• Xây dựng Đảng

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác hòa giải ở cơ sở

14/10/2022 04:06 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 14/10/2022 | 04:06

STO - Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Sóc Trăng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, hạn chế chuyển các vụ việc tranh chấp đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác hòa giải và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã được thành lập đều khắp các ấp, khóm. Đến nay, toàn tỉnh có 784 tổ hòa giải/775 ấp, khóm với 4.261 hòa giải viên; cơ cấu, thành phần, tiêu chuẩn hòa giải viên bảo đảm theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Các tổ hòa giải thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kịp thời hướng dẫn, trợ giúp người dân tự thỏa thuận, giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp ở khu dân cư. Hàng năm, tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 80% trở lên; qua đó, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, hạn chế chuyển các vụ việc tranh chấp đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.

Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn khó khăn nhất định. Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong hoạt động hòa giải ở cơ sở từng lúc thiếu chặt chẽ; chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Một bộ phận hòa giải viên chưa bảo đảm về tiêu chuẩn theo quy định. Công tác bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên chưa được chú trọng.

          Đội ngũ hòa giải viên cơ sở thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật. Ảnh: KIM NGỌC

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, ngày 23/9/2021, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó, tập trung tuyên truyền nội dung Luật Hòa giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Công văn số 708-CV/TU, ngày 18/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở... nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về công tác hòa giải ở cơ sở; xác định công tác này là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải; phấn đấu hàng năm có trên 95% tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn và tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 85% trở lên. Duy trì và nhân rộng mô hình bí thư chi bộ ấp, khóm đồng thời là tổ trưởng tổ hòa giải; phấn đấu đến năm 2025, có 100% bí thư chi bộ ấp, khóm được bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải…

Đồng chí Phan Thị Thúy Diễm - Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Cù Lao Dung cho biết, Phòng Tư pháp đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Theo đó, thời gian qua, huyện Cù Lao Dung đã thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải; chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát, đánh giá về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn; nghiên cứu, thành lập thêm các tổ hòa giải ở nơi có nhu cầu và đáp ứng điều kiện theo quy định. Rà soát, bố trí cán bộ, công chức có trình độ, năng lực, kinh nghiệm theo dõi công tác hòa giải ở cơ sở. Mục tiêu phấn đấu của huyện Cù Lao Dung hàng năm có 95% tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn và tỷ lệ hòa giải thành từ 85% trở lên.

Huyện Cù Lao Dung duy trì và nhân rộng mô hình bí thư chi bộ ấp đồng thời là tổ trưởng tổ hòa giải và phấn đấu đến năm 2025 có 100% bí thư chi bộ ấp được bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải. Bên cạnh đó, huyện Cù Lao Dung phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở, cập nhật về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải, gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ hòa giải viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng.

Trong 9 tháng đầu năm, các tổ hòa giải ở cơ sở tiếp nhận 113 vụ việc, đưa ra hòa giải 113 vụ việc, trong đó hòa giải thành 89 vụ việc, đạt 78,76%, không thành 24 vụ việc, chiếm 21,23%... Cũng giống như huyện Cù Lao Dung, thời gian qua, huyện Long Phú (Sóc Trăng) tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác hòa giải ở cơ sở. Theo đó, huyện Long Phú luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở. Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân. Đồng thời, luôn kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải với nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; gắn kết chặt chẽ, bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả giữa công tác hòa giải với công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. Hiện nay, toàn huyện có 61 tổ hòa giải với 344 hòa giải viên và 100% lượt hòa giải viên được tập huấn và cấp phát tài liệu để phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Có thể khẳng định, trong thời gian qua, việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ; đồng thời, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở.

KIM NGỌC

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: