• Thi đua - Khen thưởng

Đầu năm gặp nhà khoa học của nông dân miền núi Tây Bắc

06/02/2019 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo điện tử VOV
  • Thứ Tư, 06/02/2019 | 13:00

Kỹ sư Phạm Hân Hạnh được gọi là nhà khoa học của bà con, bởi những sáng kiến, giải pháp kỹ thuật phát huy hiệu quả rõ nét trong sản xuất nông nghiệp.

Tại lễ tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông" lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức vừa qua, kỹ sư Phạm Hân Hạnh, công tác tại Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là một trong 53 gương mặt tiêu biểu được vinh danh. Với bà con nông dân nhiều vùng ở Sơn La-Tây Bắc, anh thực sự là nhà khoa học của bà con, bởi những sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của anh được chuyển giao áp dụng đã phát huy hiệu quả rõ nét trong sản xuất nông nghiệp.

Kỹ sư Phạm Hân Hạnh hướng dẫn bà con phương pháp đốn trẻ cây na.

Nông dân Nguyễn Văn Đạt, ở tiểu khu 2, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La không dấu diếm niềm vui khi nói về hiệu quả của việc áp dụng phương pháp thụ phấn cho na mà kỹ sư Phạm Hân Hạnh đã chuyển giao.

“Tập trung vào thụ phấn cho na thì năng suất có thể gấp 5-7 lần mình không thụ phấn, lại rải đều trên thời vụ. Sản phẩm thì xanh, ngon, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Bây giờ 100% các gia đình trồng na ở đây đều thụ phấn cho na”, anh Đạt cho hay.

Nhà ông Đạt có 2 ha đất trồng cây ăn quả, chủ yếu là na trồng từ nhiều năm nay. Với phương pháp canh tác tự nhiên trước đây, mỗi vụ na gia đình ông chỉ thu được 3-5 tấn quả/ha. Cách đây chừng 7-8 năm, ông và các hộ trồng na đã áp dụng phương pháp thụ phấn cho na theo quy trình vào tháng 12 âm đốn trẻ cây na, sau khoảng 2 tháng rưỡi na nảy mầm, ra hoa thì bắt đầu thụ phấn.

Do chủ động được việc thụ phấn nên có thể định lượng số lượng quả trên thân cây, việc thu hoạch cũng có thể rải đều  theo ý muốn của người trồng. Từ đó, năng suất na cao gấp 6-7 lần so với trước, bình quân từ 15-17 tấn quả/ha. Nguồn thu từ na, cộng với các loại hoa quả khác cũng mang về cho gia đình ông mỗi năm hơn 300 triệu đồng.

Phương pháp “Kỹ thuật điều chỉnh mùa vụ, vị trí ra hoa, đậu quả trên cây bưởi da xanh theo ý muốn” của kỹ sư Hạnh nghiên cứu cũng được đưa vào thực tiễn thành công. Cây bưởi da xanh tuy mới xuất hiện ở tỉnh Sơn La, nhưng đã trở thành một loại cây ăn quả có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Nhờ có giải pháp của anh Hạnh mà người nông dân có thể điều chỉnh cây bưởi da xanh ra hoa, đậu quả quanh năm theo ý muốn.

Vườn na được thụ phấn.

Từ đó, sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường, rất có lợi cho người sản xuất. Biện pháp chống thụ phấn chéo tạo ra bưởi không hạt, bao trái tránh sâu bệnh tạo ra sản phẩm sạch có mẫu mã đẹp. Đưa quả từ vị trí  ra ở đầu cành vào vị trí trong thân cây làm tăng chất lượng quả.

Như nhà chị Nguyễn Thị Lan ở xóm 10, tiểu khu 32, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, với gần 1,5ha na, bưởi da xanh áp dụng theo phương pháp của kỹ sư Hạnh cho năng suất cao hơn nhiều so với trước, lại đảm bảo quả to, đẹp, chất lượng. Mỗi năm, nhà chị thu đều đặn vài trăm triệu đồng từ na, bưởi, nhãn, xoài.

 “Khi bưởi ra hoa thì chúng ta dùng chổi quét nhụy ở các bông hoa nhiều, sau đó thụ phấn sang hoa khác. Khi quả thụ phấn đồng đều rồi thì tính lượng quả trên cây, để bao nhiêu quả thì phù hợp, lúc đó bắt đầu tỉa. Thụ phấn được như thế thì quả tròn, đẹp”, chị Lan cho biết.

Kỹ sư Phạm Hân Hạnh cũng có nhiều sáng kiến khác được áp dụng trong thực tiễn rất hiệu quả, và được chuyển giao kỹ thuật cho nhiều vùng nông dân trong, ngoài tỉnh Sơn La. Có thể kể đến các giải pháp “Cải tiến máy phát điện dùng xăng, dầu thành máy phát điện dùng nhiên liệu khí sinh học Biogas”; giải pháp “Nâng cao năng suất sinh sản cho lợn nái, chất lượng lợn thịt thương phẩm tại địa bàn tỉnh Sơn La”; giải pháp “Mô hình máy ấp trứng gia cầm tự chế đơn giản và rẻ tiền, được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn sản xuất”.

Kỹ sư Hạnh hướng dẫn bà con về máy ấp trứng.

Ngoài ra, anh còn tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình tăng giá trị trên một đơn vị diện tích với 600 hộ nông dân đạt giá trị thu nhập trên 50 triệu đồng/hecta; hoàn thành 3.500 công trình khí sinh học đưa vào nghiệm thu, sử dụng; xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc chất lượng tốt…

Theo bà Đặng Thúy Huê, phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, “đồng chí Hạnh thường xuyên bám sát cơ sở, tìm tòi để giúp bà con nông dân tìm ra nhiều giải pháp để áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo, cũng như áp dụng những biện pháp đồng chí đã đưa ra để nhân rộng”.

Về lý do đam mê nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến phục vụ sản xuất nông nghiệp, anh Phạm Hân Hạnh chia sẻ: Là kỹ sư nông nghiệp, với 22 năm thời gian trực tiếp làm việc cùng nông dân, có biết bao khó khăn vướng mắc, những thắc mắc của bà con cần những cán bộ như anh phải nghiên cứu, giải đáp.

“Thường thường vào với bà con thì có rất nhiều câu hỏi mà bà con hỏi. Thì chúng tôi phải tìm cách làm sao để giúp đỡ bà con. Từ đó, tôi đã nảy trong đầu những sáng kiến để đáp ứng tất cả những thắc mắc của bà con”, anh Hạnh nói.

Từ năm 2008 đến nay,  kỹ sư Phạm Hân Hạnh 02 lần được Tổng liên đoàn lao động Việt Namtặng bằng lao động sáng tạo; 02 lần được tôn vinh trí thức tiêu biểu, điển hình sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Sơn La; được nhận giải thưởng Lương Đình Của, “ Trí thức vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn”.

Năm 2018, anh được tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông". Còn với kỹ sư Phạm Hân Hạnh, anh chỉ có mong ước giản dị: sẽ ngày càng có nhiếu sáng kiến của anh và đồng nghiệp được triển khai, áp dụng trong thực tiễn để giúp bà con nông dân luôn có mùa màng bội thu.

Bích Thủy/VOV.VN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: