• Xây dựng Đảng

Xây dựng Đảng “sâu rễ, bền gốc” trong đồng bào Khmer ở tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng

07/08/2022 03:16 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 07/08/2022 | 03:16

STO - LTS: Khu vực Tây Nam Bộ có khoảng 1,4 triệu đồng bào Khmer sinh sống, đông nhất là tại hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Cùng với triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách và nguồn lực đầu tư của Trung ương đến với đồng bào Khmer, các địa phương ở hai tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng và đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Kỳ 5: Chăm lo để “gốc vững, cây bền”

Mặc dù đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên vùng đồng bào Khmer, nhưng nhìn chung những phần việc hệ trọng này ở Trà Vinh và Sóc Trăng đang gặp nhiều "điểm nghẽn". Công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên trong đồng bào Khmer ở cơ sở còn nhiều khó khăn. Một số bất cập trong cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Gỡ "điểm nghẽn" nguồn phát triển Đảng ở cơ sở

Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Trà Vinh và Sóc Trăng đều có chung đánh giá: Hiện nay, nguồn phát triển Đảng trong đồng bào Khmer đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đồng chí Lâm Tiến Thạch - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng nêu thực tế: "Đây là khó khăn chung của các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Không phải địa phương không có quần chúng ưu tú đáp ứng đủ các tiêu chí để tạo nguồn kết nạp Đảng mà xuất phát từ thực tế do đời sống kinh tế của đồng bào còn nhiều khó khăn. Con em đồng bào sau khi học xong THPT, trong đó có cả những nguồn chất lượng cao như bộ đội xuất ngũ, thường phải đi làm ăn ở các thành phố lớn. Những người còn ở lại địa phương đa phần lớn tuổi, trình độ học vấn không đáp ứng được các tiêu chí. Có những địa phương như huyện Châu Thành, mặc dù hội phụ nữ, hội nông dân các cấp rất tích cực chăm lo, bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng, tuy nhiên nguồn để phát triển Đảng đều là những hội viên trung niên, độ tuổi trung bình từ 32 - 35 tuổi".

Trao vốn hỗ trợ cho đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh phát triển kinh tế.

Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết: "Đợt dịch Covid-19 vừa qua, chỉ trong một tuần lễ, địa phương đã đón gần 10.000 người lao động ngoài tỉnh trở về địa phương. Điều này đặt ra rất nhiều bài toán về dịch chuyển lao động do đây là xu hướng chung của nhiều nơi và cũng là xu hướng tất yếu trong điều kiện các địa phương chưa giải quyết hết được các vấn đề về việc làm tại chỗ. Hiện nay, độ tuổi bình quân của đảng viên trong Đảng bộ huyện là 42,7 tuổi. Huyện không chỉ gặp khó trong tạo nguồn đảng viên người Khmer ở khu dân cư, mà ngay trong các cơ quan hành chính đảng, chính quyền cũng không mấy khả quan. Ví như ngành giáo dục của huyện, 10 năm nay, từ cấp tiểu học trở lên không tuyển mới giáo viên mà chỉ tuyển một số ít giáo viên mầm non. Số quần chúng là giáo viên đủ tiêu chuẩn đều đã kết nạp Đảng từ lâu". 

Tỉnh Trà Vinh cũng không nằm ngoài tình cảnh trên. Đồng chí Phạm Văn Cường - Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trà Vinh nêu thực tế: "Từ năm 2017 đến nay, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh kết nạp được 1.508 đảng viên là người dân tộc Khmer, chiếm 19,9% so với tổng số đảng viên mới kết nạp. Tuy nhiên, đảng viên người Khmer trong vùng đồng bào dân tộc có xu hướng giảm dần, do nguồn kết nạp ở các địa phương ngày càng ít. Nếu như năm 2017, toàn tỉnh kết nạp được 311 đảng viên là người Khmer thì 6 tháng đầu năm 2022 mới kết nạp được 90 đảng viên. Mặt khác, không ít đảng viên người Khmer rất năng nổ, nhiệt tình trong các công việc của địa phương, nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn phải đi làm ăn xa, không thường xuyên tham gia sinh hoạt Đảng nên đành phải xin ra khỏi Đảng để không làm ảnh hưởng đến chất lượng chung".

Xã Ngũ Lạc (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) là địa phương có hơn 60% đồng bào Khmer sinh sống. Tại ấp Trà Khúc, ông Thạch Truôl, 69 tuổi, Trưởng Ban Công tác mặt trận ấp là đảng viên lớn tuổi nhất chi bộ. Sau nhiều năm chi bộ không phát triển được đảng viên mới thì năm 2021 đã kết nạp được một đảng viên, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) ấp. Đây là đảng viên trẻ nhất trong chi bộ, nhưng năm nay cũng đã... 42 tuổi.

Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, khi bàn về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất quan điểm phải coi trọng chất lượng phát triển đảng viên theo phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Từ thực tế khảo sát cho thấy, các địa phương có nhiều cách làm hay để tạo nguồn phát triển Đảng trong đồng bào, đã chú trọng hơn đến nâng cao chất lượng nguồn kết nạp đảng viên. Nhưng về lâu dài, để có những đảng viên là người Khmer thực sự chất lượng đang đặt ra cho các địa phương rất nhiều bài toán hóc búa. Quan trọng nhất vẫn là bài toán về phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, hạn chế sự dịch chuyển lao động. Chỉ khi bài toán này được giải quyết triệt để thì các địa phương mới có nguồn chất lượng cao và bền vững để phát triển Đảng trong đồng bào; khắc phục được tình trạng “ăn đong” như hiện nay. Mặt khác sẽ hạn chế được đảng viên đi làm ăn xa, từ đó “giữ chân” được đảng viên tâm huyết, trách nhiệm. 

Nỗi niềm cán bộ không chuyên trách

Tham gia công tác tại thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) từ năm 2009 đến nay, đều đặn mỗi ngày làm việc, anh Kim Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hội CCB thị trấn phải di chuyển quãng đường hơn 40km từ nhà đến cơ quan và ngược lại. Là người hoạt động không chuyên trách (KCT) cấp xã, mặc dù không có quy định nào bắt buộc phải làm việc 8 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần, nhưng anh Dũng hầu như ngày nào cũng có mặt để phối hợp với các ngành triển khai nhiệm vụ trên địa bàn. Nhiều khi thị trấn có các hoạt động cần bảo đảm an ninh - trật tự vào buổi tối, anh Dũng phải ở lại cơ quan để làm nhiệm vụ. Hay những thời điểm muốn phổ biến, triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho nhân dân phải thực hiện ngoài giờ hành chính. 

Lãnh đạo xã Đôn Châu (Duyên Hải, Trà Vinh) thăm hỏi, động viên hội viên phụ nữ có mô hình trồng rau trong nhà lưới. Ảnh: TRẦN THÚY

Khi được hỏi về mức thu nhập của mình, anh Dũng cho biết: Hiện tổng thu nhập của anh bao gồm tất cả khoản phụ cấp khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, trong đó phụ cấp KCT cấp xã là 1,0 mức lương cơ sở, cộng thêm phụ cấp trình độ đại học 1,34 và đạt tổng mức phụ cấp là 2,43 mức lương cơ sở. Để có được mức thu nhập như trên, anh còn kiêm nhiệm là phó ban bảo vệ an ninh của thị trấn với mức phụ cấp là 0,7. Anh Dũng bộc bạch: “Chỉ tính riêng việc đi lại, ăn uống hàng ngày thì với mức thu nhập như hiện tại của tôi là vừa đủ chi tiêu tằn tiện cho bản thân. Để cải thiện kinh tế gia đình, lo cho các con ăn học, tôi phải vay mượn vốn và chăn nuôi thêm đàn bò. Nhưng vì thời gian tham gia các hoạt động ở cơ quan gần như kín hết ngày, nên buổi tối về tôi tranh thủ cắt cỏ để sáng sớm hôm sau thái cỏ cho bò ăn rồi mới đi làm. Cũng may vợ chồng tôi có sự hỗ trợ của bố mẹ nên tôi mới có thể dành toàn tâm, toàn ý cho công việc của thị trấn được”. 

Cùng chung nỗi niềm của anh Dũng, chị Châu Hồng Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành cho biết: "Các phó chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ xã là người hoạt động KCT, thực hiện công việc tương đương với chủ tịch hội, nhưng chế độ chính sách thiệt thòi hơn. Cụ thể là không được hưởng đầy đủ các chế độ thai sản như cán bộ công chức hưởng lương. Đối với chi hội trưởng ở các ấp được hưởng mức trợ cấp khoán là hơn 700.000 đồng/tháng. Với mức trợ cấp đó thật khó để "níu chân" chị em tham gia các hoạt động của hội".

Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 của Chính phủ quy định xã loại 1 tối đa 14 người, xã loại 2 tối đa 12 người và xã loại 3 tối đa 10 người hoạt động KCT và hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước. Người hoạt động KCT ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố và trưởng ban công tác mặt trận. Người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 3 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố...

Qua tìm hiểu thực tế, việc quy định mức phụ cấp cho những người hoạt động KCT cấp xã, ấp ở các địa phương do HĐND tỉnh quyết định và mỗi tỉnh có mức phụ cấp khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách địa phương. Ví như tại tỉnh Sóc Trăng, người hoạt động KCT cấp xã được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 1,0 mức lương cơ sở. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết để hỗ trợ thêm về trình độ chuyên môn. Cụ thể người hoạt động KCT có trình độ đại học sẽ được hỗ trợ 1,34 mức lương cơ sở/người/tháng; trình độ cao đẳng hưởng mức 1,1 và trình độ trung cấp mức 0,86. Tại tỉnh Trà Vinh, người hoạt động KCT đối với xã loại I được hưởng phụ cấp hàng tháng là 1,45 mức lương cơ sở/người/tháng; có trình độ đại học trở lên được hỗ trợ 0,89; trình độ cao đẳng được hỗ trợ 0,65 và trình độ trung cấp được hỗ trợ 0,41 mức lương cơ sở/người/tháng...

Tại nhiều xã, ấp trên địa bàn hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, khi tiếp xúc với cán bộ địa phương, chúng tôi đều nhận được phản ánh: ngoài giải quyết công việc hành chính được phân công phụ trách thì những người hoạt động KCT còn tham gia các phong trào, các hoạt động ở cơ sở. Thực hiện quy định của Chính phủ về số lượng người hoạt động KCT, các chức danh KCT ở cấp xã hầu như đều đảm nhiệm chức danh ghép, một người phải cáng đáng cùng lúc nhiều vai, kiêm nhiệm nhiều vị trí. Trong khi đó, mức phụ cấp chưa tương xứng với công việc kiêm nhiệm. Đời sống gặp nhiều khó khăn, mức phụ cấp chưa bảo đảm đời sống kinh tế gia đình nên họ chủ yếu vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa làm việc chuyên môn được giao. 

Nhiều người không khỏi tâm tư, vì hưởng phụ cấp hàng tháng nên không bao giờ họ biết đến niềm vui được tăng lương. Mức phụ cấp chỉ được tăng lên khi Nhà nước điều chỉnh tăng mức lương cơ sở. Trong khi 3 - 4 năm nay Nhà nước chưa điều chỉnh tăng lương cơ sở, còn thời điểm này giá xăng dầu tăng cao, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng “chóng mặt” khiến chi phí sinh hoạt càng thêm eo hẹp. Không có chế độ trách nhiệm hàng tháng nên đa phần những người này tham gia các hoạt động vì mang trên mình danh hiệu đảng viên và vì trách nhiệm trước tập thể chi bộ...

Từ những thực tế trên phần nào lý giải được nguyên nhân vì sao công tác tạo nguồn phát triển Đảng trong đồng bào Khmer ở nhiều địa phương vùng Tây Nam Bộ đang gặp khó, vướng. Hơn nữa, để “giữ chân” được đảng viên ở các khóm, ấp cũng là bài toán khó đặt ra cho cấp ủy các cấp. Hiện nay, để tháo gỡ những trở ngại này phần lớn vẫn dựa vào tinh thần năng động, sáng tạo ở cơ sở và ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước dân của những đảng viên là người Khmer. Tuy nhiên về lâu dài, các địa phương cần có giải pháp mang tính chiến lược, đồng bộ và căn cơ hơn để giải quyết triệt để những vấn đề mang tính hệ trọng này.

BÁ HIÊN - MINH MẠNH - THÚY AN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: