Nỗ lực thực hiện có hiệu quả lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

06/02/2023 04:44 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 06/02/2023 | 04:44

STO - Năm 2022, bằng sự nỗ lực của tập thể, ngành lao động - thương binh và xã hội các cấp trong tỉnh Sóc Trăng đã gặt hái nhiều kết quả khích lệ trong công tác lao động, người có công và xã hội. Để tìm hiểu cụ thể hơn về những kết quả này, chúng tôi đã trao đổi cùng đồng chí Võ Thanh Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phóng viên: Thưa đồng chí, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành phải kể đến là công tác người có công với cách mạng, đồng chí có thể đánh giá công tác này năm qua đã được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Võ Thanh Quang: Có thể nói, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, mọi cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện. Vì vậy, ngành luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, tham mưu thực hiện các hoạt động, cũng như giải quyết kịp thời các chế độ chính sách cho người có công với cách mạng. Năm 2022, ngành đã tiếp nhận, xét duyệt và giải quyết 975 hồ sơ mai táng phí; trợ cấp một lần cho 231 trường hợp; trợ cấp hàng tháng cho 32 trường hợp; cấp thẻ các loại cho 89 trường hợp; có văn bản đề nghị truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 7 trường hợp… Bên cạnh đó, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức tốt các hoạt động tri ân, thăm hỏi người có công và gia đình nhân dịp tết Nguyên đán và Hội nghị họp mặt người có công nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022); tổ chức đưa đoàn người có công đi tham quan tại Thủ đô Hà Nội; đưa 328 người có công đi điều dưỡng tập trung tại các trung tâm điều dưỡng người có công.

Phóng viên: Đối với lĩnh vực lao động và xã hội được thực hiện ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Võ Thanh Quang: Thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 1.379 lượt doanh nghiệp, kinh phí thực hiện 29 tỷ đồng; hỗ trợ 14.270 hộ kinh doanh, kinh phí thực hiện trên 42 tỷ đồng; hỗ trợ cho 281.179 người lao động, kinh phí thực hiện 348 tỷ đồng (trong đó, lao động tự do được hỗ trợ 122.444 người với kinh phí trên 183 tỷ đồng). Toàn tỉnh cũng đã giới thiệu, tạo việc làm cho 30.028 lao động, đạt 109,19% kế hoạch (trong đó người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 228 người, đạt 103,64% kế hoạch). Trong năm 2022, thực hiện tuyển sinh, đào tạo cho 16.637 người (đạt tỷ lệ 103,98% so với kế hoạch năm) ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng.

Thực hiện trợ giúp bảo trợ xã hội thường xuyên cho 45.198 đối tượng bảo trợ xã hội, với kinh phí thực hiện gần 200 tỷ đồng; chăm lo tốt cho các đối tượng là trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; hoàn thành việc chuẩn hóa cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội. Năm qua, số lượng trẻ em bị đuối nước, tai nạn thương tích giảm so với năm 2021. Ngành cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ tiền ăn cho người dân từ vùng dịch trở về địa phương phải cách ly y tế tập trung và tại nhà của các huyện, thị xã, thành phố, kết quả đã hỗ trợ cho 82.795 người với số tiền trên 85 tỷ đồng.

Hoàn chỉnh hồ sơ rà soát, xác định xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đặc biệt, ngành đã phối hợp các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022; qua đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 4,54% (giảm 2,19%), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm 3,01% so với năm 2021.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc thăm hỏi người có công của tỉnh. Ảnh: MAI KHÔI

Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lao động, người có công và xã hội của tỉnh còn những hạn chế, khó khăn gì?

Đồng chí Võ Thanh Quang: Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, chúng tôi cũng nhìn nhận việc thực hiện nhiệm vụ công tác của ngành cũng còn một số hạn chế. Trong đó phải kể đến sự chuyển dịch lao động còn chậm, lực lượng lao động trên lĩnh vực nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ lớn; số lượng người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài còn thấp; công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao còn chiếm tỷ trọng thấp; công tác tham mưu Đề án Nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Sóc Trăng còn chậm.

Số lượng trẻ em bị đuối nước, tai nạn thương tích trong toàn tỉnh tuy có giảm nhưng vẫn còn cao. Tỷ lệ giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; công tác triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Đối với lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội, công tác tuyên truyền, quản lý đối tượng chưa tốt, để xảy ra tình trạng mất an ninh tại Cơ sở Cai nghiện ma túy; số lượng đối tượng nghiện ma túy tăng (2.035 người năm 2022, so với 1.823 người năm 2021).

Hiện nay, một số doanh nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đang gặp khó khăn trong hoạt động nên đã cắt giảm trên 50.000 lao động và áp dụng giải pháp giảm giờ làm việc cho khoảng 240.000 lao động tại Bình Dương. Do đó, sẽ gây áp lực không nhỏ cho vấn đề giải quyết việc làm trong thời gian tới của tỉnh.

Phóng viên: Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, ngành đề ra mục tiêu, nhiệm vụ như thế nào trong năm 2023, thưa đồng chí?

Đồng chí Võ Thanh Quang: Trong năm 2023, ngành tiếp tục tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, nhằm phục hồi, phát triển thị trường lao động, góp phần giải quyết việc làm, cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Giải quyết việc làm mới khoảng 28.000 lao động (đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 300 người). Bên cạnh đó, dự kiến đào tạo nghề cho khoảng 16.000 lao động.

Chú trọng công tác đào tạo lực lượng nghề có chất lượng. Ảnh: MAI KHÔI

Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) từ 2 - 3%, trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Khmer từ 3 - 4%. Tập trung thực hiện hiệu quả, kịp thời các chính sách ưu đãi người có công, chính sách trợ giúp đối tượng thuộc ngành quản lý và thực hiện.

Chúng tôi cũng đề ra giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên như: Tăng cường công tác truyền thông các chính sách về giáo dục nghề nghiệp cho người lao động; rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao (trung cấp, cao đẳng). Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả đối tượng được thụ hưởng đầy đủ các chế độ chính sách người có công đúng quy định pháp luật.

Tiếp tục thực hiện chính sách trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng khó khăn theo Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND, ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh. Hướng dẫn và tổ chức các hoạt động Đề án Hỗ trợ trẻ em khuyết tật, Đề án Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, Kế hoạch hành động Quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em…

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

MAI KHÔI (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: