• Văn hóa - Thể thao

Nghệ nhân nhân dân Đồng Hoàng Nam

Tiếng tơ đồng không bao giờ dứt

28/11/2021 04:03 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 28/11/2021 | 04:03

STO - Nghệ nhân nhân dân Đồng Hoàng Nam (Út Quắn) là 1 trong 4 nghệ nhân nhân dân về lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian (đờn ca tài tử Nam Bộ) đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng. Tuổi trẻ, ông đi khắp bốn phương để trui rèn và truyền dạy cho bao lớp học trò về đờn ca tài tử. Tuổi xế chiều, Nghệ nhân nhân dân Đồng Hoàng Nam vẫn như con tằm nhả sợi tơ vàng, giữ lửa phong trào đờn ca tài tử mãi trường tồn.

Mọi người quen gọi nghệ nhân cái tên dễ nhớ “Út Quắn”. Xuất thân trong gia đình nhạc lễ ở xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) nên ông sớm bén duyên với đờn ca tài tử (năm ông 13 tuổi). Nghệ nhân Đồng Hoàng Nam tâm tình: “Ông già chú dạy nhạc lễ nhưng ông cho chú học chữ nho, chú thì lại ham đờn ca. Lúc ông dạy học trò, chú quan sát rồi nhớ cách đánh đờn, đánh trống. Có lần, tranh thủ lúc mọi người ăn cháo khuya, chú vô đánh trống, đờn, học trò của ông già chú thấy vậy bảo là cậu út con của thầy có năng khiếu lắm, truyền nghề được rồi. Nghe vậy, ông già chú cho chú theo học ông giáo Dạn ở xã Mỹ Quới (nay thuộc TX. Ngã Năm, Sóc Trăng) dạy các loại đàn, trong đó thầy dạy đàn tranh, đàn kìm rất giỏi; rất nhiều người ở các tỉnh miền Tây tụ hội tìm thầy dạy”.

Nghệ nhân nhân dân Đồng Hoàng Nam độc tấu đàn kìm (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp). Ảnh: THẾ BẰNG

Lúc trẻ, đôi chân ông không biết mỏi, ông đi dạy đờn khắp nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh. Với tài năng và kinh nghiệm của mình, ông được điều động về làm nhạc trưởng Đoàn Cải lương Chuông Vàng của tỉnh Sóc Trăng. Sau giải phóng, ông được phân công làm Trưởng Đoàn Cải lương Hậu Giang 2, Trưởng Đoàn Văn công Sông Hậu, Trưởng Đoàn Cải lương Tây Đô (Cần Thơ). Ông đã soạn, dựng trên 35 tuồng cải lương, các tuồng ông dựng được đoàn diễn đi diễn lại nhiều lần, khán giả rất yêu thích. Về soạn tuồng, Nghệ nhân Đồng Hoàng Nam chia sẻ: “Chú thấy cốt truyện trong sách báo, tiểu thuyết hay thì chú dựa theo cốt truyện soạn tuồng, ngoài giữ nguyên nhân vật chính thì thêm những nhân vật phụ tạo tình tiết tuồng sôi động. Như tuồng Đứa con không tên chú dựa vào tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh”.

Trên tường nhà ở phòng khách của ông treo, dựng đầy đủ các nhạc cụ trong đờn ca tài tử. Đưa tay chỉ từng nhạc cụ, ông liệt kê đây là đàn tranh, đàn kìm, đàn cò, đàn guitar, đàn violon, đàn sến, đàn tam... Dừng tay trước cây đàn violon, Nghệ nhân nhân dân Đồng Hoàng Nam chậm rãi: “Khó học nhất là cây đàn violon. Đây là cây đàn có tuổi đời lâu năm nhất trong các cây đàn chú có. Cây đàn này của một học trò đã hy sinh trong chiến tranh ở tuổi 22. Đến khi đất nước giải phóng, con của người học trò mới đem gửi tặng cây đàn cho chú”.

Khi nhắc đến phong trào đờn ca tài tử, Nghệ nhân Đồng Hoàng Nam cho rằng: “Đờn ca tài tử đã ăn vào máu thịt của quần chúng. Tiếng đờn, tiếng hát đan xen nhau trong các dịp đám tiệc, có khi là buổi sinh hoạt của những người cùng đam mê, câu lạc bộ. Khi chú đi đâu dạy đờn ca, thấy học trò khá khá là chú tập hợp lại thành lập các câu lạc bộ đến đó. Nói tóm lại, nơi nào có đờn ca tài tử trong tỉnh hay ngoài tỉnh đều có chú tham gia”. Chia sẻ thêm, ông khiêm tốn: “Chú nhiều lần cùng đoàn tỉnh Sóc Trăng tham gia hội thi, liên hoan trong khu vực, toàn quốc, đoàn tỉnh Sóc Trăng đạt huy chương vàng nhiều lần. Được anh em trong nghề khen ngợi. Chú thấy rất vinh dự. Nhưng chú cũng thấy tuy mình làm nhiều nhưng mình góp phần quá nhỏ, chú thấy nhiều người có đóng góp nhiều hơn mình. Và tự nhắc bản thân cố gắng nhiều hơn”.

Với nhiều đóng góp cho nghệ thuật trình diễn dân gian (đờn ca tài tử Nam Bộ), ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2015. Đến năm 2019, ông được tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân.

Ở tuổi 84, ông vẫn chăm truyền dạy đờn ca tài tử cho những người yêu thích bộ môn này. Ông còn là Chủ nhiệm của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Sông Trăng, câu lạc bộ là nơi sinh hoạt, trao đổi của những nghệ nhân, nghệ sĩ kỳ cựu và lực lượng hậu bối của đờn ca tài tử. Vừa trò chuyện, ông cũng tranh thủ hát mấy câu mà ông tâm đắc. Trong phòng khách của ông giản dị với mấy cây đàn, dàn loa, bộ bàn ghế, trên tường trang trí bằng bản danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân; Huy hiệu 40 năm, 45 năm tuổi Đảng; bằng khen và giấy khen. Ông xem đó là tài sản vô giá, ông đã sống trọn với đam mê và sự yêu thích đối với đờn ca tài tử. Với ông, tiếng tơ đồng không bao giờ dứt, ông đã truyền dạy cái tài hoa đờn ca cho thế hệ này đến thế hệ khác, cứ tiếp nối mãi về sau.

THẾ BẰNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: