• Thi đua - Khen thưởng

Gương sáng cựu chiến binh vượt khó, làm giàu

24/07/2017 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 24/07/2017 | 09:00

STO - Trở về cuộc sống đời thường sau những ngày tháng phục vụ trong quân ngũ, nhiều hội viên cựu chiến binh (CCB) đã tự mình vươn lên thoát nghèo. Họ luôn ý thức rằng: chỉ có bản thân nỗ lực cố gắng thì mới mong thoát nghèo, không nên trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, khi tỉnh nhà còn gặp nhiều khó khăn. Các CCB trên địa bàn huyện Long Phú mà chúng tôi có dịp gặp là những tấm gương sáng về “vượt khó thoát nghèo”.

Ông Ương khoe đàn bò sinh sản của gia đình.

Trong những ngày này, khi cả nước hướng về Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, chúng tôi có dịp công tác về huyện Long Phú và được đồng chí Phó Chủ tịch Hội CCB huyện dẫn đến thăm gia đình hội viên Trần Ương, ngụ ấp Bưng Long, xã Long Phú. Đây là một trong những hội viên rất chí thú làm ăn sau khi phục viên trở về quê sinh sống. Đường vào nhà ông Ương khá lầy lội bởi những trận mưa kéo dài cả ngày. Chúng tôi tới ngay lúc ông Ương đang cho đàn bò ăn, ông vui vẻ mời khách vào nhà.

Ông Ương bộc bạch: “Sau hơn 10 năm tham gia nghĩa vụ quân sự, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi xuất ngũ vào năm 1992 để lo cuộc sống gia đình. Được cha mẹ cho 12 công ruộng, nhưng cũng chỉ đủ gạo ăn do lúa chỉ làm 1 vụ/năm, năng suất thấp. Để kiếm thêm thu nhập, tôi nuôi thêm gà thả vườn và vịt đẻ trứng. Vào năm 2000, thông qua nguồn vốn vay do Hội CCB xã Long Phú nhận ủy thác, gia đình ông Ương được giải ngân 10 triệu đồng.

Ông Trần Uơng phấn khởi cho biết: “Cầm số tiền lớn trong tay, tôi lại trăn trở không biết nên đầu tư nuôi con gì, bởi thời điểm đó heo và bò có giá trị khá cao. Sau nhiều ngày đắn đo, tôi quyết định mua 1 con bò cái sinh sản và cứ thế đàn bò tăng lên theo từng năm. Tích lũy từ tiền bán bò, tôi nuôi thêm heo bán thịt, bình quân 1 năm nuôi 4 con heo, rồi tự làm thịt heo chia cho bà con trong xóm đổi lấy lúa, tính ra lợi nhuận hơn rất nhiều. Riêng đàn bò, qua 17 năm đã tăng lên đáng kể, với tổng đàn hiện nay là 11 con, trong đó 8 con cái và 3 con đực. Hiện tại 6 con cái đang mang thai và đến cuối năm nay sẽ có thêm 6 con bê và chỉ tính riêng số bò đực tôi bán được số tiền cả 100 triệu đồng”. Chia sẻ với chúng tôi về tương lai, ông Trần Ương cho biết thêm: “Dự định tới, tôi duy trì đàn bò cái sinh sản 10 con và tiếp tục trồng thêm 2 công cỏ, nâng diện tích đồng cỏ cho bò ăn lên 5 công, nhằm cung cấp thức ăn đầy đủ cho số bò trong chuồng. Cuộc sống đã tạm ổn, con cái đã có công ăn việc làm ổn định nên vợ chồng tôi nuôi bò tích lũy an hưởng tuổi già”.

Ông Hoài bên ruộng lúa mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng.

Chia tay ông Trần Ương, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà ông Lâm Hoài, ngụ ấp Bưng Thum, xã Long Phú. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mái bằng khang trang, đầy đủ tiện nghi và phía trước nhà là một lò sấy lúa với công suất 7 tấn/mẻ, xung quanh nhà được bao quanh bởi một màu xanh bạt ngàn của ruộng lúa. Bắt đầu câu chuyện “vượt khó, thoát nghèo”, ông Hoài tâm tình: “Ngày trước đi bộ đội về không ruộng đất, phải tham gia hợp tác xã và ruộng chia theo đầu người. Theo đó, vợ chồng tôi được gần 5 công đất làm lúa, từ số đất làm chia với hợp tác xã, tích lũy một số tiền rồi chăn nuôi heo, gà, vịt, đi làm thuê trong xóm, dành dụm được tiền đầu tư mua ruộng, cứ thế, ruộng tăng lên”.

Sau nhiều năm tích lũy, hiện tại tổng số ruộng của gia đình ông Lâm Hoài có 65 công, làm lúa 2 vụ/năm và để thuận tiện cho việc dự trữ lúa của gia đình cũng như phục vụ nhu cầu sấy lúa của bà con, ông Hoài còn mạnh dạn đầu tư lò sấy lúa, mỗi năm sấy 1 vụ vào mùa mưa, bình quân khoảng 120 tấn lúa/vụ, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận hơn 50 triệu đồng. Ngoài làm lò sấy, ông Hoài còn mua thêm máy xới, khi tới mùa vụ thì đi xới cho bà con có nhu cầu, trừ chi phí, lợi nhuận 1 năm cũng tầm 50 triệu đồng. Riêng 65 công đất, sau trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm/2 vụ. Hướng tới, ông Lâm Hoài sẽ tiếp tục canh tác số ruộng trên và mở rộng lò sấy lúa nhằm tăng thu nhập. 

Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Long Phú Thạch Thanh Tâm cho biết: “Trong những năm qua, Hội CCB huyện đã phát triển nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu triển khai đến hội viên CCB để giúp hội viên tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo đó, các mô hình, như: nuôi dê, nuôi bò và trồng màu… có hơn 30% hội viên tham gia. Với nguồn vốn để hội viên phát triển sản xuất, chúng tôi nhận ủy thác từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và bình xét cho hộ vay theo nhu cầu trong khung được quy định”. Đánh giá về hai tấm gương hội viên tiêu biểu Trần Ương và Lâm Hoài, đồng chí Thạch Thanh Tâm nhận xét: “Ngoài tích cực tham gia công tác tại địa phương, hai hội viên trên còn tự lực vươn lên trong cuộc sống thông qua các mô hình kinh tế hiệu quả. Tới đây, chúng tôi sẽ nhân rộng các mô hình trên để các hội viên CCB khác học hỏi, làm theo”.  

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: