• Xây dựng Đảng

Một năm quyết liệt với công tác phòng, chống tham nhũng

20/01/2023 04:10 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 20/01/2023 | 04:10

STO - Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng quan tâm chỉ đạo. Do vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tạo bước tiến mạnh, hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong xã hội. Từ đó, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Năm 2022 là năm có nhiều điểm nhấn trong công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh với những chuyển biến tích cực, hiệu quả. Bởi Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp thu, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các văn bản của Trung ương và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể, Quyết định số 677-QĐ/TU về kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; Công văn số 648-CV/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, Quyết định số 702-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Sóc Trăng; đây là quyết sách đúng đắn, có tính tất yếu, phù hợp thực tiễn tình hình hiện nay. Từ đó, các vấn đề liên quan đến tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh được đưa ra xem xét, chỉ đạo kịp thời và xử lý triệt để.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: SỚM MAI

Để chủ trương, chỉ thị, nghị quyết đi vào cuộc sống, thực hiện có hiệu quả thì mỗi cán bộ phải nâng cao ý thức, trách nhiệm. Do vậy, các cấp, các ngành đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh triển khai, tuyên truyền các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí bằng nhiều hình thức. Trong năm, toàn tỉnh đã tuyên truyền lồng ghép tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động 1.187 cuộc, trên 87.000 lượt người tham dự. Riêng Ban Nội chính Tỉnh ủy chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng; có nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, qua các chương trình thông tin, văn nghệ và biểu diễn lồng ghép tuyên truyền tại các nơi công cộng...

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng phải được triển khai thực hiện đồng bộ, lâu dài và thống nhất. Trước hết, các hoạt động phải được triển khai thực hiện một cách công khai, minh bạch, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như: quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng đất, nhà ở, quản lý dự án đầu tư xây dựng, huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân; tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, điều động, chuyển ngạch, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức... Khi đó, cơ quan có thẩm quyền đã tăng cường kiểm tra và đã phát hiện 5 đơn vị vi phạm quy định về công khai, minh bạch, đã được nhắc nhở, xử lý kịp thời.

Các cơ quan, đơn vị cũng chú trọng công tác xây dựng và thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, định mức, tiêu chuẩn cho phù hợp theo quy định hiện hành nhằm nâng cao tính hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản công, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, các đơn vị đã xây dựng mới 241 văn bản; sửa đổi, bổ sung 87 văn bản và tổ chức 16 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Việc xây dựng, thực hiện các quy tắc ứng xử được các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương thực hiện một cách nghiêm túc. UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan Thanh tra quan tâm lồng ghép nội dung thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị về thực hiện quy tắc ứng xử trong các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành. Từ đó, góp phần chấn chỉnh lề lối, tác phong, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Trong cùng kỳ, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, các đơn vị còn thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 183 trường hợp theo quy định; tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để phòng ngừa tham nhũng.

Công tác phòng, chống tham nhũng được các cấp ủy, tổ chức đảng xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Do đó, thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị luôn gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và nêu cao tính chủ động, phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Thủ trưởng các đơn vị đã chủ động yêu cầu, phối hợp các cơ quan chức năng để xử lý các vụ việc có liên quan đến tham nhũng xảy ra tại cơ quan, đơn vị mình. Lãnh đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng, gắn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Các ngành, các cấp còn đẩy mạnh việc xử lý và phòng, chống tham nhũng bằng nhiều hình thức theo chức năng, nhiệm vụ của mình như: công tác thanh tra, tự kiểm tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong năm, cơ quan chức năng có thẩm quyền đã tiến hành điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử 5 vụ việc, vụ án tham nhũng trên địa bàn tỉnh và tổng tài sản thiệt hại, thất thoát từ các vụ án gần 6 tỷ đồng.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Sắc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, sẽ tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, đặc biệt là các vụ án, vụ việc theo kiến nghị của đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phối hợp với các ngành chức năng rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội và thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2022. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện công tác và chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, chú trọng nâng cao hiệu quả phát hiện tham nhũng qua tự kiểm tra nội bộ trong cơ quan, đơn vị và qua giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Phát huy vai trò của mặt trận, các đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Chính sự chỉ đạo quyết liệt, tình hình tham nhũng, tiêu cực được kiềm chế và có chiều hướng giảm. Từ đó, không những góp phần tích cực giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội mà còn củng cố niềm tin vững chắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

SỚM MAI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: