• Văn hóa - Thể thao

Khoan hòa - đặc điểm quan trọng để phát triển văn hóa - du lịch tỉnh Sóc Trăng

24/01/2023 04:32 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 24/01/2023 | 04:32

STO - Một trong những điểm nổi bật của tỉnh Sóc Trăng là nét văn hóa đa dân tộc. Chính sự hòa trộn, giao thoa các đặc trưng tộc người trong quá trình cộng cư đã tạo nên một đời sống văn hóa có bản sắc và tiềm năng cho nhiều lĩnh vực. Trên nền tảng giao thoa giữa ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, các sản phẩm văn hóa ở Sóc Trăng vừa phục vụ cho đời sống cộng đồng nói chung vừa đáp ứng cho phát triển ngành du lịch nói riêng trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, để hạn chế những dự án du lịch chỉ nằm ở tầm sự kiện và vội lắng đọng sau thời gian khai trương; những sản phẩm du lịch có đời sống chỉ tính bằng ngày vì không có nguồn du khách ổn định, thì việc đi tìm một điểm mấu chốt cho phát triển du lịch tỉnh nhà là điều rất cần thiết. Chúng tôi cho rằng "khoan hòa" chính là chìa khóa cho việc này.

Du lịch là một trong những ngành dịch vụ quan trọng, có thể làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Vì vậy, Tỉnh ủy(1), HĐND(2), UBND tỉnh đã đặt mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành dịch vụ “quan trọng”, và đến năm 2030 là ngành kinh tế “mũi nhọn” cho tỉnh nhà. Với khát vọng đó, Đảng bộ và chính quyền tỉnh nhà quyết tâm phấn đấu xây dựng du lịch Sóc Trăng trở thành một trong những trung tâm du lịch về lễ hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có thương hiệu, sức cạnh tranh cao và có nội dung văn hóa sâu sắc. Lấy loại hình du lịch văn hóa - lễ hội làm cơ sở, nền tảng cho phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ du lịch khác. Trong nhiều giải pháp quan trọng, thì “đa dạng hóa các sản phẩm du lịch” là một trong những vấn đề rất căn cơ vì sẽ tăng cơ hội quảng bá cho du khách, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nhưng một thực tế đặt ra là: cơ sở vật chất để phục vụ cho ngành du lịch thì hữu hạn mà nhu cầu của du khách thì vô hạn, cần thường xuyên thay đổi, ít nhất là mỗi năm một lần. Vì vậy, chìa khóa để tạo ra sản phẩm du lịch trên cơ sở văn hóa của tỉnh nhà chính là sự kết nối, thâm nhập lẫn nhau của nhiều yếu tố để tạo ra sự thay đổi các sản phẩm du lịch. Mà để kết nối trơn tru thì yếu tố khoan hòa là quan trọng.

Lấy loại hình du lịch văn hóa - lễ hội làm cơ sở, nền tảng cho phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ du lịch khác. Ảnh: NGỌC HẢI

Khoan hòa là khái niệm ghép từ hai thành tố "khoan" (nới lỏng, mở rộng, bao dung) và "hòa" (chấp nhận sự khác biệt, cùng chung sống với nhau êm đẹp). Khoan hòa chính là bao dung và chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận những chuyện bên lề miễn là không làm tổn hại quá mức thuần phong mĩ tục và không phá hoại nghiêm trọng môi trường. Tư tưởng khoan hòa cũng chính là đặc trưng cốt lõi của người Việt Nam. Với một vùng đất đa sắc màu văn hóa như Sóc Trăng, nếu không có cái nhìn khoan hòa sẽ rất dễ đi đến cực đoan và rập khuôn. Để vận dụng yếu tố khoan hòa vào trong du lịch - văn hóa ở Sóc Trăng hiệu quả, theo chúng tôi, cơ bản có những khía cạnh cần lưu ý.

Đối với các điểm du lịch văn hóa - tín ngưỡng, việc giới thiệu những truyền thuyết có yếu tố thần kì, có tình tiết kì lạ, có hành trang của nhân vật gắn liền với một di tích luôn có sự tác động và thu hút du khách rất lớn. Thực tế chứng minh: người ta không thể bỏ tiền bạc và công sức để đi trải nghiệm một nơi mà nó không có gì lạ hơn những đô thị lớn. Nếu đã đi hơn 200km xuống Sóc Trăng để nghỉ đêm lại thì du khách phải được hấp dẫn từ ý nghĩa của những truyền thuyết tại đây cùng với khu nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên. Truyền thuyết luôn gắn liền với lễ hội dân gian và du lịch cũng đặt một chân lên lễ hội. Vì vậy, việc khai thác yếu tố này luôn tạo lợi thế. Ngoài ra, khi chấp nhận các truyền thuyết đó như một hiện tượng đã tồn tại thì các buổi biểu diễn nghệ thuật, các sản phẩm lưu niệm hoặc cả món ăn có liên quan chính là động lực để những người làm du lịch luôn sáng tạo và cống hiến. Nhiều điểm du lịch ở tỉnh ta có thể tận dụng lợi thế này như: Giếng Tiên (Châu Thành), “rạch Trường Tiền lớn” (Cù Lao Dung), mả Hoàng cô (Vĩnh Châu), giồng đá Xuân Hòa (Kế Sách), miếu Ba Thắc (Mỹ Xuyên)…

Với loại hình du lịch tâm linh, trước nay người ta vẫn thường nghĩ đến các ngôi chùa (phần lớn là Khmer Nam tông) với cảnh quan và thực hành tín ngưỡng. Nhưng không phải chỉ có chùa Phật giáo Nam tông mới là nơi đến của tâm linh mà còn có nhà thờ lớn ở Sóc Trăng của Thiên Chúa giáo; các chùa Bắc tông, đình, miễu của người Việt; các miếu thờ quan thánh, bà Thiên Hậu của người Hoa đều là nơi có thể tạo nên những điểm đến trong một không gian du lịch. Khuyến khích các cơ sở thờ tự sưu tầm và ghi chép lại các giai thoại và truyền thuyết có liên quan sẽ ngày càng làm cho một buổi giới thiệu hấp dẫn và gây ngạc nhiên cho người nghe. Tương tự, chùa không chỉ dành cho phật tử địa phương mà còn có thể trở thành nơi tu hành trải nghiệm thời gian ngắn cho du khách có nhu cầu.

Tính khoan hòa còn giúp thay đổi các sản phẩm truyền thống, tức là mở rộng giới hạn về chức năng của những sản phẩm đáp ứng nhu cầu hàng ngày, bổ sung thêm các chức năng mới. Trong ẩm thực, món ăn không chỉ có ý nghĩa để no mà còn có ý nghĩa vui chơi, giải trí; có thể chế biến và sáng tạo theo hướng ăn để vui, để trải nghiệm cảm giác. Có khoan hòa, chúng ta sẽ không chỉ tạo ra quần áo mang tính thời trang, mang tính ứng dụng hàng ngày mà còn biến trang phục thành những sản phẩm văn hóa có cá tính, đậm màu sắc hiện đại. Chiếc xà rông của phụ nữ Khmer có thể được sáng tạo cách điệu thành chiếc váy tặng phẩm hiện đại; áo truyền thống người Hoa có in hình chùa Dơi; áo phông có in hình đèn lồng...

Khi có tính khoan hòa, chúng ta sẽ nhìn các vấn đề vốn phức tạp trong các mối quan hệ lịch sử và nghệ thuật trở nên đơn giản. Có hai trường hợp nhân vật trong cải lương liên quan đến vùng đất Sóc Trăng gây nhiều tranh cãi vì được khẳng định là có thật. Đó là: nhân vật ông Hội đồng Dư trong tuồng Tiếng hò sông Hậu và cô Hiếu trong tuồng Khách sạn hào hoa. Hai nhân vật này in đậm vào khán giả mộ điệu cải lương, nhất là ở Sóc Trăng, đến nỗi có người khẳng định cái kho đó, cái nhà kia chính là lẫm lúa của ông Hội đồng Dư; cái khu vực đầu cồn là nhà của cô Hiếu vì dựa vào lời ca trong câu vọng cổ. Người ta đam mê nhân vật đến nỗi mang sự kiện hư cấu trong tác phẩm nghệ thuật ra đời thực và dân gian hóa tác phẩm ấy thành giai thoại. Thay vì chỉ trích và tranh luận, hãy cứ chấp nhận một giai thoại về một lẫm lúa nào đó là của Hội đồng Dư và tổ chức cho du khách thưởng thức trích đoạn cải lương Tiếng hò sông Hậu tại nhà kho ấy cùng với một hoạt động trải nghiệm đập lúa trong đêm trăng cho những thanh thiếu niên hoặc người lớn tuổi có nhu cầu cũng là một ý tưởng lạ. Rồi trên đường đến với Cù Lao Dung, du khách được ghé thăm nhà cô Hiếu trong tuồng cải lương, chiêm ngưỡng nền xưởng đúc tiền của vua Gia Long là những chi tiết đời thường nhưng khiến du khách thích thú.

Nhà nhân học người Pháp Alain Coulon đã nói: "Thế giới không phải là cái được tạo ra một lần và cho mãi mãi. Nó được hiện thực hóa trong những hoàn thành thực tiễn của chúng ta". Để tạo động lực cho phát triển du lịch tỉnh nhà còn rất nhiều điều cần phải làm và nhiều thách thức đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị để vượt qua. Theo đó, mỗi ngành, mỗi cấp đều có những sự đầu tư và cố gắng theo chức năng được phân công. Nhưng để có một sự thống nhất và tạo nền tảng tổng thể, căn cơ chi phối và định hướng cho mọi hoạt động, chúng tôi nghĩ rằng khoan hòa là một tư tưởng khả thi và hữu dụng, đặc biệt phù hợp cho vùng đất Sóc Trăng.

TIẾN SĨ HUỲNH VŨ LAM - HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH

 


(1) Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 2/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

(2) Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND, ngày 28/02/2022 của HĐND tỉnh Sóc Trăng thông qua Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: