• Xây dựng Đảng

Những bí thư chi bộ… của dân

13/05/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Nhất Huy
  • Thứ Năm, 13/05/2021 | 06:00

STO - Làm thế nào để giúp bà con địa phương thoát nghèo, cuộc sống người dân đổi thay, tiến bộ. Đó là nỗi trăn trở của những bí thư chi bộ kiêm trưởng ban nhân dân ấp mà chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện. Bằng tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, những bí thư chi bộ ấy đã luôn làm tốt vai trò “cầu nối” giữa Đảng với dân...

Gần dân để giúp dân thoát nghèo

Đó là chia sẻ của nữ Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp (Châu Thành) Thạch Thị Kim Liên. Ấp Giồng Chùa A có hơn 70% là bà con Khmer sinh sống, đời sống bà con còn khó khăn. Năm 2018 mới về làm bí thư chi bộ, trưởng ban nhân dân ấp, chị Thạch Thị Kim Liên vẫn luôn trăn trở làm thế nào để giúp bà con địa phương thoát nghèo, cuộc sống người dân đổi thay, tiến bộ.

Chị Thạch Thị Kim Liên - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Giồng Chùa A hướng dẫn người dân các mô hình sản xuất hiệu quả để thoát nghèo. Ảnh: N.H

Chị Kim Liên cho biết, qua tìm hiểu, tôi thấy ấp còn những hộ sản xuất theo tập quán truyền thống hiệu quả không cao, không có việc làm ổn định, đời sống còn quá khó khăn. Năm 2018, ấp có 630 hộ thì có 33 hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo khá cao. Từ trăn trở đó tôi suy nghĩ phải tìm cách để giúp bà con thoát nghèo. Người dân ấp Giồng Chùa A sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, hoa màu kết hợp làm thuê, để bà con có điều kiện phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, ngoài nhờ sự đồng hành từ các chính sách của Đảng và Nhà nước cho bà con vay vốn ưu đãi, thì phải đến tận nơi hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bà con sử dụng đồng vốn đúng mục đích, vận động con em người dân ấp mình học nghề để vào các công ty, xí nghiệp làm việc… từ đó nhiều gia đình thoát nghèo bền vững.

Ông Lý Mỹ, ở ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, gia đình có 3 công đất trồng màu mà vẫn không đủ ăn. Do vậy, ấp xét hỗ trợ vay vốn 35 triệu đồng để sản xuất và chị Liên thường xuyên thăm hỏi, động viên tôi tham gia lớp tập huấn trồng trọt và vận động cho mấy đứa con tôi đi học nghề may. Hiện nay, 2 đứa con gái lớn của tôi đi làm. Còn tôi nhờ ứng dụng kỹ thuật sản xuất mới mà 3 công rẫy trồng củ sắn và củ cải trắng cũng phát triển tốt, mỗi năm thu nhập khoảng 90 triệu đồng, gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Theo chị Liên, giúp bà con là phải giúp mô hình làm ăn có hiệu quả, giúp bà con phải cố gắng sản xuất giỏi, có thu nhập rồi phải biết sống tiết kiệm, chi tiêu đúng mục đích, để phòng lúc đau ốm. Năm 2020, ấp Giồng Chùa A chỉ còn 5 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,35%. Trong thời gian qua trong ấp chưa có hộ nào tái nghèo theo rà soát hộ nghèo theo chuẩn đa chiều.

Gần dân để làm những việc có lợi cho dân

Có dịp về ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên) hôm nay mới thấy đường sá ngày càng khang trang, sạch, đẹp; đèn đường thẳng tắp, các hẻm được bêtông hóa, trồng hoa và người dân đồng lòng chung tay xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Có được thành quả ấy phải kể đến công sức không nhỏ của ông Trần Văn Bát - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn. Người cán bộ ấy đã luôn quan tâm đến người dân và đặt lợi ích của bà con lên hàng đầu. Chẳng hạn như thấy đường, hẻm lầy lội khó đi hay không có cống thoát nước sinh hoạt dẫn đến ngập nước, bốc mùi, ông Bát và các đảng viên chi bộ đã đứng ra huy động sức dân cùng Nhà nước chung tay thực hiện.

Ông Trần Văn Bát - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Bưng Chụm vận động người dân xây dựng chậu trồng hoa và đèn thắp sáng, tạo diện mạo sáng, xanh, sạch đẹp cho ấp. Ảnh: N.H

Theo ông Trần Văn Bát thì bài học kinh nghiệm của chi bộ là “việc gì có lợi cho bà con thì làm, khi làm thì xây dựng kế hoạch, lấy ý kiến người dân, dân đồng ý thì tổ chức thực hiện”. Điển hình như công trình tuyến đèn đường chiếu sáng mà ông Bát vận động thực hiện với tổng chiều dài 800m. Để thực hiện thành công tuyến đường này, ông đã vận động đảng viên cùng nhân dân đóng góp tiền và ngày công lao động với tổng kinh phí trên 20 triệu đồng. Để trả tiền điện, mỗi hộ dân ven đường đóng 5.000 đồng/tháng, mỗi quý tổ chức họp dân để công khai số KW điện tiêu thụ và số tiền điện phải trả trong quý.

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, ông Bát và chi bộ ấp Bưng Chụm đã vận động 8 hộ dân hiến 2.000m2 đất làm tuyến lộ đal dài 750m với tổng trị giá 270 triệu đồng và hơn 210 ngày công do nhân dân đóng góp. Ngoài ra, còn vận động hơn 3.000 viên gạch, 400 bao ximăng, 30 ngày công lao động xây dựng chậu trồng hoa trên tuyến đường dài hơn 500m, tạo diện mạo xanh, sạch, đẹp trong xây dựng nông thôn mới của ấp.

Ông Trần Văn Bát đã vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân phát quang, đắp taluy dọc các tuyến lộ giao thông nông thôn; xây dựng cầu bêtông; sửa chữa, nâng cấp và làm mới nhiều công trình lộ giao thông, thấy được lợi ích mang lại nên người dân đã tự giác ủng hộ. Kết quả đến nay đã làm 265 cột cờ trị giá 59 triệu đồng; bằng nhiều giải pháp giúp hộ nghèo xây dựng mô hình chăn nuôi bò siêu thịt, bò sữa kết hợp trồng màu; mô hình chăn nuôi bò cái lai sind; xây dựng nhà ở; hỗ trợ lúa giống vùng tôm - lúa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách. Tỷ lệ hộ nghèo trước đây là 23% thì nay giảm còn 0,1%.

Ở những địa bàn cơ sở có những cán bộ của dân, nói tiếng nói của dân, chăm lo cho dân như thế đã góp phần thắt chặt hơn tình cảm giữa Đảng và dân, tạo niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng.  

NHẤT HUY

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: