• Xây dựng Đảng

Cán bộ, đảng viên học tập và làm theo Bác - “nói đi đôi với làm”

19/05/2021 07:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 19/05/2021 | 07:00

STO - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu, rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”...

Trọn cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ phấn đấu trau dồi đạo đức cách mạng mà Người còn kiên trì giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Bởi vì theo Người, đạo đức không chỉ là “gốc”, là nền tảng, là nhân tố chủ chốt của người cách mạng, mà còn là thước đo lòng cao thượng của con người. Hơn nữa, “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố”. Người nói: “Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”.

Tư tưởng đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh có nội dung rất toàn diện, bao quát các mặt hoạt động, các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên, nhưng khái quát có 4 chuẩn mực cơ bản: (1) Suốt đời trung thành với lý tưởng của Đảng. (2) Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng. (3) Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân của mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”. (4) “Ra sức học tập đạo đức chủ nghĩa Mác - Lênin”. 

Trao tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: CHÍ BẢO

5 năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII trong Đảng bộ tỉnh đi vào nền nếp, đã tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, tác phong, thái độ, trách nhiệm và văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên. Đa số cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phát huy tính tiền phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, đổi mới phương pháp lãnh đạo, tác phong công tác. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên. Cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống... xuất hiện nhiều đảng viên tiêu biểu trong học và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, hiệu quả, có sức lan tỏa trong cộng đồng, được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa phát huy tốt vai trò nêu gương về đạo đức cách mạng; chưa nỗ lực phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. Một số đảng viên, kể cả đảng viên giữ vai trò lãnh đạo, quản lý thiếu nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa ứng xử các mối quan hệ ở cơ quan với ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội, bị dư luận phê phán... Còn một số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp, các ngành sống thực dụng, vụ lợi, quan liêu, hối lộ, lãng phí... Đó thực sự là nguy cơ, thách thức lớn, ảnh hưởng đến bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, làm giảm lòng tin của nhân dân.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nói trên, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII và Kế hoạch số 18-KH/TU, ngày 13-9-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đưa việc học tập và làm theo Bác thành nền nếp và bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực hàng ngày. Lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hàng năm. Người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp phải đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước trong thực hành “nói đi đôi với làm” để nêu gương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong mọi hoạt động hàng ngày.

Theo Hồ Chí Minh, thực hành “nói đi đôi với làm” không chỉ là nguyên tắc đạo đức, là lẽ sống, phương châm hoạt động mà còn là biểu hiện sinh động, cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người. Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn tự đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt và tự thực hành nghiêm túc “nói đi đôi với làm”, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo thực hiện yêu cầu đó. Người luôn coi trọng thực hành, làm nhiều hơn nói, hoặc chỉ lặng lẽ, kiên trì nêu gương mà không nói. Cả cuộc đời, sự nghiệp của Người là những câu chuyện sinh động, tấm gương mẫu mực về “nói đi đôi với làm”, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cùng các phẩm chất: “Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hành “nói đi đôi với làm” phải bao quát các hành vi, ứng xử của cán bộ, đảng viên, nhưng tựu trung lại, có 3 mặt cơ bản: Mình đối với mình; mình đối với người và mình đối với công việc. Vì vậy, học và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hành thật tốt “nói đi đôi với làm” trong 3 mặt cơ bản đó.

Thứ nhất, thực hành “nói đi đôi với làm” trong quan hệ mình đối với mình.

Theo Hồ Chí Minh, tự mình đối với bản thân mình là cực kỳ khó khăn. Vì vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thật thà, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, không tự cao, tự đại, tự mãn. Người chỉ rõ: cán bộ, đảng viên là công bộc của dân, là đày tớ của dân, hưởng lương từ sự đóng góp của nhân dân. Vì vậy, cán bộ, công chức phải cố gắng làm để phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhân dân. Vậy nên, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải luôn giữ mình trong sạch, không tham lam, tham ô, “luôn luôn tôn trọng của công, của dân” và “liêm khiết trong mọi hoàn cảnh”, “Nếu tham lam là bất liêm”. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn chịu khó học tập cầu tiến; luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình; không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm; giữ chủ nghĩa cho vững…

Nói đi đôi với làm trong quan hệ mình đối với mình cũng chính là thể hiện sự thống nhất giữa suy nghĩ và hành động, giữa ý tưởng, kế hoạch và quyết tâm thực hiện trong hoạt động thực tiễn với kết quả đạt được cao nhất của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong quá trình thực hành, dù là cá nhân hay tổ chức cũng phải thường xuyên tự kiểm điểm, đánh giá chính xác kết quả đạt được, kịp thời bổ sung, điều chỉnh theo hướng đặt ra yêu cầu ngày càng cao, nhưng bảo đảm hiệu quả thực hành “nói đi đôi với làm”. Mỗi ngày, mỗi cán bộ, đảng viên hãy thực hiện tốt “tự soi, tự sửa” để hoàn thiện bản thân mình để trở thành tấm gương tốt cho mọi người xung quanh.

Thứ hai, thực hành “nói đi đôi với làm” trong quan hệ mình với người khác.

Theo Hồ Chí Minh, tự mình đối với mọi người xung quanh thì không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, không dối trá, lừa lọc; phải yêu thương, khoan dung, độ lượng; phải luôn có thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà; mọi quan hệ ứng xử phải công khai, minh bạch. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt điều “Nhân”: “Thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân”.
Học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về “nói đi đôi với làm” trong quan hệ mình với người khác đặt ra yêu cầu đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ các trọng trách cao càng phải gắn trách nhiệm, danh dự cá nhân với lời nói và việc làm của mình và phải quyết tâm thực hiện bằng được những gì đã nói, đã công bố trước tập thể, hoặc người khác. Tuyệt đối không được nói hai lời, nói một đàng nhưng làm một nẻo để mang tiếng xấu là “đạo đức giả”. Cùng với đó, luôn tự kiểm điểm và nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp, phê bình của mọi người khi mình có khuyết điểm, chưa thực hiện được những gì đã nói với thái độ khiêm tốn lắng nghe, thật thà, cầu thị. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi xu nịnh, vi phạm nguyên tắc, quy chế làm việc...
Thứ ba, thực hành “nói đi đôi với làm” trong quan hệ mình đối với công việc.

Theo Hồ Chí Minh, tự mình đối với nhiệm vụ được tổ chức phân công, những công việc hàng ngày thì phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, nghĩa là để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì, dù to hay nhỏ, khó hay dễ cũng đều phải đem cả tinh thần và lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, làm một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri, theo nhu cầu nội tâm của cá nhân mình, không sợ khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nếu kết quả làm việc không tốt thì phải chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng, đặc biệt là người đứng đầu, không được đổ lỗi cho bất kỳ ai hay vì lý do gì. Phải có sự ràng buộc giữa lời nói và hành vi của mình, bảo đảm nói đi đôi với làm và phải làm thật tốt. Nếu nói mà không làm hoặc làm không tốt thì phải chịu hậu quả, chịu sự phán xét của tổ chức và nhân dân.

Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “nói đi đôi với làm” là công việc thường xuyên, hàng ngày bằng những hành động, việc làm thật cụ thể, thực chất và thiết thực, tránh rơi vào “bệnh hình thức”, “bệnh thành tích”, vì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Đặc biệt hiện nay, khi các cấp ủy đảng đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, thì mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hành “nói đi đôi với làm” sẽ tạo lan tỏa trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và trong xã hội, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần tích cực, thiết thực xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

KIÊN TRUNG

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: