian để phục vụ trong các dịp lễ, hội của đồng bào Khmer.

Gần 2 năm nay, trước khi có dịch Covid-19, cứ đến tối các ngày thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần, những trẻ em yêu thích văn nghệ được người thân đưa đến chùa Mahatup để tập luyện các điệu múa dân gian, múa truyền thống của đồng bào Khmer. Đứng giữa quan sát và chỉnh sửa từng động tác, điệu múa cho các học trò, chị Danh Thị Lương - giáo viên hướng dẫn chia sẻ: “Lớp dạy này có những em mới tham gia tập được vài ngày và có những em tập được gần 2 năm. Những em mới, cho tập những động tác cơ bản, khi nào tập múa nhuần nhuyễn thì cho tập nâng cao nhằm tạo cho các em đến đây vừa tập múa, vừa vui chơi giải trí”.

Anh Thạch Sà Rạt và chị Danh Thị Lương đang hướng dẫn và chỉnh sửa từng động tác cho các học viên tập múa tại điểm chùa Mahatup (chùa Dơi). Ảnh: THẠCH PÍCH

Cùng hỗ trợ trong việc hướng dẫn dạy những động tác, điệu múa cho các em, anh Thạch Sà Rạt - là một diễn viên Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng bày tỏ: “Các em tham gia tập múa với tinh thần rất nhiệt tình, chăm chỉ, chịu khó từng động tác, nên khi hướng dẫn, các em tiếp thu rất nhanh, làm cho chúng tôi thấy rất vui”.

Theo một số nghệ sĩ, người Khmer có 2 loại hình múa, đó là: múa sinh hoạt cộng đồng hay còn gọi là múa dân gian (Rom-vong, Lăm-leo, Sa-ra-van…) và múa sân khấu cung đình. Múa cung đình của người Khmer rất uyên thâm, trang trọng và mang tính cổ kính. Múa dân gian với những động tác thoải mái, lạc quan, yêu đời và luôn có tính chất hóm hỉnh. Người Khmer từ khi còn nhỏ đã thấm vào máu những điệu múa dân gian do ông bà, cha mẹ chỉ dạy. Những điệu múa này, hầu như người Khmer nào cũng biết. Ngày nay, loại hình múa dân gian vẫn được gìn giữ và lưu truyền rộng rãi trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng phum, sóc. Đặc biệt vào những dịp lễ, tết truyền thống của dân tộc, hay nghi thức mừng nhà mới, đám cưới, người Khmer thường tổ chức múa hát tập thể, tạo nên không khí giao lưu phấn khởi, đoàn kết trong cộng đồng.

Em Thạch Thị Tường Vy - 9 tuổi, nhà ở Phường 9, TP. Sóc Trăng, một trong những học viên tham gia tập luyện được 2 năm nay và đã đi biểu diễn phục vụ tại các chùa trong dịp tết Chôl Chnăm Thmây, đám cưới phấn khởi cho biết: “Lúc nhỏ, em thường xem múa hát trên kênh youtube, càng xem em cảm thấy càng thích thú, đến khi nhà chùa có mở lớp dạy múa, cha mẹ em đến đăng ký cho em học. Ban đầu làm quen với những động tác múa cơ bản, giờ em không chỉ biết múa dân gian mà còn múa được một số bài múa sân khấu cung đình như: Ro băm chúc mừng… Vui nhất là em cùng bạn bè vào đội múa của chùa, được đi biểu diễn phục vụ vào dịp lễ, hội ở một số chùa trong tỉnh”.

Cùng chung niềm đam mê văn nghệ, em Diệp Hữu Trí (10 tuổi), ở Phường 3, TP. Sóc Trăng, không chỉ tham gia tập múa mà còn là một thành viên đội nhạc ngũ âm của chùa Mahatup. Em Trí chia sẻ: “Em thường đến chùa chơi, khi thấy các anh, chị học múa, gõ nhạc ngũ âm, em cảm thấy thích và xin cha mẹ vào chùa để theo học. Hiện em đang tập luyện động tác múa, còn nhạc ngũ âm, em đi biểu diễn phục vụ ở nhiều nơi. Biết loại hình nghệ thuật của dân tộc, em cảm thấy rất tự hào”.

Tính đến nay, chùa Mahatup đã đào tạo được hàng chục nhạc công đội ngũ âm và gần 100 học viên theo học múa dân gian. Sư Thạch Kha Linh - chùa Mahatup chia sẻ: “Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhà chùa đã mở lớp dạy múa dân gian đầu tiên ở phum Bắc-Ta-Ky, Phường 9, TP. Sóc Trăng, thu hút gần 40 em tham gia. Thời gian sau, do nhu cầu của con em phật tử muốn học múa, chùa tiếp tục mở thêm tại điểm chùa, thu hút hơn 30 em tham gia tập luyện mỗi đêm thứ Bảy và Chủ Nhật. Những lớp dạy múa này, nhà chùa có mời anh, chị diễn viên chuyên nghiệp đến truyền đạt những kiến thức cơ bản cho các em và học miễn phí. Mục đích là muốn tạo sân chơi bổ ích cho các em và “giữ lửa” văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer”.

Nghệ thuật múa dân gian là sản phẩm tinh thần độc đáo không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết, đám tiệc, đám phước của đồng bào Khmer. Khi tiếng trống, nhạc, hoặc nhạc ngũ âm vang lên, từng đôi trai gái, già trẻ cùng uyển chuyển hòa mình vào những điệu múa tập thể rất mềm mại và duyên dáng. Nó không chỉ mang tính thiêng liêng, mà còn là nhu cầu tinh thần sau những giờ lao động, học tập mệt nhọc, góp thêm vào vườn hoa nghệ thuật đầy màu sắc của dân tộc Việt Nam.

THẠCH PÍCH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: