• Xây dựng Đảng

Xây dựng Đảng “sâu rễ bền gốc” trong đồng bào Khmer ở tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng

04/08/2022 03:28 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 04/08/2022 | 03:28

STO - LTS: Khu vực Tây Nam Bộ có khoảng 1,4 triệu đồng bào Khmer sinh sống, đông nhất là tại hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Cùng với triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách và nguồn lực đầu tư của Trung ương đến với đồng bào Khmer, các địa phương ở hai tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng và đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Kỳ 2: Hạt nhân ở trong dân

“Đảng mạnh là do các chi bộ tốt”, tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở, nơi trực tiếp tuyên truyền, vận động và tổ chức quần chúng thực hiện các nhiệm vụ, phong trào của địa phương. Quán triệt phương châm “ở đâu có đồng bào Khmer, ở đó có đảng viên là người Khmer”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh và Sóc Trăng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp tăng cường củng cố tổ chức cơ sở đảng vùng đồng bào Khmer và đẩy mạnh tạo nguồn, kết nạp đảng viên là người Khmer.

“Trở thành đảng viên để giúp được nhiều người”

“Được đứng trong hàng ngũ của Đảng, em rất vui, vinh dự, tự hào. Các đảng viên sinh hoạt trong chi bộ rất năng nổ, nhiệt tình tham gia vào các phong trào của ấp; giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ thực tiễn ở chi bộ, em thấy yêu mến Đảng, muốn trở thành người đảng viên để có thể giúp đỡ được nhiều người” - đó là những lời tâm sự của đảng viên Tạ Thị Trang - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Xây Cáp, thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng). 

Đảng viên ấp Lâm Dồ (xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) vận động bà con Khmer trong ấp xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TRẦN THÚY

Thật tình cờ, chúng tôi gặp Tạ Thị Trang tại trụ sở Đảng ủy, UBND thị trấn Châu Thành khi Chi bộ ấp Xây Cáp vừa tổ chức xong lễ kết nạp Đảng cho Trang. Trên tay nữ đảng viên trẻ cầm bó hoa tươi được chi bộ tặng chúc mừng, gương mặt còn nguyên sự xúc động khi Trang vinh dự được tuyên thệ trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc và chân dung Bác Hồ. Đi cùng Trang là đồng chí Bí thư Chi bộ ấp Dương Văn Tha.

Chúng tôi được biết Tạ Thị Trang tốt nghiệp Đại học Sư phạm Cần Thơ năm 2017. Trong thời gian chờ xin việc làm, em về nhà phụ giúp cha mẹ phát triển kinh tế gia đình và tham gia các hoạt động của ấp. Không chỉ tích cực tham gia các phong trào của đoàn thanh niên, hội phụ nữ trong ấp, Trang còn vận dụng nhiều kiến thức được học trên giảng đường đại học, giúp bà con áp dụng nhiều phương pháp khoa học trong sản xuất nông nghiệp. Nhận thấy đây là quần chúng có trình độ học thức cao, lại năng nổ trong các hoạt động phong trào nên Bí thư Chi bộ ấp thường xuyên đến nhà tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng để tạo nguồn phát triển Đảng.

Khi được hỏi về tình hình hoạt động của chi bộ ấp, đồng chí Dương Văn Tha mở lời bộc bạch: “Ấp Xây Cáp có hơn 70% người Khmer, trong chi bộ có 9/15 đảng viên là người Khmer. Dẫu điều kiện kinh tế gia đình các đảng viên trong chi bộ còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn hết mình với công việc mà Đảng giao phó. Mỗi đảng viên đều phát huy tinh thần nêu gương, bám nắm, theo dõi tổ dân cư, hộ gia đình, nhất là các hộ nghèo trong ấp đều giao cho các đảng viên phụ trách, giúp đỡ thoát nghèo. Bởi vậy, bà con rất hoan nghênh về tinh thần trách nhiệm của đội ngũ đảng viên trong ấp và tin tưởng, chấp hành nghiêm các chính sách của Đảng, Nhà nước”.

Những ngày thâm nhập thực tế ở nhiều xã, ấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi ấn tượng sâu sắc trước những lời tâm sự gan ruột của ông Thạch Sẹn - nguyên Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Đề. Nghỉ công tác theo chế độ, ông về địa phương sinh sống và tham gia sinh hoạt đảng ở Chi bộ ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề). Theo ông Sẹn, giờ đây quy mô, số lượng, chất lượng của đảng viên người Khmer trên địa bàn xã Đại Ân 2 đã tăng lên rất nhiều so với trước. Toàn xã có 221 đảng viên, trong đó có 96 đảng viên là người Khmer. Ngay như Chi bộ ấp Lâm Dồ, 12/16 đảng viên là người Khmer. Hơn 60 năm tuổi đời, gần 40 năm tuổi Đảng, nhưng trong ký ức của ông giáo người Khmer còn vẹn nguyên cảm xúc ngày được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được tuyên thệ trước Đảng kỳ, Quốc kỳ và chân dung Bác Hồ.

Những năm 1984 - 1985, cả xã Đại Ân 2 chỉ có 3 đảng viên là người Khmer, thời điểm đó, phát triển đảng viên gặp rất nhiều khó khăn bởi trình độ văn hóa không đáp ứng được, kinh tế khó khăn nên bà con ít quan tâm phấn đấu vào Đảng. Ngay như chi bộ nhà trường xã Đại Ân 2 do ông Sẹn làm bí thư chi bộ thời điểm đó, gồm trường tiểu học, THCS và trường mẫu giáo cũng chỉ có 3 đảng viên. “Làm sao có thêm đảng viên để có thể thành lập chi bộ riêng cho từng trường là điều mà tôi quan tâm. Còn nhớ thời điểm đó, để có thể phát triển đảng viên cho chi bộ trường THCS xã, tôi lặn lội qua tận Vĩnh Long cách đây hơn 100km, đi mất hai ngày mới đến nơi để xác minh lý lịch của một giáo viên ở trường, nhưng tiền tàu xe thì không được thanh toán. Lúc đó chỉ nghĩ làm sao có thêm đảng viên cho chi bộ trường là mừng lắm chứ không ngại gì khó khăn. Thế mà, phải mất 3 năm tôi mới hoàn thành được mong ước mỗi trường có chi bộ riêng để sinh hoạt” - ông Thạch Sẹn bộc bạch.

Chúng tôi đặt câu hỏi: “Vậy làm cách nào để tạo nguồn phát triển Đảng trong đồng bào, trong nhà trường thời điểm ấy?”. Như được khơi dậy trong lòng những điều tâm huyết chưa thể giãi bày, ông Thạch Sẹn liền chia sẻ: “Thời điểm còn công tác ở trường, tôi nhận thấy người nào năng động, có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì bồi dưỡng, cho tham gia học lớp đối tượng cảm tình Đảng rồi phát triển dần. Những lúc sinh hoạt, trò chuyện tâm tình với các giáo viên, các em học sinh, tôi thường lấy ví dụ về chính bản thân đã sống ở cả chế độ ngụy quân, ngụy quyền và chế độ XHCN. Tôi vẫn hay hỏi mọi người rằng, chế độ ngụy quân, ngụy quyền đã làm được những gì cho dân ta, còn chế độ XHCN xây dựng, chăm lo những gì cho dân ta... Phải so sánh để thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân, nhất là bà con Khmer. Từ đó chúng ta phải làm gì để đền đáp lại? Chỉ khi chúng ta học thật giỏi, chúng ta đứng vào hàng ngũ của Đảng, chúng ta làm kỹ sư, bác sĩ, giáo viên... để tiếp tục cống hiến cho Đảng, góp sức xây dựng quê hương thì mới đáp lại được những sự chăm lo ấy. Trong quá trình đó, tôi cũng theo dõi người nào thật sự xứng đáng thì bồi dưỡng để phát triển Đảng nhằm tăng thêm chất lượng, số lượng đảng viên. Đó cũng là cách để tôi xây dựng, hình thành niềm tin yêu vào Đảng cho các em học sinh, làm hành trang phấn đấu ngay từ khi các em còn nhỏ đến lúc trưởng thành”.

Về đích xóa chi bộ ấp “hai không”

Nhìn lại cách đây 10 năm và từ kết quả khảo sát tại nhiều xã, ấp trên địa bàn các tỉnh, chúng tôi nhận thấy công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng trong vùng đồng bào Khmer, trong đó có việc phát triển đảng viên người Khmer đã có những bước tiến dài vững chắc. Ở tất cả địa phương mà chúng tôi có dịp khảo sát, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các ban Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc... từ tỉnh về đến cơ sở đều có cán bộ, đảng viên người Khmer tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý. Tổ chức cơ sở đảng được củng cố, tăng cường; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu được nâng cao; quy mô, số lượng, chất lượng đảng viên là người Khmer được nâng lên.

Diện mạo nông thôn mới ở xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. 

Để có được những kết quả trên không thể không nhắc đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh, trong đó, riêng Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành 3 nghị quyết chuyên đề để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer. Sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kết luận, tiếp tục thực hiện các nghị quyết, nhờ đó tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng trong vùng đồng bào Khmer có chuyển biến rất rõ nét.

Về vấn đề này, đồng chí Lâm Minh Đằng - Phó Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh xác định phát triển đảng viên trong đồng bào Khmer là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng ở các chi bộ đảng và đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các ban ngành rà soát lại những khóm, ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer mà không có đảng viên người Khmer thì phải tạo nguồn phát triển. Nếu không có nguồn phát triển thì phải điều động đảng viên là người Khmer đến sinh hoạt cùng chi bộ đó. 

Thực tế ở Trà Vinh trước năm 2016, toàn tỉnh có 114/526 chi bộ ấp, khóm không có đảng viên là người dân tộc Khmer. Để “xóa” chi bộ trắng đảng viên người Khmer, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 04-KH/BTCTU, ngày 13/4/2016 về việc “khắc phục chi bộ ấp, khóm không có đảng viên là nữ; chi bộ ấp, khóm có đồng bào dân tộc Khmer nhưng không có đảng viên người Khmer” (những ấp, khóm có từ 5% người dân tộc Khmer trở lên so với dân số). Đến nay toàn tỉnh đã khắc phục hoàn toàn chi bộ không có đảng viên là người dân tộc Khmer.

Cùng chung thực tế trên, trước đây tại nhiều khóm, ấp trên địa bàn của tỉnh Sóc Trăng có đông đồng bào Khmer sinh sống nhưng chưa có đảng viên là người Khmer, điều này làm ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo toàn diện các hoạt động, nhất là phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Sau 30 năm kể từ khi tái lập tỉnh (năm 1992 sau khi chia tách từ tỉnh Hậu Giang), thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tạo bước đột phá về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng trong việc tạo nguồn phát triển đảng viên đồng bào Khmer. Cấp ủy đảng các cấp không chỉ tạo nguồn phát triển Đảng từ cán bộ cơ sở mà còn chú trọng mở rộng đến các hạt nhân tích cực ở địa phương, như bộ đội xuất ngũ, đoàn viên, thanh niên, nông dân sản xuất giỏi... Nhờ đó, công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên người Khmer ở Sóc Trăng không chỉ đạt chỉ tiêu mà còn nâng cao về chất lượng. 

Từ kết quả thực tế khảo sát và những cứ liệu đưa ra trên đây có thể khẳng định rằng, các tổ chức cơ sở đảng trong vùng đồng bào Khmer và sự phát triển của đảng viên người Khmer rất xứng tầm với sự phát triển chung của các địa phương. Vấn đề đặt ra là, liệu các địa phương có chạy theo chỉ tiêu, số lượng mà kết nạp ồ ạt, không chú trọng đến chất lượng? Chất lượng hoạt động, năng lực lãnh đạo của các chi bộ đảng ở các khóm, ấp có thực sự được nâng lên?... Đây cũng là nội dung được chúng tôi đề cập ở những bài viết sau.

Tính đến hết tháng 5-2022, toàn Đảng bộ tỉnh Trà Vinh có 8.006 đảng viên người Khmer, chiếm 17,29% đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh. Thời điểm cuối năm 1992, tỉnh Sóc Trăng có 9.010 đảng viên, trong đó đảng viên người dân tộc Khmer chỉ có 731 đồng chí, chiếm 8,11%. Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 7.432 đảng viên người Khmer, chiếm tỷ lệ 15,8% đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh.

BÁ HIÊN - MINH MẠNH - THÚY AN

(Còn tiếp)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: