• Thi đua - Khen thưởng

25 năm cuộc hành trình đến với Vinh quang Việt Nam

27/05/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 27/05/2017 | 06:00

STO - Chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức có 12 tập thể và 18 cá nhân trong cả nước được vinh danh. Một lần nữa, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua lại làm rạng danh quê hương Sóc Trăng khi được vinh danh tại chương trình lớn này.

Ở tuổi ngoài 60, kỹ sư Hồ Quang Cua vẫn miệt mài bên ruộng nghiên cứu các giống lúa thơm thế hệ mới. Ảnh: X.T

Kỳ I: KHÁT VỌNG VÀ TẦM NHÌN

Với khát vọng làm sao nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cho hạt gạo Sóc Trăng, trong suốt 25 năm qua, ông luôn cùng đồng nghiệp tìm tòi học hỏi để lai tạo thành công hàng chục giống lúa thơm mang tên ST, mà mỗi khi nhắc đến, không chỉ có nông dân, cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều biết và ưa thích.

Nhìn xa, lãi lớn

Sau khi nước ta xuất khẩu gạo được 2 năm (1991), các nhà khoa học ở Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long và Trường Đại học Cần Thơ bắt đầu đưa những giống lúa thơm ra trồng khảo nghiệm và kỹ sư Hồ Quang Cua là người được các nhà khoa học đầu đàn tin tưởng, ưu tiên chọn lựa tham gia chương trình này. Trong thời gian tiếp xúc với cây lúa thơm đã hun đúc trong ông khát vọng phục hồi cây lúa thơm của vùng đất Bãi Xàu (tên gọi của Mỹ Xuyên ngày xưa) vốn đã nổi tiếng trên thị trường Hương Cảng (Hồng Kông) hơn một thế kỷ trước. 

Năm 1992, khi Sóc Trăng vừa chia tách tỉnh, cái đói vẫn còn đeo đẳng một bộ phận nông dân nghèo, thì ông đã có suy nghĩ làm sao vừa đảm bảo an ninh lương thực, nhưng cũng vừa nâng cao giá trị hạt gạo, để người nông dân ngày một khá hơn. Mong muốn là vậy, nhưng việc thực hiện không hề đơn giản, vì lúc này, trong tay ông và các cộng sự chỉ có những giống lúa cổ truyền dài ngày, năng suất thấp. Vì vậy, ông cùng các đồng nghiệp không ngừng học hỏi để có đủ trình độ lai tạo, cải tiến để cho ra những giống lúa thơm ngắn ngày, thấp cây, không quang cảm, nhằm tăng vụ và tăng năng suất. 

Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, ông đã xác định, việc chọn tạo giống lúa thơm phải đáp ứng được tiêu chí “thơm phải cho ra thơm, ngon phải thật là ngon”. Với hướng đi đó, trong vòng gần 20 năm, ông đã cùng các cộng sự nghiên cứu chọn tạo và lần lượt cho ra đời 10 giống lúa thơm mang tên ST (Sóc Trăng) với nhiều ưu điểm, được nông dân trong tỉnh và khu vực đưa vào sản xuất và được thị trường đón nhận cao.

Có được cây lúa thơm chịu mặn, ông đã đưa vào cơ cấu lúa - màu ở các vùng đất giồng cát ven biển Vĩnh Châu và cơ cấu lúa - tôm ở vùng lợ các tỉnh ven biển ĐBSCL như: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Hiện nay, diện tích gieo trồng lúa thơm ST ở ven biển ĐBSCL phát triển rất nhanh, ước khoảng 60.000 – 70.000ha. Riêng tỉnh Sóc Trăng, đến cuối năm lương thực 2016, diện tích lúa thơm đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ.

Có lẽ, không có một lý giải nào phù hợp hơn về sự tăng nhanh diện tích gieo trồng giống lúa thơm ST ở Sóc Trăng và một số tỉnh ven biển ĐBSCL bằng 2 chữ: “lợi nhuận”. Chính mức lợi nhuận tăng thêm bình quân là 15 triệu đồng/ha/năm so với các giống lúa khác mới là sức hút nông dân tìm đến với giống lúa này. Theo ước tính, với diện tích gieo trồng trên, lợi nhuận mà nông dân trồng lúa thơm ST ở ĐBSCL trong năm 2016 trên 900 tỉ đồng, còn tính chung trong 15 năm phát triển lúa thơm (2002 – 2017) tổng lợi nhuận tăng thêm từ giống lúa ST đem lại cho nông dân trên 10.000 tỉ đồng. 

Tạo lập quan hệ sản xuất mới

Cây lúa thơm ST vừa cho chất lượng thơm ngon, vừa cho hiệu quả kinh tế cao nên đã thu hút một lượng lớn nông dân tham gia vào hàng trăm cánh đồng sản xuất tập trung tại các huyện, thị, như: Trần Đề, Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên… giúp phát triển được lực lượng sản xuất. Các cánh đồng mẫu liên hoàn đã tạo nên những vùng sản xuất rộng lớn quy mô liên xã, với diện tích lên đến hàng nghìn hécta, hình thành nên các vùng nguyên liệu lớn phù hợp với nhu cầu thu mua của doanh nghiệp.

Quá trình phát triển giống lúa thơm ST đã hình thành nên nhiều mô hình mẫu, như: mô hình áp dụng các biện pháp sinh học bảo vệ thực vật trên lúa thơm ST5 luân canh tôm sú, được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghé thăm và đánh giá cao vào đầu năm 2013; hay như mô hình cánh đồng mẫu liên hoàn hàng nghìn hécta trồng giống lúa thơm ST ở vùng chuyên lúa được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đến thăm vào tháng 7 năm 2013; hoặc mô hình thu nhập 40 - 50 triệu đồng/ha/vụ với giống lúa thơm ST được triển khai hàng chục nghìn hécta vào năm 2013…

Trong 3 năm liên tiếp (2013 - 2015) khi giá gạo xuất khẩu liên tục xuống thấp, làm cho hiệu quả sản xuất, kinh doanh lúa gạo kém, hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu gạo tìm đến Sóc Trăng đầu tư ứng trước cho nông dân để mong có hạt gạo thơm Sóc Trăng xuất khẩu, thu lợi một cách ổn định. Cách làm này đã tạo nên một quan hệ sản xuất mới một cách bền vững, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu sản xuất lúa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cũng từ giống lúa thơm ST5, hàng vạn hécta nuôi tôm thất bát, nông dân vẫn có gạo thơm để ăn, có chút vốn liếng xoay xở trong những ngày giáp hạt, hạn chế phần nào tình trạng bỏ quê về các khu công nghiệp. Nhiều làng xã đã mọc lên hàng loạt ngôi nhà mới, trang thiết bị sản xuất từ nguồn thu nhập tăng thêm của lúa thơm ST.

Xuân Trường

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: