• Xây dựng Đảng

Cần phải giữ vững và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ

22/08/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 22/08/2021 | 06:00

STO - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ (TTDC) trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Người coi TTDC là nguyên tắc cơ bản nhất để xây dựng Đảng ta thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, vừa phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân, vừa phát huy sức mạnh của tập thể, vì lợi ích chung của cách mạng. Để tổ chức đảng thực sự vững mạnh, nhất thiết phải giữ vững và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc này. Đây vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là vấn đề cơ bản lâu dài trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hồ Chí Minh coi nguyên tắc TTDC là nguyên tắc rất quan trọng trong xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, là nguyên tắc số một, bất di bất dịch, bảo đảm cho Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh lý giải vấn đề TTDC trong Đảng là: cá nhân phải phục tùng toàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương. Thực hiện tốt nguyên tắc này sẽ bảo đảm cho “Đảng tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh chỉ như một người”. Đó là biểu hiện cụ thể của tính tiền phong, chiến đấu của giai cấp công nhân.

Thảo luận, đóng góp ý kiến các dự thảo nghị quyết tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (diễn ra ngày 30-6-2021). Ảnh: CHÍ BẢO

Nguyên tắc TTDC là sự thống nhất biện chứng giữa hai mặt tập trung và dân chủ. Hai mặt này tác động, bổ sung cho nhau, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, trong đó, dân chủ là điều kiện, tiền đề của tập trung; còn tập trung là cơ sở bảo đảm cho dân chủ được xác định và phát huy. Yêu cầu khi thực hiện nguyên tắc TTDC là: mọi cán bộ, đảng viên đều có quyền tham gia vào việc quyết định công việc của Đảng; có quyền được thông tin, thảo luận, tranh luận, nêu ý kiến riêng, bảo lưu ý kiến trong tổ chức; nhưng khi tổ chức đảng đã có nghị quyết thì phải nói và làm theo nghị quyết; thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức đảng trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Việc phát triển và mở rộng dân chủ trong Đảng phải luôn đi đôi với tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Dân chủ càng phát triển thì tập trung càng vững chắc, sức mạnh của Đảng càng được khẳng định. Nếu thực hành dân chủ tốt, Đảng sẽ quy tụ được trí tuệ, khơi dậy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mọi cán bộ, đảng viên, tạo sự đoàn kết, thống nhất, tình đồng chí, giúp nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Bởi vậy, trong sinh hoạt và hoạt động của các tổ chức đảng, phải kết hợp chặt chẽ dân chủ với tập trung, không được tuyệt đối hóa mặt nào.

Thực tiễn hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng đều khẳng định điều nói trên; đa số các tổ chức đảng trong toàn Đảng thực hiện tốt nguyên tắc TTDC. Vì vậy, đây là một trong những nguyên nhân làm cho Đảng ta có sức mạnh để lãnh đạo dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác to lớn hơn.

Tuy nhiên, ở một số tổ chức đảng hiện nay, việc thực hiện nguyên tắc TTDC còn nhiều hạn chế, dân chủ hình thức; một số đảng viên có tư tưởng nể nang, “dĩ hòa vi quý”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Mặt khác, ở một số nơi, một số cán bộ, đảng viên do tính đảng không cao, hoặc do “lợi ích nhóm” chi phối nên không dám đấu tranh bảo vệ nguyên tắc Đảng, bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cán bộ tốt... Hệ quả là, một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ chủ chốt bị các cấp xử lý kỷ luật (như ở Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam... và gần đây là ban thường vụ và một số cán bộ lãnh đạo tỉnh Bình Dương...). Suy cho cùng, đó là do sự suy thoái về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, trong đó có nguyên nhân hết sức quan trọng là tổ chức đảng, cá nhân vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc TTDC, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Liên hệ vấn đề trên ở Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng vừa qua cũng cho thấy, trong quá trình thực hiện nguyên tắc TTDC, một số cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo cơ quan thực hiện không nghiêm túc. Có cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ lãnh đạo một số nơi thiếu tôn trọng và chưa phát huy quyền của đảng viên, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới; thậm chí lãnh đạo một số địa phương, cơ quan còn có biểu hiện phong cách lãnh đạo gia trưởng, độc đoán. Ở một số cơ quan, tổ chức đảng, trong các cuộc họp, tuy nhiều vấn đề được đưa ra bàn bạc, nhưng ý kiến đóng góp không được nhiều; người chủ trì ít chịu khó lắng nghe, nhất là những ý kiến trái với mình. Đã có trường hợp, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan có thành kiến với những người có ý kiến khác với mình. Không ít trường hợp những người trung thực, thẳng thắn, dũng cảm dám phê bình lãnh đạo, làm trái ý lãnh đạo thì bị trù dập hay bị đẩy đi nơi khác. Tình trạng đó làm cho đảng viên không muốn đóng góp ý kiến, không dám đấu tranh, nhưng khi quá bất bình thì viết thư nặc danh, mạo danh kiến nghị, tố cáo... Khi tình trạng mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức kéo dài ở cơ quan, tổ chức đảng thì nguyên tắc TTDC lại trở thành bình phong che chắn cho những hành vi tiêu cực, tham nhũng của những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, nội bộ mất đoàn kết, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng suy giảm.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên có nhiều và rất đa dạng, nhưng chủ yếu là: (1) Chưa xác định rõ cơ chế chịu trách nhiệm trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân khi thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, dẫn đến khi có sai sót, khuyết điểm thì không ai chịu trách nhiệm, dẫn đến hiện tượng vừa dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đột phá vì lợi ích chung, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân. (2) Cấp ủy đảng, đặc biệt là những người đứng đầu ở một số cơ quan, địa phương thực hiện không nghiêm quy chế làm việc đã đề ra; chưa gắn thực hiện nguyên tắc TTDC với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chưa coi trọng phát huy vai trò giám sát, tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân. (3) Một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ lãnh đạo có phong cách gia trưởng, độc đoán, thiếu tôn trọng và phát huy quyền của đảng viên, ít chịu khó lắng nghe ý kiến của đảng viên và của cấp dưới. (4) Tính đảng, ý thức tự giác tự phê bình và phê bình của đảng viên không cao. Tình trạng né tránh, ngại va chạm, không nói thẳng, nói thật, dễ người dễ ta còn khá phổ biến. Mặt khác, vì muốn được yên vị, cấp dưới không dám đấu tranh với sai trái của cấp trên, chấp nhận tình trạng thiếu dân chủ trong chừng mực nó chưa phương hại đến lợi ích của mình. (5) Công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan kiểm tra cùng cấp và của cấp trên đối với cấp dưới chưa thực hiện thường xuyên, nghiêm túc để “rung chuông báo động” về nhân cách, lối sống, tính đảng của cán bộ, đảng viên cũng như chưa xử lý kịp thời, nghiêm minh những tập thể và cá nhân vi phạm các nguyên tắc của Đảng. Vai trò của ban thanh tra nhân dân, của các tổ chức đoàn thể ở cơ quan chưa được phát huy.

Xuất phát từ tình hình trên cũng như để thực hiện nghiêm và giữ vững nguyên tắc TTDC, tăng cường đoàn kết thống nhất nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong tỉnh, thiết nghĩ cần quan tâm thực hiện một số việc sau:

Thứ nhất, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức để mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc TTDC, tự phê bình và phê bình, đoàn kết, thống nhất trong Đảng...; quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm; quy định của Đảng về việc kiểm soát quyền lực; về quy chế làm việc và nội quy của cơ quan... Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và mỗi đảng viên phải gương mẫu thực hiện nhiệm vụ đảng viên, trong sinh hoạt, lối sống và các mối quan hệ trong cơ quan, ngoài xã hội. Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan có quy định cụ thể và biện pháp thiết thực ngăn chặn, khắc phục những biểu hiện thiếu dân chủ hay dân chủ hình thức, những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, gia trưởng, chuyên quyền trong thực thi công vụ. Tập trung giải quyết tình trạng mất đoàn kết nội bộ hoặc đơn, thư khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Thứ hai, mở rộng dân chủ đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Những vấn đề cơ bản, quan trọng, những chủ trương, nghị quyết của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải được dân chủ thảo luận trong tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan và trong tổ chức đảng từ cao đến thấp theo phạm vi, quyền hạn được xác định và được quyết định theo đa số; ý kiến thiểu số vẫn được bảo lưu đệ trình lên cấp trên để xem xét. Khi tổ chức đã thống nhất ban hành nghị quyết thì phải trên dưới đồng lòng, nói và làm theo nghị quyết. Cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị có quy định và có biện pháp ngăn chặn, xử lý những biểu hiện “bằng mặt, không bằng lòng”, nói một đàng, làm một nẻo, nói trong hội nghị khác, nhưng ngoài hội nghị lại nói khác, nói ở cơ quan khác, nhưng phản ánh lên cấp trên lại khác...

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc TTDC, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đồng thời, có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực theo hướng quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó, bảo đảm vai trò lãnh đạo của tập thể nhưng không ngừng đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định của Đảng. Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, địa phương, ngành, đơn vị kinh tế và các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống... Nghiêm túc phê bình hoặc có các biện pháp xử lý kỷ luật kịp thời các tổ chức, đảng viên vi phạm nguyên tắc TTDC hoặc lợi dụng TTDC vì mục đích không chính đáng.

Thứ tư, bản thân mỗi đảng viên cần phát huy tính đảng, tính gương mẫu, tự giác, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm trong thực thi công vụ và trong các quan hệ của mình cũng như tự giác, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình. Nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật của Đảng, kỷ cương hành chính, kỷ luật phát ngôn, bí mật nội bộ. Có cơ chế giám sát và biện pháp xử lý tình trạng chia rẽ, bè phái và hiện tượng khá phổ biến ở nhiều cơ quan hiện nay là “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”, làm nghi ngờ, mất đoàn kết nội bộ.

TTDC là nguyên tắc tổ chức cơ bản, là cơ sở bảo đảm hàng đầu để giữ vững bản chất cách mạng và vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Nắm vững và thực hiện nghiêm nguyên tắc TTDC là một bảo đảm quan trọng để xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong thời kỳ mới. Việc xem nhẹ, hạ thấp cũng như nhận thức không thấu đáo, thực hiện không nghiêm túc nguyên tắc này không chỉ làm tổn hại đến vị thế, sức mạnh của Đảng mà còn là một trong những căn nguyên dẫn đến sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên.

KIÊN TRUNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: