Cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội

23/05/2022 11:49 GMT +7
  • Nguồn: Báo Nhân Dân Điện tử
  • Thứ Hai, 23/05/2022 | 11:49

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội có rất nhiều nội dung tiến bộ, tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước quốc tế và khuyến nghị của ILO. Vì thế, việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo hiểm xã hội tại Nghị quyết số 28-NQ/TW cần được triển khai thông qua việc sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản luật có liên quan theo lộ trình phù hợp điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó có Luật Bảo hiểm xã hội.

Ông Robert J.Palacios, Chuyên gia trưởng lĩnh vực an sinh xã hội khu vực Đông Á-Thái Bình Dương tham vấn ý kiến tại cuộc tọa đàm. (Ảnh TRUNG TÂM)

Qua hơn bảy năm thi hành, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng-hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. 

Sự cần thiết phải sửa đổi luật

Tại Tọa đàm tham vấn ý kiến quốc tế về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức vừa qua, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, khi nghiên cứu hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận thấy một số nội dung cần được làm rõ và điều chỉnh trong dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này và những nội dung này rất cần những ý kiến đóng góp của các chuyên gia quốc tế có chuyên môn và am hiểu về bản chất của hệ thống an sinh xã hội trên toàn cầu.

Chia sẻ về nhận định này, ông Robert J.Palacios, Chuyên gia trưởng lĩnh vực an sinh xã hội khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cũng khẳng định, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội là rất quan trọng và rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam hiện là quốc gia châu Á đang già hóa nhanh nhất, thậm chí nhanh hơn cả Nhật Bản và Trung Quốc cho nên vấn đề bao phủ bảo hiểm xã hội cũng như các chế độ cần phải xử lý khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Vì vậy, cùng với Nghị quyết số 28 thì Việt Nam cũng cần các biện pháp chủ động để tăng tỷ lệ người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, nếu không Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng “già trước khi giàu”. 

Bên cạnh đó, hiện nay một số chế độ bảo hiểm xã hội đang được quy định tại các luật khác như: chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Việc làm; chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Luật An toàn vệ sinh lao động…, vì vậy cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để có sự thống nhất. 

Sửa luật để bao phủ bảo hiểm xã hội bền vững

Về vấn đề mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội và thực trạng tại Việt Nam, ông Christophe Lemiere, Quản lý Chương trình phát triển con người tại Việt Nam cho rằng, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Việt Nam thấp là do quy định thời gian tối thiểu hưởng lương hưu dài (20 năm). Việt Nam cũng là nước duy nhất cho phép người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, từ đó làm tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, đồng thời Nhà nước phải hỗ trợ thu nhập cho số lượng lớn người dân là người cao tuổi không tham gia vào hệ thống an sinh xã hội.

Theo ông Christophe Lemiere, nếu Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mở rộng nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tất cả người lao động làm công (khu vực công, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh) thì số người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội tại Việt Nam sẽ  tăng theo. “Để chính sách bảo hiểm xã hội phát triển bền vững, Chính phủ cần tăng diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, hạn chế số người rút bảo hiểm xã hội một lần, hỗ trợ từ 30% đến 50% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nhóm người nghèo thì mới có thể đạt mục tiêu 60% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2030”. 

Nghị quyết số 28 đưa mục tiêu đến năm 2025 có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội (trong đó 2,5% tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện); đến năm 2030 có 60% tham gia bảo hiểm xã hội (trong đó 5% tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện). 

“Do vậy, để đạt mục tiêu nêu trên cần mở rộng đối tượng làm việc không theo hợp đồng lao động, có công việc ổn định, có thu nhập, có sự ràng buộc trách nhiệm giữa người nhận công việc, nhận thù lao và người giao việc, trả thù lao; quy định các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo lộ trình mở rộng dần và giao Chính phủ quy định bảo đảm cân đối và phù hợp thu nhập từng thời kỳ; bổ sung chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Đinh Thu Hiền đề xuất.

Tại buổi tọa đàm, các thành viên tổ xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội và các chuyên gia Ngân hàng Thế giới trao đổi, thảo luận làm rõ những vấn đề liên quan... Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho biết, những kinh nghiệm của các quốc gia trong phát triển bảo hiểm xã hội của các chuyên gia cũng như những chia sẻ cụ thể về nguồn lực kinh tế khi hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (xác định % trên GDP) có ý nghĩa rất lớn cho các cấp có thẩm quyền ở Việt Nam…, đó sẽ là những gợi mở, đề xuất nhằm phát triển, tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội tại Việt Nam trong thời gian tới.

THẢO AN/Báo Nhân Dân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: