• Thi đua - Khen thưởng

Ông Vui mãng cầu

19/01/2017 22:38 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 19/01/2017 | 22:38

STO - Nét mặt rạng rỡ, nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi đúng như cái tên cúng cơm của mình, ông Lê Văn Vui, ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới (TX. Ngã Năm), được nhiều bà con quý mến, không chỉ vì tính tình điềm đạm, chân chất, gần gũi, hay giúp đỡ mọi người, mà còn vì ông luôn là người “dám nghĩ, dám làm” và thành công với loại cây trồng ít ai nghĩ tới: cây mãng cầu gai.

Bên ly trà nóng trong cái se lạnh cuối năm, ông Vui cất giọng đều đều: “Trước đây, tôi cũng từng trồng nhiều loại cây, nhưng vùng này trũng, nhiễm phèn mặn, nên không mang lại hiệu quả cao. Cũng có lúc tôi trồng mãng cầu gai, nhưng giá “bèo” quá, nên tôi cũng không màng chăm sóc, rồi trồng mía và lại bỏ hoang vì giá mía quá bấp bênh”. Năm 2003, khi quan sát thấy những cây mãng cầu trồng từ năm 1976 vẫn xanh tốt, cho trái sai trĩu cành, dù chẳng được chăm sóc, ông quyết định trồng lại loại cây này, khiến gia đình và hàng xóm không khỏi bất ngờ, lo lắng. Bằng giọng tự tin, ông Vui kể tiếp: “Lúc mới trồng, tôi mạnh dạn mở rộng hết 5 công đất bỏ hoang và mua thêm 7 công đất kế cạnh. Khi trồng mãng cầu gai, tôi tự làm cây giống bằng cách, lấy cây đầu dòng ghép với cây bình bát, để giúp cây chống chịu được phèn mặn và ngập. Sau 3 năm, cây xanh tốt, bắt đầu cho trái to, thịt thơm ngọt, mộng nước, thị trường ưa chuộng, tới vụ thương lái tới hỏi mua dồn dập không đủ hàng cung ứng”.

Đang ngồi trên bộ salon gỗ khá đắt tiền, ông Vui bật dậy, đi nhanh về chiếc tủ gỗ, lấy ra cuốn sổ ghi chép, rồi mời tôi theo ông ra vườn xem mãng cầu. Dưới cái nắng ban mai của ngày mới, những giọt sương còn đọng lại trên những chiếc lá, nụ hoa mãng cầu lấp lánh đẹp lạ thường. Đi trong vườn mãng cầu mùa này thật sảng khoái với mùi hương thoang thoảng của hoa mãng cầu. Vườn mãng cầu gai ghép gốc bình bát của ông Vui đang độ sung sức, trái lủng lẳng khắp thân, cành. Khi tôi còn say sưa ngắm vườn cây trĩu quả, ông Vui cất giọng trầm trầm: “Cây mãng cầu gai ghép gốc bình bát dù nước có ngập nó cũng không chết, chịu mặn, hạn cũng rất tốt và có tuổi thọ trên 40 năm nhờ vào bộ rễ khỏe của gốc bình bát”.

Đưa tay lật từng trang của quyển sổ mà ông cố tìm lúc nãy, tôi càng hiểu thêm tính cẩn thận và cũng rất khoa học của ông, khi tất cả việc sản xuất trong 10 năm qua đều được ông ghi chép rõ ràng, cụ thể, chẳng hạn như: “Năm 2006 bắt đầu hái lứa mãng cầu đầu tiên. Giá bán 2.500 đồng/kg, lợi nhuận được 150 triệu đồng/năm... Cuối năm 2015, số tiền bán mãng cầu gần 600 triệu đồng và dự định cuối năm 2016 mức lợi nhuận khoảng 700 triệu do được bao tiêu sản phẩm giá bán ổn định ở mức cao”.

Với diện tích 1,3ha, ông trồng 1.200 gốc mãng cầu; trong đó, có 1.000 gốc đang cho trái. Mãng cầu ghép gốc bình bát tuy dễ sống, nhưng theo ông mất nhiều công chăm sóc và cần tính tỉ mỉ ở giai đoạn chấm nụ thụ phấn cho hoa bằng thủ công mới đạt tỷ lệ đậu trái trên 80%. Cây trồng khoảng 4 năm tuổi, cần tỉa cành, cắt đọt để hạn chế cây phát triển chiều cao ảnh hưởng năng suất. Thời điểm cây cho trái nhiều nhất là từ năm thứ 5, trung bình mỗi cây khoảng 150kg/năm, thậm chí có cây hái được 250kg/năm. Tổng sản lượng trái trong năm 2015 là 27 tấn, nhưng nhờ ông biết cách xử lý cho trái quanh năm, nên giá bán bình quân vào khoảng 20.000 đồng - 30.000 đồng/kg.

Câu chuyện trồng mãng cầu gai của ông càng lúc càng cuốn hút tôi, đặc biệt, khi ông thông tin đã ký kết hợp đồng cung ứng mãng cầu gai cho một doanh nghiệp xuất sang thị trường Hồng Kông, mức giá 30.000 đồng/kg. Ông Vui hào hứng khoe: “Với mức giá này, lợi nhuận từ cây mãng cầu sẽ rất cao, vì chi phí đầu tư khá thấp, khi chỉ chiếm khoảng 10%. Bên cạnh việc bán trái, 2 năm nay, tôi còn làm cây giống cung ứng cho bà con có nhu cầu, mỗi năm khoảng 12.000 cây, thu về số tiền 90 triệu đồng”.

Không chỉ thành công với vườn mãng cầu gai ghép gốc bình bát, ông Vui còn làm 4,6ha lúa mỗi năm 2 vụ và tận dụng phụ phẩm rơm rạ trồng nấm rơm, nuôi heo thịt, mỗi năm cho lợi nhuận gần 540 triệu đồng. Năm 2016, ông ước tính lợi nhuận từ các khoản trên có thể tăng lên khoảng 600 triệu đồng, nhờ tăng đàn heo thịt. Như vậy, nếu tính luôn lợi nhuận từ vườn mãng cầu gai, năm nay, ông thu lợi nhuận khoảng 1,3 tỉ đồng. Đây là mức thu nhập mơ ước của nhiều lão nông tri điền.

Dùng phế phẩm nông nghiệp, ông Vui tận dụng khoảng sân trước nhà trồng nấm rơm

Từ thực tiễn mô hình trồng mãng cầu gai hiệu quả của ông, nhiều nông dân địa phương tìm đến học hỏi và được ông tận tình hướng dẫn, nên đến nay, toàn xã có 40ha trồng mãng cầu gai, tạo điều kiện cho sự ra đời của Hợp tác xã mãng cầu gai Vĩnh Quới. Thị trường mãng cầu gai hiện khá rộng, khi thương lái trong và ngoài địa phương đều tìm đến thu mua tận vườn, chuyên chở về các tỉnh, thành phố lớn tiêu thụ. Người trồng mãng cầu gai càng yên tâm hơn khi tham gia vào hợp tác xã vì được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cung cách làm ăn, được vay vốn từ các ngân hàng và đặc biệt là được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Nhờ sự quyết tâm và ý chí “dám nghĩ, dám làm” đã giúp ông Lê Văn Vui thành công với mô hình trồng mãng cầu gai ghép gốc bình bát. Chính từ hiệu quả kinh tế cùng với lợi thế thích nghi với phèn, mặn đã giúp người dân quê ông tin tưởng khi chọn loại cây trồng này, mở ra cơ hội cho người dân trong giải quyết bài toán chọn lựa cây trồng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Chia tay ông Vui, khi ánh nắng chiều cuối năm như những sợi tơ vàng xuyên qua vườn mãng cầu gai đang sai cành trĩu quả, tôi cũng kịp nhận ra, niềm vui, pha lẫn niềm tự hào trong ánh mắt của người nông dân cần mẫn này, khi ông nâng niu, lau chùi tấm bằng khen “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016” do Trung ương Hội Nông dân trao tặng hôm 14 tháng 10 vừa qua.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: