• Văn hóa - Thể thao

Chùa Bốn Mặt phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử cấp tỉnh

19/10/2017 06:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 19/10/2017 | 06:01

STO - Được xây dựng cách đây khá lâu, chùa Buôl Pres Phek (chùa Bốn Mặt) là công trình kiến trúc thẩm mỹ độc đáo, có giá trị văn hóa tiêu biểu mang đặc trưng của đồng bào Khmer Nam bộ. Chùa Bốn Mặt vừa được UBND tỉnh công nhận là di sản văn hóa - lịch sử cấp tỉnh.

Chùa Bốn Mặt được xây dựng trong khuôn viên có diện tích 6,5ha, tại ấp Phước Thuận, xã Phú Tân. Tổng thể kiến trúc chùa bao gồm các công trình: ngôi chánh điện, sala, nhà ở của các vị sư, nhà tiếp khách, lò hỏa táng, tháp để cốt người quá cố... Mỗi công trình có những kiến trúc độc đáo gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Khmer và lịch sử hình thành, phát triển của ngôi chùa.

Ngôi chánh điện, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống.

Khi nhắc đến ngôi chùa này, người ta thường nghĩ đến truyền thuyết về một tượng Phật có bốn mặt quay về bốn hướng, mỗi hướng có 5 vị Phật được đồng bào Khmer tìm thấy trong quá trình khai phá đất hoang. Cho đây là điềm lành nên người dân xây dựng chùa, rước tượng Phật vào thờ. Dấu ấn truyền thuyết và tượng Phật được lưu lại rõ ràng nhất được đặt tại ngôi chánh điện.

Chánh điện chùa Bốn Mặt có diện tích 225m2 (ngang 10m, dài 22,5m). Nơi đây thờ khoảng 40 tượng Phật. Ở trung tâm bệ là một pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 2m, ngồi thiền trên bệ cao 3m, được trang trí hoa văn hình cánh sen. Đặc biệt, trước gian thờ Phật Thích Ca là pho tượng 5 mặt phật cổ bằng đá bảy màu có 5 tầng, với chiều cao trên 1m. Mái chánh điện được kết cấu theo kiểu tam cấp, trên đỉnh cao nhất là tượng bốn mặt hướng về bốn phía. Bên dưới mái ở phần tiếp giáp với cột là các tượng tiên nữ Keynor, mình chim có gương mặt phúc hậu mang yếu tố thẩm mỹ và các chim thần Krud. Chim thần Krud có miệng ngậm hồng ngọc, giơ tay nâng đỡ mái chùa tạo nên sự nhẹ nhàng, thanh thoát. 

Theo thời gian, chùa Bốn Mặt được trùng tu và xây dựng thêm một số công trình, hạng mục mới. Đặc biệt nhất là ao Mách Cha Linh được xây dựng trong năm 2016 với tổng số tiền trên 2,4 tỉ đồng. Ông Trần Song, thành viên Ban Quản trị chùa và là một trong những người tham gia thiết kế, vận động tiền xây dựng công trình, cho biết: “Ao Mách Cha Linh nơi thờ Phật Thích Ca Mâu Ni. Giữa ao là một tháp cao hơn 20m, trong có tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên con rắn 7 đầu khổng lồ, xung quanh ao có hoa văn của bức tượng bốn mặt quay về 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và tượng 12 con giáp. 12 con vật tượng trưng con giáp của dân tộc Khmer có 10 con giống của dân tộc Kinh, riêng con mèo, con trâu của người Kinh được thay bằng con thỏ, con bò của người Khmer. Ao Mách Cha Linh là một trong những biểu tượng của Phật giáo Nam tông, vừa có giá trị về tâm linh, vừa tạo nét độc đáo riêng cho chùa Bốn Mặt”.

Một góc ao Mách Cha Linh.

Trong tương lai, chùa Bốn Mặt còn là điểm đến hấp dẫn vì gắn liền với Giếng Tiên được lưu truyền trong dân gian mang ý nghĩa về sự cần cù, sáng tạo trong lao động của bậc tiền nhân (cách chùa khoảng 100m). Trải qua hàng trăm năm, giờ đây Giếng Tiên chỉ còn dấu vết là một khoảnh đất thấp trũng hàng ngàn mét vuông. Với dự án Khu văn hóa tín ngưỡng được phê duyệt, du khách đến đây sẽ được thưởng thức các tiết mục văn nghệ nhạc ngũ âm, dù kê của Đoàn Nghệ thuật quần chúng Ron Ron, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer…

Thượng tọa Thạch Bonl - Trụ trì chùa Bốn Mặt chia sẻ: “Với bề dày lịch sử được xếp hạng là di sản văn hóa - lịch sử cấp tỉnh, chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, để chùa Bốn Mặt là nơi giáo dục văn hóa, nơi học chữ, học đạo lý làm người. Đồng thời, đây còn là điểm đến lý tưởng cho phật tử và du khách tham quan bởi cảnh quan, không gian yên tĩnh, thoáng mát, sạch sẽ và nhiều công trình kiến trúc thẩm mỹ độc đáo thể hiện đặc trưng văn hóa truyền thống của người Khmer Nam bộ nói chung và của tỉnh Sóc Trăng nói riêng”.

Ngọc Diễm

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: