• Văn hóa - Thể thao

Nâng cao chất lượng hoạt động sáng tạo Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới

10/08/2022 10:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 10/08/2022 | 10:01

STO - Qua các kỳ đại hội của Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Sóc Trăng, một số hạn chế vẫn thấy xuất hiện nhiều lần trong các văn kiện là: tác phẩm đạt giải đi vào lòng người còn quá ít, chưa khai thác khám phá cuộc sống lao động đời thường, những mặt tốt để góp phần định hướng nhân cách, lối sống cho xã hội; còn thiếu vắng những tác phẩm có chiều sâu, có giá trị. Nguyên nhân được lý giải là chưa có quỹ đầu tư sáng tạo, nhận thức của một bộ phận văn nghệ sĩ và lãnh đạo hội chưa thay đổi và vượt khó để tìm ra những phương cách mới tháo gỡ khó khăn; thiếu kinh phí cho các hoạt động cho hội vì ngân sách chỉ hỗ trợ chứ không cấp theo định mức; hoạt động của các câu lạc bộ còn nặng về hình thức và có xu hướng nghiệp dư hóa trong sáng tác do chỉ quanh quẩn các đề tài truyền thống.

Ban Chấp hành Hội VHNT Sóc Trăng cần có những quy định những cơ chế thật rõ ràng để vừa tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm, vừa có nguồn lực để đầu tư quảng bá sản phẩm. Ảnh: NGỌC NHÂN

Các nhận định trên cho thấy trong nhiều nhiệm kỳ, một trong những điểm yếu của văn nghệ Sóc Trăng là thiếu tác phẩm về số lượng và ít tác phẩm về chất lượng. Về kinh phí, hiện nay tỉnh đã ban hành giải thưởng VHNT với giá trị khá phù hợp cho mức sống và sự tôn vinh tài năng của nghề cầm bút. Đồng thời, cơ chế hoạt động của hội cũng được UBND tỉnh và các ngành hỗ trợ, đã tạo ra rất nhiều điều kiện để văn nghệ sĩ thỏa sức cống hiến. Tuy vậy, để nâng cao số lượng tác phẩm và chất lượng của các tác phẩm được sáng tác, thì câu hỏi đặt ra là phải chăng chỉ cần có giải thưởng thì mọi việc sẽ thay đổi. Câu trả lời cho câu hỏi này là “không chắc”, bởi cách thực hiện đang cần tổ chức một cách khoa học và có chiều sâu, đảm bảo thực hiện lâu dài. Để nâng cao chất lượng sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền và Hội VHNT có thể xem xét một số vấn đề sau:

1)  Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ sáng tác, nghiên cứu, phê bình VHNT phát huy khả năng sáng tạo; giúp văn nghệ sĩ tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa qua tác phẩm, công trình VHNT có giá trị về nghệ thuật, tư tưởng, góp phần động viên tinh thần cho nhân dân thi đua lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Tạo điều kiện nên hiểu không chỉ là hỗ trợ về mặt vật chất, kinh phí mà quan trọng hơn còn là giúp đỡ về mặt cơ chế, nhất là đối với các sở, ban ngành trực thuộc UBND tỉnh cũng như các địa phương có tiềm năng cho VHNT khai thác. Ví dụ, các công trường, các nhà máy, xí nghiệp hay các hợp tác xã; những vùng căn cứ kháng chiến; những mô hình sản xuất giỏi; những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những mảnh đời cơ nhỡ lang thang được giúp đỡ, những số phận nghiệt ngã hoàn lương.... đều là thực tiễn phong phú và đa dạng giúp cho văn nghệ sĩ khai thác để trở thành đối tượng trong bài viết và trong sáng tác nghệ thuật.

Tuy nhiên, để tiếp cận những đối tượng này ở nhiều góc độ thì văn nghệ sĩ phải tự mình liên hệ, tự mình kết nối với cơ sở và địa phương để có thông tin nhưng không phải địa phương nào cũng hiểu và đồng ý cho tiếp xúc. Cá biệt, vẫn có những trường hợp khi văn nghệ sĩ tiếp cận với những mảnh đời cơ nhỡ, những nỗi khó khăn trong xã hội thì ứng xử của các cơ quan chính quyền địa phương thường là không muốn những con người ấy, cuộc sống ấy đi vào văn học. Đây là sự khác biệt trong những cách nhìn, cách hiểu về con người trong cuộc sống và con người trong văn học. Bởi lẽ có một sự thật là, một mảnh đời đau khổ trong thực tế có thể ảnh hưởng đến thành tích của một địa phương ở góc nhìn hiện thực nhưng dưới góc nhìn nghệ thuật, khi đi vào tác phẩm văn học, nó có giá trị và sức lan tỏa rất tốt cho người đọc bởi các giá trị nhân văn về đạo đức, về cuộc sống mà ở đó người đọc khi tiếp cận sẽ được thanh lọc tâm hồn.

Người nghệ sĩ sáng tác dựa trên thực tế nhưng không phải là sao chép và mô phỏng cứng nhắc mà có những gia công về mặt nghệ thuật và gửi gắm vào đấy những tư tưởng thẩm mĩ. Văn học có thể ca ngợi thành quả lao động của một vùng đất nhưng không phải bằng tiếng hô hào hay con số mà bằng những con người, những chi tiết hoạt động cụ thể dưới dạng những hình tượng. Các bản báo cáo có thể tồn tại có thời hạn nhưng tác phẩm văn học thì vô hạn trong lòng người đọc. Vì vậy các cấp, các ngành cần có một sự thấu hiểu để chia sẻ với văn học của nghệ sĩ và tạo điều kiện ở mức độ thấu cảm với lĩnh vực văn nghệ.

2) Khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn cuộc sống, gắn bó với nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hội VHNT cần tổ chức những cuộc đi thực tế ngắn ngày trong địa phương, đến với những địa chỉ đỏ, khu căn cứ cách mạng; những vùng sản xuất hiệu quả. Đây là công việc của lãnh đạo hội và lãnh đạo Tạp chí Văn nghệ. Bởi lẽ nếu lãnh đạo có tôn chỉ mục đích và khuyến khích văn nghệ sĩ viết về các lĩnh vực bám sát thực tiễn đời sống của người dân Sóc Trăng thì các văn nghệ sĩ sẽ có những phong trào, những xu hướng, những chuyến đi về nguồn. Cũng cần thấy rằng phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ở Sóc Trăng không nên chỉ nhìn nhận ở các giá trị truyền thống hay các giá trị đặc thù của các dân tộc thiểu số mà cần phải nhìn nhận các giá trị ấy đã thay đổi và phát triển như thế nào trong thời đại mới trong một xã hội có nhiều thay đổi và trong tương tác với các dân tộc khác. Trong văn hóa của Sóc Trăng nếu chỉ giữ khư khư những giá trị truyền thống của mỗi dân tộc và xem nó như một đặc thù, một báu vật thì nó sẽ mai một, nhưng nếu đặt văn hóa vào cuộc sống hôm nay với những va chạm, những giao thoa và thậm chí cả những xung đột thì văn hóa sẽ sống và phát triển. Chức năng của người nghệ sĩ là nhìn thấy và dự báo những hiện tượng đó cũng như định hướng để văn hóa có những phát triển theo hướng tích cực.

3) Xây dựng chế độ chính sách đối với văn nghệ sĩ, tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động chuyên môn. Huy động nguồn lực xã hội hóa trong hoạt động VHNT; xây dựng quy chế quản lý Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT trong từng giai đoạn để đầu tư cho các tác phẩm có chiều sâu, vươn tới đỉnh cao. Tiếp tục thực hiện giải thưởng VHNT tỉnh Sóc Trăng thường niên và 5 năm một lần. Hiện nay do đặc thù của hội thì chính sách đối với những người công tác trong văn phòng Hội VHNT thường được đánh đồng với các hội nghề nghiệp, không khuyến khích họ cống hiến suốt đời. Dĩ nhiên là, trong một cơ chế chung thì những hội nghề nghiệp dù đặc thù hay phong trào thì vẫn chịu sự kiểm soát của cơ chế tài chính chung. Tuy nhiên, đối với Hội VHNT, ngoài tư cách một hội nghề nghiệp thì hội còn có mối liên quan đến Tạp chí Văn nghệ, là một cơ quan báo chí chính thống của tỉnh thì việc cơ cấu lại con người trong Hội VHNT càng phải được xem xét kỹ lưỡng. Đối với quỹ đầu tư sáng tác và hỗ trợ VHNT được Trung ương phân bổ hàng năm, Ban Chấp hành Hội cần có những quy định những cơ chế thật rõ ràng để vừa tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm vừa có nguồn lực để đầu tư quảng bá sản phẩm. Về giải thưởng, nhất thiết phải tổ chức mỗi năm 1 lần dành cho các chuyên ngành, để rồi sau 5 năm, từ các giải thưởng ấy sẽ có giải thưởng của tỉnh; không nên để đợi đến cuối một nhiệm kỳ mới xét như lần thứ nhất này. Cách làm này được nhiều tỉnh, thành phố áp dụng hiệu quả.

4) Thường xuyên quan tâm công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng để văn nghệ sĩ nắm bắt kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, về VHNT nói riêng; tạo nền tảng cho tư duy, cảm xúc trong sáng tác các tác phẩm VHNT góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ biên tập viên Tạp chí Văn nghệ có tính chất mềm dẻo, linh hoạt nhưng cương quyết. Mềm dẻo trong việc tiếp nhận các loại tác phẩm, linh hoạt trong ứng xử các cách thể hiện đa dạng nhưng cương quyết với những tư tưởng phản động, lạc hậu. Trong nhiệm kỳ gần đây, việc tham gia các trại sáng tác hầu như chưa được thực hiện trong 3 năm qua. Dù với lý do gì đi chăng nữa thì việc văn nghệ sĩ không có cọ xát chuyên môn, thiếu huấn luyện, bồi dưỡng về nghiệp vụ thì chắc chắn sẽ có sự lạc hậu so với khu vực và toàn quốc. Nhiệm vụ này thuộc về lãnh đạo của Hội VHNT.

5) Nhiệm vụ cuối cùng quan trọng nhất để tạo nên chất lượng của tác phẩm cũng như số lượng trong thời gian tới là nâng cao vị thế Tạp chí Văn nghệ Sóc Trăng. Trong yêu cầu nâng cao này cần thực hiện 3 vấn đề:

Thứ nhất, cần xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí Văn nghệ Sóc Trăng trong mối quan hệ với Hội VHNT tỉnh Sóc Trăng. Đây là một trong ba cơ quan báo chí chính thống của tỉnh (bên cạnh Báo Sóc Trăng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh). Do đó cần kiện toàn đội ngũ thực hiện tờ tạp chí và cơ sở vật chất phục vụ cho tờ tạp chí này. Đồng thời, yếu tố con người cũng như kế hoạch hoạt động để tạo ra sản phẩm là Tạp chí Văn nghệ đúng theo yêu cầu của Luật Báo chí cũng như mục tiêu của tỉnh.

Thứ hai, trong thời gian trước mắt, tạp chí có thể dùng chung cơ sở vật chất với cơ quan hội VHNT nhưng phải tách biệt về phòng ốc, nhân sự và cơ chế làm việc. Hội VHNT với số lượng không cần quá nhiều, chủ yếu hướng về công tác vận động và công tác phát triển hội viên, cũng như tạo ra các phong trào bồi dưỡng cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Còn lại các công việc về chuyên môn, in ấn tác phẩm, tạo nguồn sản phẩm đầu ra thì Tạp chí Văn nghệ sẽ là bộ phận chuyên thực hiện việc đấy.

Cuối cùng, việc nâng cao hiệu quả Tạp chí Văn nghệ cũng cần có sự gắn kết chặt chẽ với Hội VHNT. Bên cạnh việc tăng cường cổ vũ văn nghệ sĩ sáng tác, hội cần tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật trong một thời gian dài (khoảng năm 5, tương đương một nhiệm kỳ). Cuộc thi tổ chức quy mô chỉ cho một thể loại cụ thể (chẳng hạn thi truyện ngắn, kí, thơ) sẽ thu hút sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ trong và ngoài tỉnh. Tác phẩm của cuộc thi này sẽ đăng tải lần lượt trong các số tạp chí văn nghệ, đây chính là một trong những nguồn để tác phẩm văn học có sức sống. Trên mỗi số tạp chí đều có một số trang dành cho cuộc thi để thu hút độc giả và tạo nét riêng của Sóc Trăng so với các tạp chí trong khu vực. Kinh phí khen thưởng vừa trích từ nguồn hoạt động của hội cùng với xã hội hóa để có thể sơ kết theo từng năm và tổng kết sau 5 năm. Khi làm như vầy, Tạp chí Văn nghệ cũng sẽ giảm việc chuyển tải những bài viết chính luận hay kiểu tin tức, phóng sự. Tạp chí Văn nghệ là nơi đăng tải tác phẩm văn học, nghệ thuật.

HUỲNH VŨ LAM

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: