• Thi đua - Khen thưởng

25 năm cuộc hành trình đến với Vinh quang Việt Nam - Kỳ II

28/05/2017 07:25 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 28/05/2017 | 07:25

STO - Chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức có 12 tập thể và 18 cá nhân trong cả nước được vinh danh. Một lần nữa, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua lại làm rạng danh quê hương Sóc Trăng khi được vinh danh tại chương trình lớn này.

Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua (bìa trái, hàng thứ 2) 1 trong 18 cá nhân được vinh danh tại chương trình Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Kỳ II: PHÁ VỠ HOÀI NGHI, THAY ĐỔI CÁCH TIẾP CẬN

Đâu chỉ có những giống lúa thơm được lai tạo, đưa vào sản xuất thành công, ông còn có những đề xuất táo bạo trong phương pháp, cách tiếp cận mới cho việc nghiên cứu, phát triển lúa thơm một cách hiệu quả và bền vững.

Mở đường lúa thơm

Không chỉ cung cấp cho nông dân Sóc Trăng và vùng ĐBSCL nhiều giống lúa thơm từ năm 2001 đến nay, như: ST3, ST5, ST20, ST đỏ, ST22, ST24… ông còn đóng góp vào tái cơ cấu sản xuất lúa gạo nhờ chất lượng, giá trị và hiệu quả. Nông dân đã bắt đầu thay đổi những giống lúa cũ kém hiệu quả bằng các giống ST và chấp nhận liên kết hợp tác sản xuất trong cánh đồng lớn. Đây cũng là mô hình cánh đồng lớn đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biểu dương vào năm 2013.

Có thể nói, ông chính là nhà khoa học tiên phong trong việc nghiên cứu, phóng thích và công nhận quốc gia về giống lúa thơm. Khởi đầu là giống lúa ST3 được công nhận giống quốc gia vào năm 2002 và phải mất đến hơn 10 năm sau mới có giống lúa thơm chọn tạo trong nước được công nhận đó là giống Nàng Hoa 9. Vì vậy, có thể xem Sóc Trăng là tỉnh khởi nguồn của gạo thơm cũng không ngoa chút nào. Tuy vậy, theo ông, đây vẫn được xem là một thành công lớn về mặt học thuật, bởi thành công này đã giúp phá vỡ mối hoài nghi về việc không thể đạt hiệu quả trong lai tạo lúa thơm, mở đường cho việc chọn tạo lúa thơm trong những năm sau này. 

Gạo thơm ST bao giờ cũng được xuất khẩu với giá cao hơn gạo trắng thường trên 100 USD/tấn, thậm chí giống ST20, có lúc được xuất khẩu với giá lên đến 900 USD/tấn, giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao. Cùng với các giống lúa thơm nhập nội khác, các giống lúa thơm ST đã đóng góp vào việc xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo thơm/năm liên tiếp 4 năm qua, cải thiện đáng kể tính cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam tại các phân khúc thị trường.

Bền vững là đây

Trong suốt quá trình nghiên cứu, ông luôn có những đề xuất kịp thời và được lãnh đạo địa phương cũng như Bộ Nông nghiệp đánh giá cao khi đưa vào tổ chức thực hiện. Qua đề xuất của ông, Tỉnh ủy đã đưa chỉ tiêu sản xuất lúa thơm vào Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ vào các năm: 2005, 2010, 2015 và tất cả đều được tổ chức thực hiện thành công vượt kế hoạch.

Dù hiểu biết về lai tạo, sản xuất lúa thơm còn không ít giới hạn, nhưng năm 1997, ông đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo tỉnh tự tổ chức nghiên cứu lúa thơm tại tỉnh và thông qua quá trình nghiên cứu, đến nay, Sóc Trăng có được đội ngũ nghiên cứu có học vị cao đủ sức tiếp tục phát triển lúa thơm với chất và lượng không ngừng được nâng lên.

Một cách làm khác cũng hết sức táo bạo đã khiến ông không ít lần phải “lên bờ, xuống ruộng”, đó là xây dựng quy trình sản xuất nấm xanh ở nông hộ để phòng trừ rầy nâu, trước đại dịch rầy nâu bùng phát vào năm 2006. Tuy nhiên, sự nghiêm túc và đúng đắn, khi đến năm 2009, quy trình này được Cục Bảo vệ thực vật công nhận là tiến bộ kỹ thuật và có hơn 10 tỉnh đến đề nghị chuyển giao. Cũng nhờ có quy trình này, rầy nâu không còn bùng phát thành dịch trên diện rộng, giúp giá gạo thơm Sóc Trăng luôn đảm bảo an toàn thực phẩm vì không tồn dư hóa chất diệt rầy.

Am hiểu tính nết của nông dân và thị trường, nên trước khi trồng trình diễn để nông dân chọn lựa một giống lúa thơm nào đó, ông đều có mẫu gạo xay xát sẵn để doanh nghiệp xác định phẩm chất, giá trị và giá cả. Các thông tin này sẽ được cung cấp trở lại cho nông dân, giúp họ giải bài toán kinh tế khi chọn giống để sản xuất, chứ không đơn thuần chỉ là xác định năng suất. Còn đối với những người làm chính sách, để họ an tâm về vấn đề an ninh lương thực và sẵn sàng ủng hộ, trong nghiên cứu, lai tạo các giống lúa thơm, ông luôn định hướng nâng cao năng suất song song với chất lượng. Nhờ vậy, hiện nay lúa thơm Sóc Trăng đều là giống lúa cao sản và phát triển một cách dễ dàng, thuận lợi.

Khát vọng nhân văn

Ông luôn tâm niệm, thành công không bao giờ đến một cách dễ dàng, mà muốn có được cần phải kiên trì hoạt động không mệt mỏi. Sự kiên trì đó, được ông và các đồng nghiệp thể hiện không chỉ bằng hàng chục giống lúa thơm mang tên ST có năng suất, chất lượng, giá trị cao, mà còn ở công tác thông tin tuyên truyền về yếu tố xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhằm xây dựng thương hiệu, tạo tiếng thơm cho địa phương. Xây dựng văn hóa ẩm thực: gạo ngon đi liền với phát triển kinh tế; hình thành công nghệ, phương thức kinh doanh mới mang tính thẩm mỹ, an toàn thực phẩm và đóng góp vào việc gia tăng giá trị và sản lượng xuất khẩu. 

Từ năm 2012 đến năm 2016, trong khi gạo trắng xuất khẩu giảm dần từ 82% xuống còn 43%, thì gạo thơm xuất khẩu tăng từ 9% vào năm 2012 lên 29%, đưa sản lượng gạo thơm xuất khẩu lên trên 1 triệu tấn đã chứng minh thêm tầm nhìn xa, trông rộng của ông không chỉ ở lĩnh vực học thuật, mà còn cả với sự phát triển của thị trường.

Những danh hiệu cao quý mà ông được Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức quốc tế… trao tặng khá nhiều; các cuộc hội nghị, hội thảo chuyên đề lúa gạo lớn hầu như không lần nào vắng mặt ông, nhưng với ông, tất cả vẫn còn ở phía trước, bởi mục tiêu mà ông muốn hướng tới là làm sao xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia, để tăng tính cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam, góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả sản phẩm cho người sản xuất, kinh doanh lúa gạo.

Vinh quang và gian nan, đó là tất cả những gì ông đã trải qua và ông luôn đón nhận nó như một phần của cuộc sống, của sự đam mê đến cháy bỏng, để đi tiếp quãng đường còn lại của khát vọng đơn sơ, nhưng đầy tính nhân văn là: giúp nông dân khá giàu từ cây lúa.

Xuân Trường

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: