• Xây dựng nông thôn mới

Sóc Trăng quyết tâm hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới

25/10/2022 03:57 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 25/10/2022 | 03:57

STO - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, mục tiêu của chương trình là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Với tinh thần đó, ngày 23/12/2021, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Sóc Trăng, với quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới.

Đổi thay ở xã nông thôn mới

Sau gần 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đầu năm 2014, xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, từ những thành tựu đạt được, người dân nơi đây càng tự hào thể hiện quyết tâm cùng chính quyền xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Ông Nguyễn Việt Sử ở ấp 15, xã Vĩnh Lợi chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi xã ngày càng “thay da, đổi thịt”. Qua thực tế, sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Đặc biệt, các tuyến đường ấp, ngõ xóm được nâng cấp sửa chữa ngày càng khang trang, sạch đẹp; đèn đường được chính quyền địa phương vận động xã hội hóa, các thiết chế văn hóa được xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao”.

Người dân chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: CHÍ BẢO

Trong sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, để thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập nông hộ, bà con nông dân huyện Thạnh Trị được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đã ứng dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Võ Anh Tuấn, ở ấp 14, xã Vĩnh Lợi cho biết: “Gia đình tôi không có đất ruộng, chỉ có nửa công vườn trồng rau bán quanh năm, nhờ được tập huấn kỹ thuật trồng rau sạch trong nhà lưới và được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị hỗ trợ hệ thống tưới phun tự động, nên mô hình trồng rau cho hiệu quả kinh tế cao. Đối với các loại rau ăn lá như: cải xanh, rau muống, rau thơm, rau ngót... khi ứng dụng hệ thống tưới phun tự động, cây phát triển tốt, cho năng suất cao hơn bên ngoài khoảng 10 - 15%; thời gian cho thu hoạch ngắn hơn quy trình sản xuất thông thường từ 3 - 5 ngày. Tôi trồng được 4 vụ/năm, mỗi vụ lãi khoảng 8 triệu đồng”.

Mô hình trồng khoai lang bí đường xanh trên đất trồng lúa gắn kết tiêu thụ sản phẩm ở ấp 3, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng). Ảnh: CHÍ BẢO

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị vừa hội thảo mô hình trồng khoai lang bí đường xanh trên đất trồng lúa gắn kết tiêu thụ sản phẩm. Mô hình được triển khai trồng tại ấp 3, thị trấn Phú Lộc, với 3 hộ nông dân tham gia, diện tích sản xuất là 5ha. Khoai được trồng với mật độ 80.000 dây/ha. Khoảng 6 tháng trồng, khoai phát triển tốt, với tỷ lệ sống trên 95%. Hiện mô hình đang thu hoạch, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gần 36 triệu đồng/ha.

Đồng chí Nguyễn Thanh Phụng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị cho biết, tính đến nay, huyện Thạnh Trị đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; toàn huyện có 6/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã còn lại đạt từ 17 tiêu chí trở lên. Hệ thống kết cấu hạ tầng, tình hình phát triển sản xuất và diện mạo nông thôn có bước chuyển biến đáng kể: đường ôtô liên xã đến trung tâm 8/8 xã, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,9% (trong đó nước sạch đạt 36,5%); 100% ấp đã có lưới điện quốc gia về tới trung tâm, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn trên 98%; kinh tế tập thể tiếp tục phát triển, với 18 hợp tác xã; 16 kinh tế trang trại, tạo tiền đề để đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng các ngành hàng chủ lực “lúa đặc sản, rau màu, chăn nuôi”; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có 6 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao của tỉnh; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 45,5 triệu đồng/người/năm.

Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh Sóc Trăng có 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có ít nhất 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc

Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, hơn 10 năm đồng hành trong thay đổi diện mạo các xã vùng nông thôn, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, cũng như đề ra lộ trình mới, trong nhiệm kỳ này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục có Nghị quyết số 09-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, như: nâng cao vai trò của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện xây dựng nông thôn mới; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm, sự chung tay, đồng lòng của người dân và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, để người dân thực sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình hiệu quả, điển hình tiên tiến, các kinh nghiệm và cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới để nhân rộng. Củng cố tổ chức bộ máy, hệ thống quản lý, tham mưu thực hiện chương trình các cấp theo hướng chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa. Quan tâm bố trí nguồn ngân sách phù hợp để đầu tư có trọng điểm các tiêu chí, các nội dung, mục tiêu nhằm hoàn thành theo đúng lộ trình đề ra.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn, tăng cường giải pháp chuyển đổi số trong chuỗi giá trị nông sản cùng với phát triển các khu, cụm công nghiệp; phát triển du lịch nông thôn... Huy động, lồng ghép tối đa các nguồn lực để thực hiện các nội dung về xây dựng nông thôn mới. Tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; chú trọng thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành; chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tiếp tục phát huy vai trò phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới.

Huyện Mỹ Xuyên và thị xã Ngã Năm đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, các địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy là phấn đấu đến cuối năm 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt 3 mục tiêu cơ bản là có thêm ít nhất 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có thêm ít nhất 23 xã đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó có ít nhất 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 4 đơn vị huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

CHÍ BẢO

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: