• Văn hóa - Thể thao

Xóm nhỏ yêu thương

27/09/2022 05:24 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 27/09/2022 | 05:24

STO - Con đường về nhà ngoại của tôi chỉ là con lộ trải đá, dù có tên đường nhưng dân địa phương quen gọi đường lò bún vì trên đường này có nhiều lò bún. Thời đó, các công đoạn làm bún, các lò nhỏ đều làm bằng thủ công. Tôi biết được điều này vì thường được mẹ tôi sai đến lò mua bún. Tôi theo dõi các chú giã bột thình thịch bằng cối đá. Góc bên này bột được ép ra sợi bún chảy xuống nồi nước nóng phía dưới, khi bún chín nổi lên mặt nước, người ta vớt ra để vào thau nước lạnh, các cô sẽ lấy thau bún này vắt thành từng con bún xếp gọn gàng trong thúng để giao cho mối hàng. Những sợi bún ngắn không bắt được con bún sẽ làm thành bún vụn. Ở gần lò bún, dân trong xóm thường mua bún vụn về ăn vì nó rẻ, loại bún vụn mới ra lò ăn cũng ngon.

Ngày nay, xóm lò bún không còn nhiều lò. Người nào còn trụ lại với nghề đầu tư máy móc, các công đoạn phần lớn không còn làm thủ công như trước nữa. Cũng ngộ, ngày trước ai hỏi tôi nhà ở đường nào, chỉ cần nói ở đường lò bún là người ta đều biết dù có tên đường là Nguyễn Tri Phương (nay là Điện Biên Phủ). Tên xóm lò bún ngày nay ít người gọi. Nhớ lại dân cư hồi đó khá đông, nhà san sát. Bà con cùng nhau sống thuận thảo, giúp đỡ nhau khi gia đình có hữu sự. Cuộc sống của người dân địa phương bình lặng ít tranh đua, trọng nhơn nghĩa, còn ít nhiều chất quê mộc mạc.

Nhớ biết mấy những con người của những ngày xưa. Sáng nào tôi cũng thấy dì Tư gánh xôi đi ngang nhà rất sớm. Gánh xôi nhỏ nhoi ấy nhưng nuôi sống cả gia đình. Sau đó là những gánh bún, gánh cháo của các dì khác với giá bán bình dân phù hợp với túi tiền người lao động. Tiếng rao làm khung cảnh buổi sáng thêm ấm áp. Tôi nhớ bác Tiều ở xóm trên thường qua lại trên chiếc xe đòn cũ kỹ, ông quan sát thấy chỗ nào có thể gây nguy hiểm cho người đi đường là mang dụng cụ đến sửa lại cho bằng phẳng. Những con người cũ đã trở thành quá khứ nhưng những hình ảnh quen thuộc ấy vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi.

Ông bà ngoại tôi là một trong những người cố cựu của xóm. Ngôi nhà được xây cất vào năm 1930. Tôi lớn lên trong ngôi nhà này với tuổi thơ êm đẹp nên có biết bao kỷ niệm buồn vui. Tôi yêu xóm nhỏ của tôi lắm, có đi đâu xa vẫn nhớ. Tình thương của ông bà dành cho con cháu vô bờ bến. Tôi thấm thía nỗi buồn đó khi ông bà tôi không còn nữa.    

Tôi là người sinh trưởng và lớn lên ở đây, sau này sống ở nơi khác thỉnh thoảng trở về cũng thấy lạ. Xóm cũ của tôi bây giờ thay đổi nhiều lắm. Con đường cũ năm nào đã được trải nhựa, dãy nhà dưới mé sông đã được giải tỏa để làm bờ kè. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, khu này đã trở thành phố thị, đâu còn là vùng ngoại ô buồn như hồi nửa thế kỷ trước.

Thấm thoát tôi rời xa xóm lò bún đã gần 50 năm. Tôi luôn xem nơi đây là chốn yêu dấu của đời mình. Từng thế hệ nối tiếp nhau, lớp này mất đi, lớp khác thay thế. Diện mạo của một vùng đất thay đổi theo thời gian để thích ứng với cái mới. Xóm nhỏ thân yêu của tôi cũng nằm trong quy luật đó. Có lúc tôi chạnh nghĩ, rồi vài chục năm nữa nơi này sẽ ra sao, lứa tuổi chúng tôi sẽ không còn để nhìn thấy điều đó. Cuộc sống ngày càng mới, cuộn chảy không ngừng.

TUẤN BA

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: