Giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng

21/11/2021 04:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 21/11/2021 | 04:00

STO - Những năm qua, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) đã triển khai nhiều mô hình trợ giúp những người sau cai nghiện ma túy, trong đó có Phường 6 đã xây dựng mô hình “Tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện”. Mô hình đã và đang hoạt động tích cực, thường xuyên và có hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; đồng thời tạo điều kiện, cơ hội cho người nghiện từ bỏ con đường lầm lỡ làm lại cuộc đời mới.

Phường 6 nằm ở trung tâm của TP. Sóc Trăng, có 6 khóm, với 49 tổ dân phố, có 2.693 hộ, với 13.564 khẩu, gồm 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa sống đan xen nhau. Thời gian qua, trên địa bàn Phường 6, tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn diễn ra. Để giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn phường, tháng 6-2013, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Sóc Trăng phối hợp với UBND Phường 6 xây dựng mô hình “Tái hòa nhập cộng đồng cho những người sau cai nghiện”. Sau đó, Chủ tịch UBND Phường 6 đã quyết định thành lập Ban Chủ nhiệm hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện, với 3 thành viên gồm: Phó Chủ tịch UBND làm chủ nhiệm, các thành viên là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường và Trưởng Ban nhân dân Khóm 2. Ban chủ nhiệm chọn một vài người sau cai nghiện đã hoàn lương làm thành viên tiếp cận cộng đồng.

Trụ sở Ban nhân dân Khóm 2, Phường 6, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) là điểm hỗ trợ cho người sau cai nghiện. Ảnh: K.N

Điểm hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện đặt tại Ban nhân dân Khóm 2. Tại đây, Ban chủ nhiệm phân công 1 tư vấn viên thường xuyên trực tại điểm tư vấn để tiếp nhận, hỗ trợ, tư vấn cho người sau cai nghiện khi đến liên hệ. Ban chủ nhiệm đã tiến hành xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện mô hình “Tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện”. Đồng thời còn thành lập nhóm tự lực và xây dựng quy chế cho nhóm tự lực, ấn định ngày sinh hoạt định kỳ hàng tháng cho nhóm. Định kỳ hàng tháng, tổ chức họp giao ban giữa Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội TP. Sóc Trăng và Ban chủ nhiệm mô hình.

Qua công tác tuyên truyền, tư vấn, tiếp cận cộng đồng, điểm hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đã thành lập nhóm tự lực 6 thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt định kỳ 2 lần/tháng. Hoạt động của nhóm tự lực dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ và điều hành của tổ tư vấn và hoạt động theo quy chế của nhóm. 

Qua 8 năm hoạt động, tổ tư vấn đã tiếp cận và tư vấn cá nhân tại điểm hỗ trợ gần 500 lượt người và tư vấn đến gia đình có người cai nghiện trên 70 lượt. Tổ chức 40 buổi nói chuyện chuyên đề, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, có trên 440 lượt người dự. Ban chủ nhiệm còn giới thiệu nhiều trường hợp sau cai nghiện vay tín chấp từ nguồn vốn dành cho hộ cận nghèo để mua bán, chăn nuôi cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, Ban chủ nhiệm mô hình tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện còn thường xuyên tuyên truyền đến nhân dân, người sau cai nghiện và những trường hợp có nguy cơ cao về nghiện ma túy hiểu những tác hại của việc sử dụng chất ma túy; tư vấn cho người sau cai về hoạt động ở các điểm hỗ trợ, giúp người sau cai nghiện có đủ tự tin vươn lên trong cuộc sống, bỏ con đường nghiện ma túy, phục hồi sức khỏe, nhân cách để hòa nhập cộng đồng.

Em H.Th, ngụ Khóm 2, Phường 6, TP. Sóc Trăng bộc bạch: “Em bỏ học sớm, chơi chung với bạn bè xấu và em đã nghiện ma túy. Sau khi cai nghiện xong trở về địa phương, em được các thành viên của mô hình tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện, cảnh sát khu vực, đoàn thể địa phương quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện vay vốn để làm ăn nhằm ổn định cuộc sống”.

Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Tiêu Văn Thấn - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân Khóm 2, Phường 6 chia sẻ: “Khóm 2 được chọn làm điểm hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện từ 8 năm qua. Vì vậy, trụ sở khóm thường xuyên có người trực để tiếp nhận, hỗ trợ, tư vấn cho người sau cai nghiện khi đến liên hệ. Qua quá trình tư vấn, những người này có sự cởi mở tâm sự về đời tư, chuyện gia đình, con đường dẫn tới việc sử dụng ma túy. Mối quan hệ giữa chúng tôi với người sau cai nghiện dần thân quen, họ không còn e dè, cảnh giác với cán bộ làm tư vấn như trước đây. Hiện nay, trên địa bàn khóm có 6 trường hợp từng nghiện hút ma túy, nhưng đều được cai nghiện và hòa nhập tốt với cộng đồng”.

Đồng chí Phạm Hồng Phượng - Phó Chủ tịch UBND Phường 6, Chủ nghiệm mô hình cho biết: “Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội TP. Sóc Trăng, Đảng ủy, UBND Phường 6 cùng sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể phường đã tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình hoạt động. Các tư vấn viên và nhân viên tiếp cận cộng đồng đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu tài liệu, cộng với kinh nghiệm thực tế công tác, nhiệt tình tuyên truyền, tiếp cận tư vấn cho người sau cai nghiện và gia đình, giúp cho họ và gia đình có nhận thức đúng đắn hơn về tác hại của ma túy, giúp họ sẵn sàng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình. Mô hình ra đời là chỗ dựa, giúp người sau cai nghiện có niềm tin, phần nào giúp họ xóa đi mặc cảm đối với xã hội, tạo được sự đồng thuận của gia đình và bản thân người sau cai nghiện”.

K.N

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: