• Xây dựng nông thôn mới

Nhà vườn Cù Lao Dung rủ nhau làm du lịch

01/04/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 01/04/2021 | 06:00

STO - Đặt chân đến huyện Cù Lao Dung, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những vườn cây ăn trái oằn sai ở xã An Thạnh 1. Cây trái nơi đây có rất nhiều chủng loại với hương vị đặc trưng, ngọt lịm khó quên như: xoài, nhãn, bưởi, cam, quýt, mãng cầu, măng cụt, dâu, mận, ổi, dừa dứa… Điều thú vị hơn cả là nhiều nhà vườn tại Cù Lao Dung rủ nhau làm du lịch và cho du khách vào vườn tham quan miễn phí…

Đường vào làng Du Lịch Long Ẩn, xã An Thạnh 1 (Cù Lao Dung). Ảnh: C.B

Làng Du lịch Long Ẩn là địa điểm du lịch sinh thái mới hình thành được vài năm nay, trong phạm vi làng du lịch khoảng 300ha của 24 hộ làm vườn ở xã An Thạnh 1, trong đó có 8 hộ xây dựng mô hình homestay có sức chứa khoảng 10 người ở một gia đình, du khách có thể trải nghiệm sinh hoạt tại nhà dân, khám phá, tìm hiểu những danh thắng ở Cù Lao Dung, thưởng thức các món ăn đặc sản, tìm hiểu những phong tục, đời sống văn hóa khi đến khám phá mảnh đất này.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, ở ấp An Trung A, xã An Thạnh 1 (Cù Lao Dung) chia sẻ: “Các nhà vườn rủ nhau làm du lịch khoảng 3 năm nay. Nhiều nơi làm du lịch sinh thái miệt vườn có thu phí, nhưng du khách đến làng Du lịch Long Ẩn tham quan vườn cây ăn trái là miễn phí, du khách có nhu cầu ăn trái cây hoặc mua sản phẩm về làm quà mới tính tiền. Mô hình này vừa quảng bá được vườn cây, vừa bán được sản phẩm được giá mà không bị thương lái ép giá”.

Vườn nhãn của ông Tiến khoảng 3 năm nay tự bán sản phẩm tại nhà. Tới mùa thu hoạch trái cây là gia đình ông đón khách vào tham quan, cho du khách tự tay hái rồi bán sản phẩm cho du khách với giá gốc không phải qua trung gian nên nhiều khách tham quan rất thích. Ông Tiến cho biết: “Gia đình tôi có 3ha chủ yếu trồng nhãn xuồng và thanh nhãn. Tôi có đi tham quan, đã tìm hiểu các mô hình du lịch sinh thái vườn ở Bến Tre, Vĩnh Long. Cách làm này có ưu điểm là giúp nhà vườn vừa thu được tiền vé, vừa bán được trái cây. Tuy nhiên, mức phí từ 70.000 đến 100.000 đồng/người/lượt tham quan là khá cao, mỗi người chỉ có thể đến vườn 1 lần/mùa. Đó là chưa kể có nhà vườn bán vé cho khách vào nhưng chỉ được tham quan, chụp hình mà không được thưởng thức đặc sản do trái cây quá ít, đơn điệu, trái chưa chín. Sau thời gian suy tính, tôi rủ các nhà vườn lân cận làm làng du lịch cho khách vào tham quan miễn phí. Du khách vào vườn không mất tiền mua vé, được tính “giá nhà vườn” nếu có nhu cầu thưởng thức và mua trái cây sạch”.

Để đa dạng sản phẩm cho du khách thưởng thức, mỗi nhà vườn chọn một loại trái cây khác nhau để trồng, người này chia sẻ với người khác, số lượng người tìm đến vườn trái cây của làng Du lịch Long Ẩn ngày một nhiều. Nhiều vườn nơi đây không phải bán trái cây cho thương lái nữa, những đoàn khách có nhu cầu đặt ăn uống, nghỉ lại qua đêm, thưởng thức đờn ca tài tử thì mới tính phí, nhưng cũng với giá bình dân.

Tham quan vườn nhãn của gia đình ông Nguyễn Hồng Tiến, ở ấp An Trung A, xã An Thạnh 1 (Cù Lao Dung) và được chủ vườn chia sẻ những điều thú vị về kinh nghiệm nhà vườn. Ảnh: C.B

Ông Nguyễn Văn Mừng - chủ homestay Tư Mừng ở xã An Thạnh 1 chia sẻ: “Khách vào vườn, tôi dẫn họ đi tham quan, giới thiệu quy trình trồng và chăm sóc, một số loại cho họ nếm thử miễn phí trước khi mua. Khách mua về làm quà, tôi tính tiền bằng hoặc thấp hơn giá bán cho thương lái, ai cũng thích”.

Theo ông Mừng, gia đình ông có 5.000m2 trồng xoài Đài Loan và ổi, nhiều năm nay, đến mùa thu hoạch, gia đình ông mở cửa vườn đón khách vào thưởng thức. Cách làm này giúp gia đình ông không phải đi chợ bán trái cây mà vẫn có thu nhập mỗi ngày. Từ khi phát triển mô hình du lịch vườn, ông không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Gia đình ông xây dựng các phòng nghỉ để khách có nhu cầu ở lại qua đêm, kinh doanh thêm ăn uống phục vụ du khách đến vườn. Không chỉ gia đình ông, hơn chục hộ gia đình ở ấp An Trung A, xã An Thạnh 1 cũng được hưởng lợi từ mô hình nhà nông tự làm du lịch, tự bán sản phẩm.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản ngưng trệ, rớt giá, nhờ có mô hình du lịch sinh thái này mà cây ăn trái ở Cù Lao Dung được “giải cứu” phần nào, ban đầu người mua chỉ có bạn bè, người quen, sau đó, có nhiều mối bán lẻ, các gia đình ở thành phố, các bạn trẻ tìm đến tận vườn mua xoài. Khách đến vườn cho tham quan chụp hình, ăn xoài miễn phí, khi mua về mới tính tiền với mức giá thấp hơn ngoài thị trường. Nhiều người đã quay trở lại đây mua trái cây và tham quan.  

So với mô hình du lịch sinh thái có bán vé, hình thức cho du khách vào vườn tham quan miễn phí và tính tiền khi mua trái cây mà một số hộ nông dân đang thực hiện nhận được phản hồi tích cực từ du khách, người dùng. Người tiêu dùng, du khách không phải lo lắng chi phí tham quan, chất lượng trái cây, không lo bị “chặt chém” mà vẫn được thưởng thức đặc sản sạch, giá rẻ. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn chia sẻ, hiện nay đường sá đi lại còn khó khăn là trở ngại lớn, có nhiều đoàn khách ở Hà Nội xem trên trang web du lịch của tỉnh Sóc Trăng gọi điện đặt chỗ nhưng xe vài chục chỗ ngồi không đi đến nơi được nên hủy chuyến đi đến đây rất nhiều.

Cũng giống mô hình đón du lịch sinh thái vườn có thu phí, hình thức cho du khách tham quan miễn phí và bán sản phẩm “giá nhà vườn” mà một số hộ nông dân đang làm tuy không phải là mới, nhưng đem lại lợi ích cho cả nhà vườn lẫn người tiêu dùng. Đây là hướng đi tích cực giúp nhà nông tiêu thụ được sản phẩm. Tuy nhiên, để mô hình du lịch sinh thái này phát triển bền vững cần có sự quy hoạch hợp lý, sự liên kết giữa những hộ nông dân làm vườn để tận dụng luân chuyển mùa vụ của cây ăn trái, tạo thêm dịch vụ phục vụ du khách tham quan, xây dựng thương hiệu cho trái cây Cù Lao Dung. Đặc biệt là quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa phương này.    

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Thạnh 1 Đoàn Phước Tùng cho biết, với lợi thế có nhiều công trình gắn với các sự kiện lịch sử cách mạng trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc như: Sự tích cây Dương đỏ, địa danh rạch Trường Tiền Lớn và cồn Long Ẩn; về cảnh quan thiên nhiên có: Khu rừng bần bao bọc xung quanh toàn xã, vườn cây ăn trái với nhiều loại trái cây như thanh long, xoài, nhãn... Ngoài ra còn có 1 đình, 1 chùa, 1 phủ thờ của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa nổi tiếng như đình thần Nguyễn Trung Trực, chùa Tân Giác, phủ thờ An Cơ... Nên xã An Thạnh 1 đã xác định phát triển du lịch sinh thái miệt vườn sẽ là định hướng xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu về du lịch sau khi được công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

CHÍ BẢO

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: