Đề xuất Bí thư cấp ủy trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội

25/05/2022 14:47 GMT +7
  • Nguồn: Báo SGGP Online
  • Thứ Tư, 25/05/2022 | 14:47

Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã kiến nghị và được sự đồng ý của Ban Bí thư về việc xây dựng và ban hành Chỉ thị của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

Hội nghị MTTQ sáng 25-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ngày 25-5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì hội thảo chuyên đề “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu, thực hiện chủ trương của Đảng, kể từ khi ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 Bộ Chính trị khóa XI, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác và triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo hướng thiết thực, hiệu quả. Sau 8 năm, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo đánh giá tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thì chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn chưa đều với nhiều hạn chế, tồn tại cụ thể, chưa đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của nhân dân.

Trong số nguyên nhân chính khiến công tác giám sát, phản biện xã hội chưa đạt yêu cầu, theo ông Lê Tiến Châu là do thiếu nhiều cơ chế thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội (chưa có Luật về hoạt động giám sát của nhân dân; chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội; cơ chế tiếp thu, phản hồi ý kiến sau giám sát, phản biện xã hội; cơ chế để phát huy trí tuệ các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội…). Cùng với đó, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội còn chưa đồng đều, chưa có bộ máy cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác giám sát, phản biện xã hội.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trước tình hình đó, năm 2022, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã kiến nghị và được sự đồng ý của Ban Bí thư về việc xây dựng và ban hành chỉ thị của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, trong giải pháp nâng cao lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội mà dự thảo đề ra, có ý kiến cho rằng, cần thiết quy định Bí thư cấp ủy trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội, gắn trách nhiệm của cấp ủy Đảng, người đứng đầu với kết quả công tác giám sát, phản biện xã hội của địa phương.

Về giải pháp hoàn thiện thể chế, cơ chế thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết ban hành luật về hoạt động giám sát của nhân dân. Có cơ chế về điều kiện bảo đảm nguồn nhân lực và kinh phí để huy động trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn tham gia vào hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Cần ban hành quy chế về tiếp thu, phản hồi, giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể…

Tại hội thảo, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tâm tư, “với bộ máy làm công tác giám sát, phản biện xã hội hiện nay của MTTQ thì để nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội là rất khó”. Do đó, phải tăng cường huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, những người có uy tín vào công tác giám sát, phản biện xã hội. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng đồng tình, cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội phải là những người có trình độ, am hiểu cả về chuyên môn và luật pháp, có bản lĩnh, dám nói, dám đấu tranh, nếu cán bộ làm công tác này mà chỉ biết đọc báo cáo thì không thể hiệu quả…

Ông Đỗ Duy Thường cho rằng, đội ngũ cán bộ MTTQ hiện nay còn mỏng cả về số lượng và chuyên môn, do đó giám sát chưa đến nơi đến chốn, phản biện cũng chưa đến đầu đến đũa. Phản biện xã hội của MTTQ hiện nay thực chất chỉ là góp ý. Cũng chưa có một quy trình thống nhất về giám sát, phản biện xã hội, trên Trung ương làm một kiểu, xuống cơ sở làm một kiểu; do đó, cần có luật về giám sát và phản biện xã hội, luật giám sát của nhân dân. “Chúng ta cứ nói giám sát của dân nhưng chưa rõ cơ chế”, ông Đỗ Duy Thường nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và một số ý kiến cho rằng, MTTQ cần giám sát, phản biện đối với các tổ chức Đảng, đảng viên. Vấn đề này đã từng được đặt ra từ lâu, rất cần triển khai. Giám sát, phản biện xã hội cần gắn với hơi thở cuộc sống, gắn với quyền lợi thiết thân của nhân dân thì mới có sức thuyết phục. “Phạm vi giám sát cũng chỉ nên tập trung vào các chương trình, dự án, đề án được đầu tư xây dựng trực tiếp tại cộng đồng, có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân ở cộng đồng. Làm ít nhưng đến nơi đến chốn, đi đến tận cùng vấn đề thì sẽ tạo được niềm tin trong dân”, ông Nguyễn Văn Pha phát biểu. 

PHAN THẢO/Báo Sài Gòn Giải Phóng

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: