• Thi đua - Khen thưởng

Điều dưỡng viên phải vừa giỏi chuyên môn, vừa có đạo đức nghề nghiệp

04/11/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: KGT
  • Thứ Bảy, 04/11/2017 | 06:00

STO - “Tôi thích ngành y từ nhỏ, nên tốt nghiệp THPT năm 1985, tôi vào công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau đó được tham gia các lớp điều dưỡng dài hạn và ngắn hạn; đến năm 2007, tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng. Trong thời gian này, được điều động qua nhiều khoa, phòng của bệnh viện, đến năm 2009 tôi được đề bạt làm Phó trưởng Phòng Điều dưỡng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)” - chị Lưu Mỹ Ngọc Phương chia sẻ.

Với trách nhiệm Phó trưởng Phòng Điều dưỡng chị Ngọc Phương đã tổ chức, quản lý tốt công tác chăm sóc; quản lý nhân lực điều dưỡng; tổ chức học tập nâng cao tay nghề và nghiên cứu khoa học. Theo dõi và phụ trách công tác tập huấn, đào tạo cho điều dưỡng từ bệnh viện tuyến huyện và học sinh từ Trường Trung cấp Y tế tỉnh đến thực tập; thường xuyên tổ chức ôn tập cho điều dưỡng tại khoa, đặc biệt những điều dưỡng mới về làm nhằm củng cố lại các quy trình kỹ thuật, nâng cao tay nghề, chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. Hàng tháng, tổ chức sinh hoạt hội đồng người bệnh cấp bệnh viện, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người bệnh, từ đó phát huy những thế mạnh và khắc phục những mặt còn hạn chế.

Bên cạnh đó, cùng với tập thể bệnh viện, tiến hành các hoạt động cải tiến và nâng cao chất lượng nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả và mang lại sự hài lòng cao nhất có thể cho người bệnh, người dân và nhân viên bệnh viện, phù hợp với khả năng, điều kiện của bệnh viện.

Với những chức năng, nhiệm vụ được giao, chị luôn phấn đấu học tập và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Thường xuyên quan tâm, kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng chăm sóc người bệnh và kỹ năng giao tiếp ứng xử của nhân viên để tham mưu cho ban giám đốc có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Tổ chức thực hiện việc 100% chăm sóc người bệnh toàn diện theo nhóm, đội. Các mô hình phân công chăm sóc của các khoa đều được phòng điều dưỡng và lãnh đạo bệnh viện phê duyệt. Phối hợp với phòng tổ chức cán bộ nghiên cứu tiếp nhận phân bố nhân lực điều dưỡng cho phù hợp với nhu cầu của từng khoa; kiểm tra, giám sát về tình hình nhân lực, thái độ giao tiếp ứng xử của nhân viên, các loại sổ sách phục vụ cho công tác quản lý khoa, phòng của bệnh viện. Điều động nhân lực tạm thời cho các khoa có số lượng bệnh nhân đông và khi nhân viên ốm đột xuất. Huấn luyện các quy trình, kỹ thuật chuyên môn cơ bản, tổ chức đào tạo cho tất cả điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên trong toàn bệnh viện. Tổ chức thi tay nghề cho điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên cuối năm đạt kết quả tốt và ứng dụng được cho lâm sàng rất thiết thực.

Song song đó, chị tích cực xây dựng và cập nhật các quy trình kỹ thuật điều dưỡng, quy trình quản lý để từng bước thống nhất trong toàn bệnh viện, nhằm hạn chế thấp nhất sự cố y khoa có thể xảy ra; đồng thời tham gia các ban quản lý chất lượng bệnh viện để tìm ra những giải pháp cải tiến chất lượng bệnh viện theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề điều dưỡng 2 tháng một lần để cùng trao đổi và cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.

Hơn ba mươi năm gắn bó với đơn vị, chị không ngừng nỗ lực, chịu khó học hỏi từ những đồng nghiệp đi trước, sách, báo để ứng dụng trong công tác, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều đề tài, sáng kiến kinh nghiệm đã ra đời phục vụ đắc lực cho công tác, góp phần đảm bảo công việc của khoa, của bệnh viện. Đó là những đề tài “Giải pháp nâng cao phòng ngừa sai sót trong chăm sóc người bệnh”; “Đánh giá thực hiện tiêm an toàn tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng năm 2015”; “Đánh giá hiệu quả can thiệp thực hiện tiêm an toàn của điều dưỡng - hộ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng năm 2016”…

Trong suốt quá trình công tác, chị đã được trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý, nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, ngành. Đặc biệt chị đã được nhận Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”. Lúc nào chị cũng tâm niệm: “Nghề y nói chung, nghề điều dưỡng nói riêng được phân biệt với nghề khác bởi nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp mang tính đặc thù, đó là chăm sóc, điều trị, cứu người, làm giảm nhẹ sự đau đớn của con người do bệnh tật và do các can thiệp y tế. Để hoàn thành nghĩa vụ nghề nghiệp đối với sự ủy thác của xã hội, điều dưỡng viên phải vừa giỏi chuyên môn và vừa có đạo đức nghề nghiệp. Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng của nghề điều dưỡng”.

Thạc sĩ Lê Thanh Mộng - Trưởng Phòng Điều dưỡng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Đồng chí Lưu Mỹ Ngọc Phương luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, năng động trong công việc. Có kinh nghiệm, có uy tín với đồng nghiệp, hết lòng vì công việc, vì bệnh nhân, chấp hành đúng sự phân công của lãnh đạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có tinh thần đoàn kết nội bộ tốt, luôn hòa đồng, gần gũi và giúp đỡ đồng nghiệp, luôn có tinh thần tự học, tự rèn. Đồng thời, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng”.

KGT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: