• Thi đua - Khen thưởng

Nghệ sĩ Thanh Tùng - tuổi xế chiều vẫn nặng nợ tằm tơ

25/11/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 25/11/2017 | 06:00

STO - Một đời “lang bạt kỳ hồ”, rày đây mai đó theo nghiệp tổ, đem lời ca tiếng hát góp vui cho đời, cho người, đến tuổi xế chiều vẫn nặng nợ tằm tơ; cuộc sống riêng tư gãy gánh giữa đường, tuổi ngoại lục tuần vẫn chưa có được mái nhà cho riêng mình. “Đã trót ăn cơm tổ thì theo nghiệp tổ, hạnh phúc nhất của tôi là được chết trên sân khấu” - nghệ sĩ Thanh Tùng tâm sự.

Thanh Tùng tên thật là Lữ Văn Tầm, sinh ra và lớn lên trong một gia đình không ai theo nghệ thuật ở vùng quê nghèo của xã Kế An (Kế Sách). Từ nhỏ, cậu bé Lữ Văn Tầm đã nghe và thấm vào máu thịt từ lời ru, tiếng hát của mẹ, của bà. Lớn hơn một chút, cậu được nuôi dưỡng bằng các bài ca cổ, các lớp tuồng, bài bản trong các buổi đờn ca tài tử ở địa phương. Dần dần thiếu niên Tầm sớm bộc lộ năng khiếu, chất giọng thiên phú cho nghệ thuật cải lương và được nhiều người chú ý khen ngợi qua các buổi đờn ca trong và ngoài xã.

Đến cuối năm 1975 - khi 19 tuổi, anh tham gia vào đội văn nghệ huyện Kế Sách, đi phục vụ khắp nơi trong huyện. Sau đó, tham gia lớp diễn viên cải lương của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Sân khấu 2 vào năm 1977, bạn học còn có nghệ sĩ Thanh Bạch, Hoàng Đông và một số nghệ sĩ tên tuổi khác. Năm 1980, sau khi tốt nghiệp, anh về công tác tại Đoàn Văn công Hậu Giang với các vai chuyên về lão và trở thành sở trường trong nghề, bởi chất giọng thổ pha kim trầm đặc trưng. Anh còn có một biệt tài ít người có là thế tuồng. Do đó, các trưởng đoàn thường không phải lo lắng khi diễn viên gặp sự cố trước giờ diễn vì anh có thể thế vai ngay và thế bất kỳ vai nào. “Mình phải nghiên cứu kỹ tất cả các tuồng của đoàn thì mới thế vai tốt được” - anh Thanh Tùng bộc bạch.

Nghệ sĩ Thanh Tùng.

Anh được rất nhiều khán giả khắp các tỉnh đồng bằng và cả những khán giả khu vực miền Trung, miền Bắc ái mộ và bước đầu tạo được tên tuổi trong nghiệp diễn. Năm 1992 anh chuyển về Đoàn Cải lương Chuông Vàng (Sóc Trăng), rồi hai năm sau, anh lại chuyển về công tác tại Nhà Văn hóa huyện Kế Sách, được phân công làm Đội trưởng Đội Thông tin lưu động huyện.

Công tác ở môi trường mới không giống khi còn là diễn viên chuyên nghiệp, anh phải kiêm nhiệm nhiều việc từ đạo diễn, diễn viên, viết kịch bản và tất cả những lặt vặt như anh hay đùa “lo từ cờ đèn, kèn trống, leo thang” nhưng vui vì được sống với nghiệp, gặp gỡ anh em cùng nghề qua các đợt hội diễn, hội thi, các buổi biểu diễn phục vụ nhân dân các dịp lễ, tết... Từ đó, góp phần đưa phong trào văn hóa, văn nghệ của huyện đi lên. Bên cạnh đó, anh còn tham gia đào tạo, huấn luyện diễn viên mới cho đội thông tin lưu động; hỗ trợ cho các câu lạc bộ đờn ca tài tử trên địa bàn huyện.

Đến năm 2016, anh nghỉ hưu nhưng vẫn miệt mài với các hoạt động nghệ thuật của địa phương, hỗ trợ cho anh em ở Đội Thông tin lưu động huyện mỗi lần có hội diễn, hoạt động phục vụ vào các dịp lễ, tết, góp phần gầy dựng, phát triển phong trào đờn ca tài tử của huyện Kế Sách. Là người có tâm và nhiệt huyết với đờn ca tài tử, anh đã góp nhiều công sức trong xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương. Nhiều năm qua, anh đã truyền nghề cho những "tri âm" có cùng đam mê với mong muốn đưa phong trào đờn ca tài tử trên địa bàn ngày càng phát triển rộng khắp. Khi địa phương có tổ chức hội thi, hội diễn đờn ca tài tử, anh lại được các xã mời làm cố vấn chương trình hay làm giám khảo.

Với những đóng góp của mình cho nghệ thuật, anh đã được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa vào năm 2000. Trước đó, anh từng đạt huy chương bạc tại liên hoan sân khấu toàn quốc; cùng với đồng nghiệp đại diện cho huyện Kế Sách đạt nhiều giải thưởng tại các lần hội diễn, hội thi cấp tỉnh; hỗ trợ các ngành tại các hội diễn ngành…

Cả đời gắn bó hoạt động văn hóa, văn nghệ với nhiều vai diễn, nhiều tác phẩm mang lại niềm vui, hạnh phúc, động lực, niềm tin yêu vào cuộc sống cho người nhưng Lữ Văn Tầm lại có cuộc sống riêng tư không như những vai diễn trên sân khấu mà khá trắc trở. Anh và vợ đã chia tay từ lâu, ở cái tuổi ngoại lục tuần, anh vẫn ở nhà tập thể, trang trải cuộc sống chủ yếu từ lương hưu. Tuy vậy, khi nói về văn hóa, văn nghệ, nhất là nghệ thuật cải lương, trong anh lại toát lên sự đam mê mãnh liệt, như quên hết mọi phiền muộn cuộc sống. “Đã trót ăn cơm tổ thì theo nghiệp tổ tới cùng, niềm vui lớn nhất là được làm những chương trình chất lượng, thu hút khán giả, mang lại hiệu quả tuyên truyền cao nhất, với tôi được chết trên sân khấu là hạnh phúc” - anh chia sẻ.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Kế Sách Nguyễn Tấn Đa cho biết: “Anh Tầm là người nhiệt huyết, góp công xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương, là cánh chim đầu đàn của phong trào đờn ca tài tử của huyện; đóng góp lớn cho các hoạt động của ngành văn hóa huyện trong thời gian qua. Dù đã nghỉ hưu, nhưng anh vẫn luôn thiết tha với hoạt động văn hóa, văn nghệ, lãnh đạo Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện luôn tạo điều kiện để anh tiếp tục được tham gia các hoạt động của đội thông tin lưu động như là một cộng tác viên”.

Hoàng Phúc Dương

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: