Tìm về ký ức

19/05/2022 04:11 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 19/05/2022 | 04:11

STO - Xem lại ảnh cũ thời đi học, tôi thấy rõ những hàng còng già nằm lặng lẽ trong sân trường trung học. Tôi tự hỏi, sao ngày trước người ta thích trồng cây còng trong trường học. Có lẽ cây này cho nhiều bóng mát, ngay cả trường tiểu học ngày tôi mới vào trường cũng có mấy cây còng dù chưa lớn lắm. Cây còng còn gọi là me tây, có tán đẹp, ít bị ngã đổ khi có gió bão. Hoa có 5 cánh màu tím nhạt, nhưng so với hoa phượng không đẹp bằng. Hoa phượng đẹp rực rỡ, ngày trước được ví là hoa học trò. Cứ nhìn thấy phượng trổ bông là biết mùa hè sắp tới.

Tuy vậy, có lẽ cây còng sống lâu hơn, cho nhiều bóng mát và nhánh cây không giòn nên được chọn trồng ở trong bệnh viện, trường học. Ở Sóc Trăng, có ai vào nghĩa địa Triều Châu chắc sẽ ấn tượng với cây còng cổ thụ. Theo bảng ghi dưới gốc cây do Ban quản lý nghĩa địa lập, cây này được trồng năm 1888 (đến nay được 134 năm). Lúc tôi còn nhỏ, theo gia đình vào đây cúng thanh minh, cây đã cao lớn, rợp bóng một góc trời. Đây là một trong những cây cổ thụ nhiều tuổi ở Sóc Trăng, có lẽ chỉ thua cây đa ở Công viên Bạch Đằng.

Những ngày qua, tôi thấy các bạn trẻ rủ nhau đi chiêm ngưỡng một cây còng có hình dáng độc đáo ở xã Phước Ngãi, huyện Ba Tri (Bến Tre). Tôi thắc mắc, chưa từng nghe ai đi xa để ngắm một cây còng, chắc hẳn cũng có gì đặc biệt lắm nên người ta mới bỏ công đi như vậy. Cây còng này không lớn lắm, mọc sát bờ kinh, nhánh uốn cong vươn ra sát bờ bên kia nên thu hút các bạn trẻ. Ai đến đây cũng thích cây còng nằm giữa khung cảnh làng quê, muốn chụp vài bức ảnh làm kỷ niệm.  

Cây còng ở trường tôi có lâu lắm, hồi tôi mới vào trường cây trông đã già cỗi, thế nhưng 7 năm sau khi tôi đã rời trường, cây vẫn thấy không đổi khác, hàng cây cứ lặng lẽ chứng kiến bao lứa học trò đến rồi đi như những người bạn cố tri.

Tuổi thơ của tôi có nhiều kỷ niệm với các loại cây. Tôi thấy các bạn gái lượm những trái còng rụng trong sân trường. Hỏi các bạn định làm gì vậy? Các bạn cười, để đem về lấy hạt làm trò chơi. Vài ngày sau, các bạn đem hạt gì vào lớp chia nhau ăn, bọn con trai cũng được chia phần. Hạt còng mùi vị thơm ngan ngát, ăn thử bùi bùi béo béo. Hạt còng thơm ngon như vậy nhưng sao ở trong xóm tôi chẳng thấy ai bán. Tuy vậy chỉ ăn chơi chút ít, ăn nhiều trong người rất nóng, các bạn gái cho biết như vậy!

Năm cuối khi rời trường, bạn bè đứng dưới bóng mát của hàng còng từ giã lẫn nhau. Hết niên học này có lẽ anh chị em sẽ không còn cơ hội để học chung với nhau nữa. Bạn bè chuyền tay nhau viết vài hàng trong lưu bút để làm kỷ niệm. Tôi muốn thời gian trôi chậm lại để được kéo dài thêm ngày tháng tuổi học trò.

Trong ký ức của tôi, hàng còng già nằm trong sân trường là hình ảnh khó quên thời đi học. Ngôi trường yêu dấu có biết bao kỷ niệm với bạn bè thân thuộc. Xa trường tôi cứ nhớ hình ảnh cũ. Sau này khi trở lại thăm trường, trường được xây dựng khang trang nhưng bao dấu tích cũ đã không còn, đâu rồi hàng còng mát rượi ngày nào đã biến mất. Tôi thẫn thờ ngậm ngùi không còn nhận ra ngôi trường cũ của mình nữa!

TUẤN BA

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: