• Văn hóa - Thể thao

Phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam: Cần thêm chính sách rộng mở, tích cực

14/03/2023 19:40 GMT +7
  • Nguồn: Báo Hànộimới
  • Thứ Ba, 14/03/2023 | 19:40

Chiều 14-3, tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam và Đông Nam Á”, ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các cơ quan quản lý, các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất phim, các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực điện ảnh trong và ngoài nước.

Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023), tiền thân của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh ngày nay.

Cuộc hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến của các đại diện điện ảnh trong nước và quốc tế.

Thúc đẩy sáng tạo tác phẩm điện ảnh thành công

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam khẳng định, công nghiệp điện ảnh là ngành mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa. Luật Điện ảnh có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà.

Tuy nhiên, từ khung pháp lý, để luật đi vào cuộc sống, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp và hiệu quả. Bởi vậy, việc trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, các nghệ sĩ, nhà làm phim thuộc các thế hệ của điện ảnh Việt Nam với các chuyên gia từ những nước đã có quá trình xây dựng công nghiệp điện ảnh từ nhiều thập kỷ và các nước gần gũi trong khu vực Đông Nam Á là rất bổ ích và thiết thực.

Tại phiên thảo luận thứ nhất “Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim”, các đại biểu tham gia đều cho rằng, để phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mũi nhọn, các chính sách của Nhà nước về tài trợ sản xuất phim, bảo hộ phim trong nước vô cùng quan trọng.

Là đạo diễn nhiều phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh khẳng định, việc Nhà nước đặt hàng và tài trợ sản xuất phim hằng năm tạo nên nhiều bộ phim hay cho điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc chọn lựa phim được Nhà nước hỗ trợ phải kỹ càng hơn.

“Chỉ đặt hàng một vài nhà làm phim hoặc lựa chọn từ kịch bản có sẵn để hỗ trợ sản xuất thì khó có phim hay. Các cơ quan quản lý nhà nước phải tổ chức các cuộc thi rộng lớn, huy động nhiều đối tượng tham gia, để “đãi cát tìm vàng”, chọn kịch bản tốt, những người làm phim tốt, mới tạo được những bộ phim thành công, hiệu quả”, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh nêu ý kiến. 

Cũng về vấn đề này, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Đỗ Duy Anh cho rằng, cần phải mở rộng đề tài phim Nhà nước đặt hàng hằng năm, không chỉ về đề tài thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số, mà đầu tư những phim đề cập đến những vấn đề đang được xã hội quan tâm, phim vừa mang tính giải trí, vừa bảo đảm tính nhân văn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay. Bên cạnh đó, các chính sách, văn bản dưới Luật Điện ảnh cần quan tâm hơn nữa đến việc phân phối, phổ biến phim.

“Nên phát triển hệ thống rạp chiếu phim, trung tâm chiếu phim ở các địa phương dành riêng cho phim Việt Nam, phim mới sản xuất để đưa tác phẩm điện ảnh đến với đông khán giả, đồng thời, có chính sách khuyến khích phát hành phim Việt Nam tại nước ngoài”, ông Đỗ Duy Anh đề xuất.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung cho biết, Cục đã tổ chức một số cuộc thi về kịch bản cho từng loại hình phim để tạo nguồn cho Nhà nước và các nhà sản xuất đầu tư, nhưng chưa được thường xuyên.

Bà Lý Phương Dung chia sẻ thêm, các chính sách “bắt tay” giữa Nhà nước và tư nhân cũng đang được các cơ quan quản lý nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sáng tạo những tác phẩm chất lượng cho điện ảnh Việt Nam.

Phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia

Tại hai phiên thảo luận với chủ đề “Chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim”, “Khuyến nghị về chính sách, biện pháp thúc đẩy sáng tạo và phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia”, các đại diện điện ảnh đến từ Đan Mạch, Indonesia, Thái Lan cùng nhiều nhà sản xuất, chuyên gia điện ảnh Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh của các nước ASEAN và trên thế giới, việc thu hút đầu tư quốc tế trong hoạt động điện ảnh, đào tạo và phát triển nhân lực, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh...

Trong đó, góp ý về việc quảng bá điện ảnh Việt Nam, thu hút sự quan tâm và đầu tư quốc tế vào điện ảnh nước ta, biên kịch, đạo diễn Phan Đăng Di - người có nhiều kinh nghiệm đưa phim Việt Nam ra thế giới, cho rằng, việc tham gia các liên hoan phim, hội chợ phim quốc tế uy tín sẽ tạo nhiều cơ hội giới thiệu, hợp tác sản xuất phim.

Đạo diễn Phan Đăng Di đặt vấn đề: “Việt Nam vẫn chưa thường xuyên tham gia các liên hoan phim, hội chợ phim quốc tế và khu vực. Đặc biệt, tại các sự kiện điện ảnh quốc tế đều chưa có gian hàng quốc gia giới thiệu về điện ảnh Việt Nam một cách chính thống và bài bản, cung cấp thông tin về tác phẩm điện ảnh Việt, các bối cảnh làm phim, điều kiện làm phim, chính sách ưu đãi trong hợp tác sản xuất phim… để các nhà làm phim nước ngoài biết đến và xúc tiến hợp tác”. Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng nên có sự quan tâm đến vấn đề này từ Cục Điện ảnh, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, sau khi Luật Điện ảnh với nhiều điểm mới, tiên tiến, tiến kịp với điện ảnh quốc tế đi vào đời sống, việc xây dựng những chính sách hỗ trợ để triển khai hiệu quả, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, xây dựng công nghiệp điện ảnh là rất cần thiết.

Trong đó, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, việc hợp tác công tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa vào hoạt động sản xuất phim, phổ biến, phát hành, quảng bá, hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực... là vô cùng quan trọng và sẽ được các cơ quan quản lý xúc tiến, xây dựng, triển khai phù hợp. Cùng với đó, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc khuyến khích, có chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất phim tại địa phương.

Qua những phân tích, giải pháp cụ thể, thiết thực, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nghệ sĩ sáng tạo, các nhà làm phim Việt Nam và Đông Nam Á có thêm nhiều thông tin tham khảo để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh ở mỗi nước và cùng nhau tạo sự phát triển chung của điện ảnh khu vực.

An Nhi/Báo Hànộimới

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: