Ấm áp tình xuân

24/01/2023 04:23 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 24/01/2023 | 04:23

STO - Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng, giữ gìn. Bởi có được cuộc sống ấm no, sung túc như hôm nay, các thế hệ cha ông ta đã phải hy sinh biết bao xương máu để giành độc lập. Phát huy đạo lý đó, tỉnh Sóc Trăng đã huy động mọi nguồn lực, ra sức thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, đảm bảo cho từng gia đình chính sách “Yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần”.

Trân trọng ghi công

Tháng 10/2022 vừa qua, nhằm tri ân những người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đáp ứng nguyện vọng của người có công mong muốn được đến Hà Nội vào Lăng viếng Bác Hồ, tham quan Thủ đô và thăm các cơ quan Trung ương, tỉnh Sóc Trăng tổ chức đưa đoàn người có công tham quan tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Trong không khí háo hức, vui mừng của các cô, các chú trước giờ xuất phát, đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đến chung vui, thăm hỏi ân cần, tặng quà, chúc sức khỏe từng người. Từng gương mặt dù đã hằn lên nhiều dấu vết thời gian, có người thậm chí còn không được lành lặn vì phải mất đi phần thân thể do bom đạn chiến tranh nhưng ai ai cũng tươi cười, háo hức vì được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Chú Nguyễn Hoàng Bé Ba, ngụ xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) không giấu được niềm vui, chia sẻ với chúng tôi: “Chú là thương binh hạng 2/4, đi lại cũng không mấy dễ dàng nhưng được đi tham quan Thủ đô Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác Hồ, rồi tham quan một số di tích, danh lam thắng cảnh của Thủ đô, chú thấy rất phấn khởi trước sự quan tâm của anh em, đã không quên những người có công với cách mạng”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc ân cần thăm hỏi, tặng quà cho các cô chú trong đoàn người có công tham quan Thủ đô Hà Nội. Ảnh: MAI KHÔI

Toàn tỉnh hiện có hơn 53.000 người có công; trong đó, thương binh hơn 6.500 người; liệt sĩ 15.325 người; người thờ cúng liệt sĩ hơn 10.000 người; người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương 6.296 người; người có công giúp đỡ cách mạng gần 9.000 người... Có thể nói, thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân những người có công với cách mạng. Theo đó, ngoài việc thường xuyên thăm hỏi gia đình chính sách, trợ cấp ưu đãi đối với người có công, tỉnh cũng đã quan tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tổ chức điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người có công; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng. Hay gần đây nhất là hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19... Thông qua đó, đã giúp cho đời sống, tinh thần người có công và thân nhân được nâng lên, góp phần thực hiện đạt mục tiêu đảm bảo cho gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Nhằm tri ân những hy sinh thầm lặng mà vô cùng cao cả, thiêng liêng của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện hơn 100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Hàng năm, nhân dịp lễ, Tết, cấp ủy, chính quyền các cấp đều đến thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND tỉnh đến các mẹ.

Tiên phong, gương mẫu

Phát huy truyền thống cách mạng, từng gia đình chính sách luôn nêu gương trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt luôn tiên phong trong các phong trào hoạt động ở địa phương, nhất là tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đáng kể vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nông thôn mới nâng cao.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Tạ Thị Hồng My - Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) cho biết: “Lâm Tân là một trong những địa phương phải chịu nhiều mất mát do bom đạn chiến tranh; được công nhận là xã an toàn khu năm 2022. Tuy nhiên, bằng sự chung sức, chung lòng, người dân nơi đây, trong đó có những gia đình chính sách đã góp phần tích cực để địa phương ngày càng phát triển. Vì vậy, Lâm Tân đã được công nhận là xã nông thôn mới từ năm 2015 và dự kiến được công nhận xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.

Cô Dương Thị Tư (bìa phải) trò chuyện cùng lãnh đạo UBND xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) trong việc vận động người dân thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ảnh: MAI KHÔI

Thời gian qua, thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng ủy, UBND xã Lâm Tân thường xuyên quan tâm chăm lo cho gia đình chính sách, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó, thực hiện theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2018 đến nay, đã xây dựng mới 79 căn, sửa chữa 40 căn nhà tình nghĩa. Theo đồng chí Tạ Thị Hồng My, bên cạnh sự hỗ trợ, quan tâm của chính quyền các cấp, từng gia đình chính sách luôn tự vươn lên làm kinh tế, tăng thu nhập gia đình như: cải tạo vườn tạp, chăn nuôi, trồng màu… nhiều gia đình chính sách xây dựng được mô hình kinh tế bền vững. Điển hình như hộ cô Dương Thị Tư, ấp Tân Nghĩa, xã Lâm Tân, cô được nhân dân chọn là người có uy tín của ấp, thành viên mặt trận Tổ quốc xã, hội viên cựu chiến binh… Ngoài thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cô thường xuyên đỡ đầu cho hộ nghèo, cận nghèo của ấp, giúp họ chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, cô còn xung phong hiến đất làm đường, vận động bà con làm cầu; hỗ trợ ấp xây dựng tuyến đường thắp sáng, tuyến đường hoa kiểu mẫu… Từ những việc làm đó, góp phần để địa phương thực hiện xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong thời gian sớm nhất.

Trong cơn gió se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà cô Dương Thị Tư. Trò chuyện cùng chúng tôi là người phụ nữ đã ngoài 70 nhưng vẫn còn hết sức rắn rỏi. Tận tay cắt tỉa những cành cây kiểng chuẩn bị đón xuân, cô Tư vui vẻ kể cho chúng tôi nghe chuyện của mấy chục năm về trước. Năm 1974, khi con gái chỉ mới hơn 10 tháng tuổi, cô đột ngột hay tin chồng hy sinh trong một trận chiến ác liệt. Nén nỗi đau, cô một mình nuôi con thơ dại, thờ chồng. Nhờ chí thú làm ăn, từ vài công đất ít ỏi ban đầu, nay gia đình cô đã có trên 100 công đất ruộng, nuôi hơn chục con bò sinh sản đều đặn. Đáng mừng hơn, 3 đứa cháu ngoại của cô đều được học hành đến nơi đến chốn. Khẽ dừng tay, cô Tư hồi tưởng: “Hồi đó, trăm bề khó khăn, làm ruộng thì thất bát, cô phải nhổ năn, bông súng rồi chầm lá bán kiếm tiền nuôi con. Cuối cùng thì cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn. Giờ mình có cuộc sống ổn định rồi thì phải giúp đỡ, hỗ trợ bà con nào còn khó, góp phần cho địa phương ngày càng phát triển”.

Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng sự mất mát bởi bom đạn chiến tranh thì vẫn còn dư âm mãi. Đó là sự nhắc nhở thế hệ sau không được phép lãng quên và mãi trân trọng, tri ân những người đã dâng trọn đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc. Càng vui hơn, khi những gia đình chính sách ấy luôn nỗ lực vươn lên, phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, tinh thần thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

MAI KHÔI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: